Hai đoàn hát cải lương mới của nhóm nghệ sĩ (NS) Chí Linh - Vân Hà và nhóm NS Vũ Luân vừa ra đời. Các ông, bà bầu thế hệ mới này đang nỗ lực hết mình để giữ sàn diễn cải lương luôn sáng đèn.
Áp lực hơn
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ toàn cầu, đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có sân khấu. Nếu không biết tận dụng nó thì cải lương sẽ không bắt kịp xu thế thời đại.
Cảnh trong vở “Bao Công sát thủ hoa hồng” của đoàn Chí Linh - Vân Hà công diễn tối 10-11 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Trước đây, NS Vũ Luân đã bỏ tiền xây dựng điểm diễn riêng cho đoàn cải lương của mình tại Công viên Lê Thị Riêng nhưng do điểm diễn không thuận lợi, anh đành rã gánh sau một thời gian ngắn. Trải qua nhiều năm nghiên cứu thị phần cải lương, NS Vũ Luân nhận ra: "Khán giả cải lương trẻ rành công nghệ, họ cần những sản phẩm của NS được yêu thích xuất hiện với sự hỗ trợ của kỹ thuật số". Theo anh, làm "ông bầu" thời 4.0 áp lực hơn nhiều.
Vợ chồng NS Chí Linh - Vân Hà lập đoàn hát mang tên mình, khai trương tối 10-11 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cũng thấy được sự tiện ích của công nghệ. "Thời này, khán giả chỉ cần vuốt màn hình điện thoại là có đủ các kênh giải trí. Sàn diễn cải lương phải tạo nhiều sản phẩm quảng cáo về đoàn hát, NS; chăm sóc khách hàng qua liên kết với những trang mạng cá nhân, từ đó quảng bá vở diễn, đáp ứng nhu cầu của người xem. Đó cũng là kênh thông tin mang tính tương tác hữu ích cho nhà tổ chức, lắng nghe ý kiến khán giả để điều chỉnh hoạt động của đoàn, của vở diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách hàng hiện nay" - NS Chí Linh đúc kết. Sau nhiều vở diễn áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả, cụ thể là "Hòn vọng phu", đoàn hát mới này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực để dựng tiếp vở "Bao Công sát thủ hoa hồng" (diễn tối 10-11), "Mắt em là bể oan cừu" (tác giả: Vân An; dự kiến công diễn tối 23-12)...
NSƯT Vũ Luân cho rằng thời công nghệ 4.0 có nhiều thuận lợi trong việc chăm sóc khách hàng. "Tôi thường xuyên vào Facebook, sử dụng tính năng livestream để tường thuật quảng bá các sự kiện, cuộc họp, tổ chức sinh hoạt và tập dượt của NS. Trong mỗi suất diễn, chúng tôi đều truyền hình trực tuyến cảnh hậu trường cho khán giả nghe tâm sự của NS trước giờ mở màn. Cách làm này cũng quảng cáo được suất diễn kế tiếp, có sự giao lưu, tương tác với người xem. NS có kênh thông tin chăm sóc khách hàng để bán được vé và lắng nghe phản hồi của họ về tác phẩm" - NS Vũ Luân nói.
Năng động, thích nghi
Từ đầu năm 2016, NS Kim Tử Long tổ chức mỗi tháng một lần chương trình cải lương "Ba thế hệ về lại cội nguồn", quy tụ nhiều NS. Anh thừa nhận công nghệ hỗ trợ trong dàn dựng, nhất là thay cảnh trí bằng màn ảnh LED. Các thủ pháp dàn dựng cũng xoay quanh việc áp dụng công nghệ phục vụ cho diễn xuất, tạo không gian với cách xử lý ánh sáng, cảnh trí, bục bệ và kỹ xảo. "Tôi có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ, cả trong tổ chức biểu diễn và dàn dựng. NS trao đổi thông tin vai diễn, vở diễn bằng cách chat qua nhóm, phương tiện tập tuồng cũng ứng dụng từ đó, để chỉnh sửa kịch bản, viết thêm bài ca, lời thoại. Nói chung, làm "bầu" thời nay phải năng động, nắm bắt, thích nghi và tận dụng công nghệ mới mong gặt hái thành tựu" - NS Kim Tử Long khẳng định.
Có công nghệ hỗ trợ, các ông, bà bầu sô cải lương bây giờ tự tin ngoài sàn diễn, họ còn có thể thực hiện các ấn phẩm mới quảng cáo cho đoàn hát của mình trên các giao diện.
Thương hiệu của mỗi đoàn thời nay hơn nhau ở chỗ biết cách tương tác với khán giả. Ngay cả mục quảng cáo cũng phải có nhiều chuyên mục, liên kết các trang mạng bán vé online, khuyến mãi qua tin nhắn, cuộc gọi, phát hành vé kèm quà tặng...
Điều quan trọng là các đoàn hát thời công nghệ không làm việc theo kiểu chọn diễn viên để đánh lẻ mà xem sự sống chết của một đoàn hát là điều kiện tiên quyết. "Cách làm theo kiểu chụp giật, ăn xổi ở thì phải chấm dứt. Vì không thể quảng cáo rồi lại trả vé. Đã lên lịch diễn, bán vé qua mạng rồi thì phải mở màn. Do đó, khi đã làm "ông/bà bầu" thời 4.0, không chấp nhận kiểu đào, kép hoạt động cầm chừng" - NS Vân Hà nói.
Chưa biết họ sẽ bền chí đến khi nào, trước mắt vẫn là một cuộc tự thân vận động để thích ứng với thời đại 4.0. Tuy nhiên, có đi thì sẽ thành đường và sẽ đúc kết kinh nghiệm để ứng dụng cho người đi sau. Họ mở đường và nỗ lực để sàn diễn sáng đèn, vận dụng công nghệ phục vụ công chúng mộ điệu đang cần những sản phẩm mới.
Phải đầu tư
Cải lương xuống dốc do nhiều nghệ sĩ sống dựa vào hào quang cũ. Trong khi đó, nhu cầu của xã hội ngày càng cao, muốn làm "bầu" hiệu quả, tạo ra lợi nhuận để tái sản xuất thì phải đầu tư cho sàn diễn và khâu tiếp thị, đưa sản phẩm đến người xem.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết khẳng định: "Cải lương muốn sống đàng hoàng, trước tiên phải trở lại với văn hóa thưởng thức của chính nó".
Bình luận (0)