Câu lạc bộ Doanh nhân (thuộc Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) và Công ty TNHH Truyền thông VinaArt vừa thông báo dời ngày tổ chức chương trình gala tôn vinh "Nữ Doanh nhân tài sắc năm 2020" đến ngày 19-12.
Mạo danh báo chí có thể bị xử lý hình sự
Chương trình đã dời nhiều lần, từ tháng 2-2020 sang ngày 20-10, sau đó lại dời tiếp đến 19-12. Theo ban tổ chức cuộc thi, chương trình nhằm vinh danh những đóng góp to lớn của các nữ doanh nhân trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và xã hội; là sân chơi bổ ích, mang tầm đẳng cấp của các doanh nhân trên toàn quốc.
Poster quảng cáo chương trình gala tôn vinh “Nữ doanh nhân tài sắc năm 2020” đã mạo danh Báo Người Lao Động làm đơn vị truyền thông mà không xin phép
Để kêu gọi tài trợ, ban tổ chức còn công bố danh sách dài các đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin cho cuộc thi kèm theo logo của VTV9, HTV7, Google, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tin tức, Vietnamnet, Công lý, VnExpress, Sacdeponline.vn, Doanhnhanvakhoinghiep.vn, Đẹp, Doanh nhân Việt Nam, Sắc đẹp, Facebook… Đây là yếu tố khiến thí sinh cuộc thi yên tâm về độ phủ sóng rộng khắp các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí nêu trên, trong đó có Báo Người Lao Động, đã bất ngờ và khẳng định không hề bảo trợ thông tin cho đêm gala này.
Về sự việc ban tổ chức sự kiện tự ý ghi Báo Người Lao Động là đơn vị bảo trợ truyền thông và sử dụng logo báo mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập báo là hành vi sai hoàn toàn. Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, Báo Người Lao Động có quyền yêu cầu Ban Tổ chức cuộc thi này thu hồi toàn bộ các tài liệu có liên quan đến logo của báo, gỡ bỏ các thông tin trên mạng, đồng thời có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý như: Cục Biểu diễn Nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đức khẳng định: Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi tự ý sử dụng logo Báo Người Lao Động để quảng cáo cho cuộc thi mà không được sự đồng ý của báo là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Quảng cáo. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quảng cáo. Trường hợp sử dụng logo của báo nhằm mục đích kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ tiền, lợi ích vật chất cho cuộc thi, có dấu hiệu gian dối, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xem xét về trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, để chấn chỉnh hành vi sai phạm này, Thanh tra Bộ VH-TT-DL và Cục Biểu diễn Nghệ thuật cần khẩn trương vào cuộc làm rõ và xử lý.
Lách luật đủ kiểu
Dù đã siết chặt chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc được tổ chức nhưng hiện nay, các cuộc thi nhan sắc vẫn xuất hiện nhan nhản với tên gọi na ná nhau như: "Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới", "Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt", "Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt", "Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới", "Hoa hậu Sắc đẹp phụ nữ", "Hoa hậu Doanh nhân tài sắc thế giới", "Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam quốc tế", "Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình thế giới", "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp thế giới"…
Cụ thể, cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân Tài sắc thế giới 2020" do Công ty CP Đầu tư Thương mại Ngọc Hồng Group nắm bản quyền và phối hợp với Hiệp hội Châu Á Thái Bình Dương Hàn Quốc tổ chức. Cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp thế giới" được Hội Văn hóa tại Hà Lan cấp giấy phép, tổ chức tại Pháp và Hà Lan. Cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân hòa bình thế giới" được tổ chức tại Bangkok - Thái Lan.
Ngoài cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam quốc tế 2020" dành cho nữ doanh nhân người Việt, lần đầu tiên được Bộ VH-TT-DL cấp phép thì nhiều cuộc thi nhan sắc khác gần như không mấy rõ ràng về giấy phép. Do quy định mỗi năm chỉ cấp phép 2 cuộc thi hoa hậu nên nhiều đơn vị lách luật tổ chức các cuộc thi hoa khôi, đặc biệt là các cuộc thi hoa khôi liên quan đến giới doanh nhân, vùng miền… Để tăng uy tín, nhiều cuộc thi thậm chí đã mạo danh hầu hết các tờ báo lớn để làm đơn vị bảo trợ truyền thông. Khi báo chí phản ứng, vài cuộc thi mới gửi hồ sơ đề nghị hợp tác, nếu đơn vị nào không đồng ý thì sẽ rút tên khỏi danh sách đơn vị bảo trợ truyền thông.
Sau các cuộc thi, không ít hoa hậu bị chê bai về tuổi tác, vóc dáng, nhan sắc. Nhiều đồn đoán nổ ra rằng các cuộc thi nhan sắc được tổ chức chỉ để bán danh hiệu. Một bầu sô thừa nhận: "Tôi đã mua cho người đẹp X. vương miện hoa hậu hơn 1 tỉ đồng. Đó là số tiền đầu tư cho quá trình thăng hạng của họ". Chính Hoa hậu chuyển giới quốc tế Hương Giang từng thừa nhận: "Muốn là sao hạng A thì cách nhanh nhất là chiến thắng vương miện hoa hậu".
Đội lốt biểu diễn nghệ thuật
Đầu năm 2020, Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra, lập biên bản, xử phạt nặng Ban Tổ chức cuộc thi "Miss Global Her Beauty" vì không được cấp phép.
Không ít đơn vị đang tìm cách lách luật, mượn việc biểu diễn nghệ thuật để tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Cụ thể, chương trình "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" đã bị dừng tổ chức vào phút chót. Tương tự, cuộc thi "Hoa hậu doanh nhân Việt - Hàn" dù giấy phép được lách dưới hình thức tổ chức chương trình nghệ thuật "Gặp gỡ giao lưu Hoa hậu Doanh nhân văn hóa Việt - Hàn 2019" nhưng vẫn bị dừng trước giờ G.
Theo Nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL và quảng cáo, hành vi tổ chức thi người đẹp, người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu cấp tỉnh, ngành, đoàn thể trung ương; từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng.
Y.Anh
Bình luận (0)