Bao gồm 3 tòa nhà lớn được thừa hưởng kiến trúc độc đáo kết hợp cả phương Tây lẫn văn hóa Á Đông, với rất nhiều không gian trưng bày, triển lãm, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM sau 30 năm xây dựng, phát triển (1987-2017) vẫn chưa phát huy được đúng chức năng đứng đầu trong khu vực phía Nam về triển lãm, trưng bày tác phẩm mỹ thuật, chưa tạo ra được những giá trị nghệ thuật hoàn mỹ đúng tầm cỡ; chưa có được sàn giao dịch nghệ thuật một cách chính đáng, mặc dù thị trường mỹ thuật vẫn đang diễn ra càng lúc càng sôi động.
Bỏ phí nhiều giá trị
Không phủ nhận thành tựu 30 năm xây dựng, phát triển và dấu ấn để lại trong đời sống mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nhưng vẫn còn đó khoảng cách khá lớn về quan hệ giữa cộng đồng, công chúng với hoạt động của bảo tàng này.
Công tác trưng bày thô sơ bảo vật quốc gia - Bức tranh quý "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí
Các bức phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật TPHCM
Nghệ sĩ muốn thuê không gian trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM phải trả một khoản tiền không hề nhỏ nhưng mỗi ngày triển lãm trôi qua hầu như chỉ làm cho người thuê và cả người thu tiền cùng đau xót vì khách chủ yếu chỉ là bạn bè, người thân của nghệ sĩ có tác phẩm triển lãm tới thăm hỏi, chúc mừng. Thật ra, đối tượng chính mà các triển lãm cần thu hút là công chúng và những người có thể bỏ tiền mua tác phẩm để tạo nên giao dịch trên "thị trường nghệ thuật" non yếu và sơ khai của Việt Nam thì cứ bị "bỏ quên" ở đây vì cái khó bó cái khôn.
Là nơi tập hợp nhiều nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực mỹ thuật nhưng mong muốn tạo ra sàn giao dịch nghệ thuật kiểu như phiên chợ nghệ thuật hoặc sàn đấu giá nghệ thuật… đối với bảo tàng còn vấp phải quá nhiều khó khăn vì lý do không có chức năng kinh doanh mà chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, triển lãm.
Rất ít người biết Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đang lưu giữ bảo vật quốc gia - bức tranh sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, có kích cỡ cực lớn, lên tới 5,4 m x 2 m, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Ngoài ra, tại bảo tàng này còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm quý, hiếm, độc đáo như bộ sưu tập lên tới cả trăm bức phác thảo tài hoa của danh họa Nguyễn Gia Trí, nhiều tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Đông Dương, bộ sưu tập di vật điêu khắc cổ, các tác phẩm mỹ thuật kháng chiến, bộ sưu tập nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, Ủ Văn An…
Đến thăm bảo tàng, bất cứ ai có tâm với mỹ thuật cũng sẽ cảm thấy tiếc vì cả một bộ sưu tập khổng lồ nằm yên dưới lớp bụi phủ, trong những căn phòng mờ tối, thưa vắng người tham quan, thưởng lãm.
Trăn trở "lột xác"
Hiện trạng bảo tàng với khu vực "mặt tiền" xấu xí, hàng rào lở lói, rong rêu, gạch sàn nhà triển lãm rạn nứt, nước đọng, chú thích của nhiều bức tượng, nhiều tác phẩm bong tróc vì quá cũ, khung tranh bất hợp lý, bục kệ xấu xí, kính bảo vệ thô sơ, mạng nhện giăng đầy…
Nhiều thế hệ lãnh đạo của bảo tàng này đã trăn trở và dồn sức, tận tâm với công tác bảo tàng. Nhưng cho đến hiện tại, nhìn vào Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, ai cũng thấy rất cần phải có một cuộc "lột xác" mới mẻ, táo bạo.
"Khâu trưng bày có nhiều mặt cần được chỉnh trang và đổi mới cho tương thích với tính chất lịch sử, lượng du khách ngày càng tăng, sự mở rộng nhiều mặt của hoạt động bảo tàng" - PGS Lê Xuân Diệm, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHXH Vùng Nam Bộ, nhận định. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, đề nghị: "Bảo tàng đã có thương hiệu rồi, nên năm nào cũng có vài chục cuộc triển lãm ở đây, vì thế rất cần phải hiện đại hóa công tác trưng bày, triển lãm".
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn chỉ ra rằng: "Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM hiện đang để phí không gian bên ngoài. Khuynh hướng của các bảo tàng hiện đại trên thế giới là tổ chức không gian mở, tạo nên những khu vườn, những công viên điêu khắc, vừa có tính chất mỹ thuật đương đại vừa dẫn dắt du khách bước vào không gian bên trong bảo tàng".
"Cần có nhiều hoạt động tương tác với công chúng hơn. Cần đẩy mạnh trung tâm phát triển cộng đồng để vừa làm phong phú hoạt động nghệ thuật vừa kéo công chúng tới gần bảo tàng và có yếu tố đào tạo công chúng để trình độ thưởng thức nghệ thuật được nâng cao" - nghệ sĩ Đinh Bằng Giang nói.
"Các bảo tàng mỹ thuật trên thế giới hiện nay đều đã đi theo xu hướng sử dụng đa phương tiện để tái hiện lịch sử và hết sức chú trọng công tác phục dựng tác phẩm. Việc phát triển Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trong tương lai dứt khoát phải giải quyết được mối quan hệ kinh tế - văn hóa và mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển" - thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Kim Phiến (Phó Giám đốc nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM) khẳng định.
Họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt - cán bộ chuyên môn Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM - cho biết: "Chúng tôi mong muốn Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM mạnh dạn đổi mới đột phá theo hướng trẻ trung, mạnh dạn hơn. Được biết mới đây, lãnh đạo bảo tàng đã trình lên lãnh đạo TP dự án cải tạo toàn bộ không gian của bảo tàng, dự án nhằm đưa Bảo tàng Mỹ thuật trở thành một điểm đến tuyệt vời cho du khách và những người yêu nghệ thuật".
Kinh nghiệm từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Mặc dù số khách tham quan vẫn đang tăng lên mỗi năm, 2012 đạt hơn 282.000 lượt, 2015 đạt hơn 301.000 lượt và 2016 là 306.941 khách tham quan nhưng: "Cả năm 2016, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM chỉ bán được hơn 400 triệu đồng tiền vé tham quan" - ong Thái Thành Tuấn (đại diện phòng kế toán Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM) thông tin.
Ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết: "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh kể từ khi chuyển đổi trở thành đơn vị sự nghiệp có thu và tự chủ tài chính toàn phần thì kết quả hoạt động khác biệt rõ rệt so với trước đây. Thu phí tham quan năm 2016 đạt hơn 13,7 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2013 - trước khi tự chủ tài chính. Doanh thu từ hợp tác khai thác các hoạt động dịch vụ văn hóa phù hợp với chủ đề, chức năng của bảo tàng đạt hơn 3,8 tỉ đồng, tăng tới 223% so với giai đoạn 2013. Chúng tôi đã cố gắng phát huy hiệu quả kinh tế từ chất xám và tâm huyết của cán bộ nhân viên bảo tàng".
Bình luận (0)