Bản dựng của đạo diễn Ái Như qua tác phẩm này đã khẳng định vị thế chắc tay khi chị làm mới một tác phẩm cũ đầy bản lĩnh và đẳng cấp.
Trên hết là những hoài nghi khi "Bạch Hải Đường" qua phiên bản kịch sẽ khó được chấp nhận vì làm không khéo sẽ phản tác dụng. Áp lực lớn nhất là gạt bỏ bài vọng cổ, bài bản cải lương, tình tiết đúng chất cải lương để đẩy nhanh tiết tấu, tình huống đời hơn, mạch lạc cho một lối đi nhanh nhất đến với trái tim người xem.
Nếu tính luôn vở kịch này, thương hiệu "Hoàng Thái Thanh" đã chạm tay đến 3 kịch bản cũ lừng danh, sau "Nửa đời hương phấn" và "Bông hồng cài áo". Và cách làm mới qua bàn tay biên tập của một nhóm tác giả "Hoàng Thái Thanh" chứng tỏ họ làm nên chuyện. "Bạch Hải Đường" qua cách kể của kịch, không chỉ khai thác tình cảnh bi thảm của một tay cướp, thỏa mãn tiêu xài cho vợ, ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ người khốn khó từ những đồng tiền cướp được của nhà giàu mà còn xoáy vào sự nông nổi, bán rẻ hạnh phúc gia đình của một người phụ nữ.
Cảnh trong vở “Bạch Hải Đường”
Xem kịch của Ái Như, thích nhất cách chị khai thác tối đa những chi tiết, mà nếu bỏ qua những câu thoại, nhiều lúc chỉ vài chữ đơn điệu là sẽ không thấy được sự thú vị. Như cái bánh bao mà tuổi thơ của Bạch Hải Đường đi cướp đem về cho mẹ nhưng bà đã vĩnh viễn ra đi, để rồi lớn lên, cuộc đời xô đẩy, Đặng Hoàng Minh - tên thật của Bạch Hải Đường - đêm đêm thầm lặng mua những thùng bánh đi phát cho người nghèo khó. Chi tiết được khai thác sâu, âm nhạc đặt đúng chỗ, âm thanh, ánh sáng hòa quyện vào một không gian không quá đỗi sướt mướt, cũng chẳng giáo điều vì sao nhân vật sa vào bi kịch.
Khán giả phần lớn hiểu rõ cốt truyện có từ thời cải lương Sài Gòn còn hưng thịnh, nên họ thưởng thức kịch như nhấp từng hớp trà thơm và suy ngẫm về nỗi niềm của Đặng Hoài Minh xấu số, của cô Nhung ham chơi, đua đòi, của ông cò Bằng trượng nghĩa, của bà Liên - vợ cò Bằng - thánh thiện, của ông bầu gánh hát khẳng khái…
"Ba tôi sáng tác vở này vai nào cũng có đất diễn. Một thời khán giả yêu mến Hùng Cường, Ngọc Giàu, Phương Quang, Dũng Thanh Lâm, hề Thanh Việt… trên sân khấu Dạ Lý Hương, rồi in dĩa phát hành, lưu truyền cho tới ngày nay. Xúc động lắm khi phiên bản kịch là một bản dựng rất đời, tiết tấu nhanh, chiều sâu tâm lý của từng vai được mổ xẻ tới cùng. Vì thế, tôi hạnh phúc khi đứa con tinh thần của cha mình đã được kể qua góc nhìn của thời đại hôm nay" - nghệ sĩ Hoa Lan, con gái của cố soạn giả Nguyễn Huỳnh, nói.
Để khắc phục được bản chất vốn lệ thuộc vào tiết tấu mùi mẫn, chậm rãi của cải lương, đạo diễn Ái Như đã tạo sự chuyển đổi không gian rất sinh động. Các diễn viên vì thế cũng cuốn theo trụ xoay của tình huống mà tung hứng, khóc cười với hai nhân vật trung tâm. Trí Quang có thêm một vai diễn nặng ký đáng khen. Tuyết Thu diễn chất lẳng cho thấy sự nỗ lực, bởi lâu nay cô vốn đóng những vai mềm mại, gai góc về nội tâm. Thế Hải quá duyên dáng với vai ông bầu. Vẫn ở tuyến nhân vật phụ đỡ đần, bọc lót cho đàn em, Thành Hội - Ái Như đã là điểm tựa vững vàng cho dàn diễn viên tỏa sáng trong vở "Bạch Hải Đường".
Bình luận (0)