Nửa thế kỷ phim Tết
Sau Hiệp định Genève vào năm 1954 chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc, đời sống văn hóa, đặc biệt là giải trí, của người dân ở miền Bắc và miền Nam rất khác nhau.
Cho dù điện ảnh đã theo chân người Pháp du nhập từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX nhưng chỉ sau năm 1954, phim ảnh mới bắt đầu phát triển ở miền Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy trong hồi ký cho biết văn hóa Pháp và phương Tây ảnh hưởng mạnh ở miền Nam do sách báo, đĩa nhạc và phim ảnh được nhập về chiếu tại các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn. Phạm Duy sau thời gian du học tại Pháp trở về Sài Gòn cũng vào làm việc ở Trung tâm Quốc gia Điện ảnh trong gần 10 năm với tư cách trợ lý sản xuất cho nhiều đoàn phim ngoại quốc đến Việt Nam quay phim, thậm chí ông còn viết truyện phim, viết phê bình phim và đạo diễn điện ảnh.
Với sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân, điện ảnh miền Nam đã sản xuất phim ảnh để chiếu rạp. Kỷ lục là năm 1957 với 37 bộ phim được sản xuất và trình chiếu. Những bộ phim như "Người đẹp Bình Dương" do Năm Châu đạo diễn với diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng, "Hồi chuông Thiên Mụ" do Lê Dân đạo diễn với diễn xuất của Kiều Chinh hay "Áo dòng đẫm máu" (do nhạc sĩ Lê Thương đạo diễn; diễn viên Vân Hùng, La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng)… đã lần lượt được trình chiếu trong những dịp lễ quan trọng như Giáng sinh và Tết nguyên đán ở miền Nam.
Do chất lượng kỹ thuật yếu kém và phim ảnh vẫn mang tính ước lệ của sân khấu với những bộ phim mang hơi hướng cổ tích, truyện lịch sử, dã sử và truyền thuyết đề cao lòng "trung hiếu tiết nghĩa" nên phim ảnh ở miền Nam nhanh chóng bị khủng hoảng trong những năm sau đó với số lượng phim sụt giảm nghiêm trọng.
Điện ảnh miền Nam chỉ thực sự được phục hưng từ năm 1969-1975 với các thể loại phim đa dạng, từ phim du đãng, giang hồ đến phim kinh dị, từ phim tâm lý sướt mướt đến những bộ phim hài giễu trào lộng. Đặc biệt, trong năm 1972-1975, điện ảnh Sài Gòn đã sản xuất nhiều bộ phim để tung ra vào dịp Tết như "Tứ quái Sài Gòn", "Năm vua hề về làng", "Người chồng bất đắc dĩ", "Triệu phú bất đắc dĩ"…
Công thức chung của những bộ phim này là tiếng cười trào lộng, giễu cợt sự đời với sự tham gia của nhiều ngôi sao ăn khách hàng đầu. Điển hình là "Tứ quái Sài Gòn", quay năm 1973 và trình chiếu vào dịp Tết 2014 với phụ đề tiếng Trung, Anh, Pháp, chiếu tại miền Nam và một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia. Phim do hãng Lido Films sản xuất với kịch bản của Vũ Đức Duy, quay phim Trần Đình Mưu và đạo diễn La Thoại Tân - một nam diễn viên rất ăn khách trước 1975 lần đầu tiên thử sức với vai trò đạo diễn. Dàn diễn viên bao gồm những danh hài như La Thoại Tân, Khả Năng, Thanh Việt, Tùng Lâm bên cạnh hai mỹ nhân là Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng.
"Tứ quái Sài Gòn" theo chân 4 anh chàng nhà quê lên Sài Gòn hy vọng đổi đời trở thành phim ăn khách nhất trong năm 1974 khiến hãng phim Mỹ Vân và nhiều hãng tư nhân khác vào cuộc để sản xuất phim chiếu Tết. Mùa Tết năm 1975, màn ảnh miền Nam bùng nổ với nhiều phim như "Hải vụ 709", "Từ quê ra tỉnh", "Nữ quái sợ ma" và ăn khách nhất là "Năm vua hề về làng".
"Năm vua hề về làng" quy tụ tới 12 danh hài với 5 câu chuyện do 5 đạo diễn khác nhau dàn dựng như Lê Mộng Hoàng, Thân Trọng Kỳ, Lê Hoàng Hoa, Lê Dân, Quốc Hưng… và do soạn giả Năm Châu biên kịch. Năm chuyện phim độc lập nối tiếp nhau gồm "Tình đời", "Đổi ngôi", "Người hùng sợ nước", "Bố mìn gặp mẹ mìn", "Hai bức thư tình" và quy tụ những gương mặt hài nổi bật của điện ảnh Sài Gòn như Thành Được, Bảo Quốc, Thanh Việt, Khả Năng, La Thoại Tân, Ba Vân, Xuân Phát, Tùng Lâm, Văn Chung bên cạnh những mỹ nhân như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga nên thu hút đông đảo khán giả. Bộ phim dài 95 phút, được phát hành vào dịp Tết 1975, chỉ trước sự kiện 30-4-1975 hơn 2 tháng.
"Năm vua hề về làng" gần đây được hãng Mỹ Vân phục chế và tái phát hành dưới dạng kỹ thuật số, DVD và Bluray trong cộng đồng hải ngoại tại khu vực Bắc Mỹ.
Phim "bánh mứt"?
Văn hóa xem phim Tết được khôi phục lại trong giai đoạn phim "mì ăn liền" của thập niên 1990, thời điện ảnh giải trí ở miền Nam bùng nổ và xuất hiện nhiều ngôi sao điện ảnh như Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Lê Tuấn Anh. Tuy nhiên, sau cái chết của dòng phim "mì ăn liền" cuối những năm 1990, điện ảnh giải trí ở miền Nam khủng hoảng và thoái trào. Văn hóa xem phim rạp trong dịp Tết được thay thế bằng các hình thức giải trí khác như tấu hài, sân khấu kịch, tụ điểm ca nhạc và thậm chí là karaoke.
Sau cơn sốt phim "Gái nhảy" vào năm 2003, điện ảnh giải trí bắt đầu "sống" trở lại. Một loạt phim chiếu Tết trong những năm sau đó như "Tết này ai đến xông nhà", "Gái nhảy 2: Lọ Lem hè phố" (2004), "Khi đàn ông có bầu" (2005), "Đẻ mướn", Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" (2006), "Trai nhảy: Chuông reo là bắn", "Võ lâm truyền kỳ" (2007), "Phát tài", "Nụ hôn thần chết 2: Giải cứu thần chết" (2008)… khiến cuộc cạnh tranh phim Tết ngày càng trở nên khốc liệt.
Hãng phim Phước Sang và những đạo diễn như Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung… là những cái tên nổi bật đứng đằng sau những bộ phim này. Điểm chung của hầu hết những bộ phim chiếu Tết trong giai đoạn điện ảnh nội địa khởi sắc trở lại là khai thác những tiếng cười dễ dãi để "mua vui cũng được một vài trống canh". Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng gọi những bộ phim Tết của điện ảnh Việt Nam là "phim bánh mứt".
Những kỷ lục
Chất lượng phim Tết trong những năm tiếp theo vẫn chưa được cải thiện là bao. Tuy nhiên, bên cạnh những bộ phim "bánh mứt", phim hài nhảm chất lượng thấp đã xuất hiện những bộ phim có chất lượng của những đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim như "Huyền thoại bất tử" (2009) của đạo diễn Dustin Nguyễn, "Cô dâu đại chiến" (2011), "Thiên mệnh anh hùng" (2012) của đạo diễn Victor Vũ hay "Trúng số" (2015) của đạo diễn Dustin Nguyễn.
Dù vậy, một vài bộ phim chất lượng khá vẫn lọt thỏm giữa những bộ phim hài "bánh mứt" chất lượng thấp tràn ngập trong dịp Tết khiến khán giả Việt quay lưng. Điển hình là Tết năm 2016, với 5 bộ phim Việt đổ bộ tại các rạp để chiếu Tết như "Tía tui là cao thủ", "Yêu là phải xài chiêu", "Lộc phát", "Siêu trộm"… nhưng tất cả đều có doanh thu bết bát, thua cuộc trước những bộ phim ngoại nhập như "Mỹ nhân ngư" của Châu Tinh Trì.
Các nhà sản xuất không còn mặn mà với phim Tết như trước đây. Những bộ phim ăn khách hàng đầu như "Em chưa 18", "Em là bà nội của anh", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… đều được phát hành trong những dịp nghỉ lễ khác như 30-4 hay dịp lễ Giáng sinh cuối năm.
Phim Tết của điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc trong 2 năm gần đây với những kỷ lục mới được thiết lập. Mùa Tết năm 2018, phim hài "Siêu sao siêu ngố" của đạo diễn Đức Thịnh với danh hài Trường Giang đóng vai hai anh em sinh đôi đạt doanh thu tới 108 tỉ đồng, phim hành động hài "79810" của Dustin Nguyễn với dàn diễn viên như Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Dustin Nguyễn cùng thu về hơn 70 tỉ đồng. "Về quê ăn Tết" của Ngô Thanh Vân sản xuất và đóng vai chính chấp nhận hòa vốn ở vị trí thứ 3 trong khi "Đích tôn độc đắc" dù có Hoài Linh đóng chính thua cuộc. Từ một "ông vua phim Tết", Hoài Linh chính thức nhường sân phim Tết cho những danh hài kiểu mới như Trường Giang hay Trấn Thành.
Trong mùa phim Tết năm 2019, một mình Trấn Thành đóng chính trong 2 bộ phim Tết là "Trạng Quỳnh" (đạo diễn Đức Thịnh) và "Cua lại vợ bầu" (đạo diễn Nhất Trung), tạo thành một cuộc đua song mã thú vị trong dịp Tết. Cho dù bị chê là tiếng cười kém duyên,"Trạng Quỳnh" vẫn thu về hơn 100 tỉ đồng, trong khi "Cua lại vợ bầu", dù là một phim hài pha trộn thể loại tâm lý lãng mạn gia đình lại ăn khách kỷ lục, thu về hơn 190 tỉ đồng, chính thức trở thành bộ phim Việt Nam ăn khách nhất trong lịch sử phim Việt.
Cho dù phim Tết 2019 "ăn nên làm ra" và xác lập những kỷ lục mới như vậy, mùa phim Tết 2020 lại khá yên ắng. Bộ phim tung chiêu sớm nhất là "30 chưa phải là Tết" của đạo diễn Nguyễn Quang Huy - người trở lại với điện ảnh sau 6 năm kể từ thành công của "Chàng trai năm ấy". "30 chưa phải là Tết" quy tụ 2 danh hài Trường Giang và Mạc Văn Khoa bên cạnh dàn diễn viên kỳ cựu như Việt Anh, Hồng Vân, Phương Thanh. Bộ phim thuộc thể loại fantasy comedy (hài siêu thực) với một ý tưởng khá mới ở Việt Nam - vòng lặp thời gian, kể về Hân (Trường Giang đóng) - người có những mâu thuẫn nặng nề với người cha (NSND Việt Anh đóng) - bị mắc kẹt trong ngày 30 Tết cho đến khi anh ta phải tự giải phóng năng lượng xấu trong con người mình. Mạc Văn Khoa, danh hài nổi lên mới đây với những vai phụ duyên dáng trong "Cua lại vợ bầu" và "Lật mặt 4: Nhà có khách", đảm nhận vai Thích Tu - một nhân vật quan trọng và là người hóa giải những tiêu cực trong Hân, người bạn thân thuở nhỏ của anh ta.
Trong buổi công bố dự án vào cuối tháng 11, đạo diễn Quang Huy cho biết anh hoàn toàn tự tin với sự trở lại điện ảnh lần này, cho dù bộ phim gặp rất nhiều trắc trở trong quá trình quay. Trường Giang, người bỏ vốn đồng sản xuất, tự tin nói rằng nếu khán giả đi xem phim không hài lòng, anh sẵn sàng trả lại gấp 10 lần tiền vé cho khán giả.
Đối thủ lớn nhất mùa phim Tết Canh Tý là bộ phim kinh dị tâm linh "Đôi mắt âm dương" của đạo diễn Nhất Trung - người lập kỷ lục mùa phim Tết năm ngoái với "Cua lại vợ bầu". Phim kinh dị có vẻ không phải là thể loại phù hợp với mùa phim Tết nhưng đạo diễn Nhất Trung tin tưởng vào câu chuyện hấp dẫn và dàn diễn viên thực lực bao gồm Thu Trang, cặp đôi diễn viên truyền hình thành công lớn trong năm vừa qua là Quốc Trường - Bảo Thanh vẫn có thể thu hút khán giả.
Như vậy, mâm cỗ phim Tết năm nay dọn cho khán giả 2 món khá lạ miệng, một là phim hài gia đình mang hơi hướng siêu thực và một là phim kinh dị tâm linh. Phim Tết 2020 có thể còn một vài ẩn số thú vị khác xuất hiện vào phút chót. Hãy chờ đợi xem điện ảnh Việt có lập thêm những kỷ lục doanh thu mới hay không!
Bình luận (0)