Chia sẻ với báo chí, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông và các thành viên trong gia đình đã đóng góp để xây dựng bảo tàng, không xin kinh phí từ nhà nước hoặc thu tiền từ nguồn nào khác. Về chức năng hoạt động, gia đình kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xây phỏng theo kiến trúc ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (Hà Nội), nơi Đại tướng và gia đình đã ở trong giai đoạn 1955 - 1986. Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6-8-1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất của bảo tàng. (Ảnh do bảo tàng cung cấp)
Bảo tàng đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng phục dựng 2 không gian là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà số 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam.
Ngoài ra, khu trưng bày còn có hơn 100 đầu sách; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, tại bảo tàng còn có nhiều hiện vật mới lần đầu tiên được công bố, điển hình như công văn của các nước gửi cho Đại tướng.
Dự kiến, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách vào ngày 6-7 nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày Đại tướng từ trần. Ngày 1-1-2024, lễ khánh thành bảo tàng sẽ được tổ chức chính thức nhân dịp 110 năm ngày sinh Đại tướng.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, quê hương của đại tướng, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở tại số 144 Đặng Thái Thân, TP Huế đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6-7-2022.
Bình luận (0)