Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố giải thưởng Tác giả trẻ thuộc hệ thống giải thưởng hằng năm của hội trao cho những tác phẩm văn học xuất sắc của các tác giả từ 35 tuổi trở xuống. Đây là lần đầu Hội Nhà văn Việt Nam xét giải thưởng hằng năm cho các cây bút trẻ, qua đó thể hiện nỗ lực trong hoạt động của hội với tinh thần cởi mở, khách quan nhằm kịp thời phát hiện, khuyến khích tài năng văn chương và trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ.
Nỗ lực làm mới văn đàn
Việc công bố giải thưởng này cho thấy nỗ lực làm tươi trẻ văn đàn Việt đương đại trước sự xuất hiện khá ấn tượng của một thế hệ viết văn xuôi mới (sinh từ 1980 trở lại đây). Nhà văn Mặc Tuyền vui mừng cho rằng những cây bút được định danh là "trẻ" nếu xét về tuổi đời nhưng về tuổi nghề thì họ lăn lộn trên nhiều "trận mạc". Đó là những tác giả được vinh danh tại các cuộc so tài văn chương uy tín.
Cụ thể như tại cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014, Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984, Ninh Thuận) giành giải nhất với các tác phẩm "Hương thôn dã", "Đỉnh khói" và "Thôi mùa cỏ cháy"; Đinh Phương (sinh năm 1989, Hà Nội) giải nhì với "Chiều ký ức phủ gai" và "Chuyến trở về của cỏ"; Hương Thị (sinh năm 1984, Hà Nội) đoạt giải khuyến khích với "Nợ anh hùng"; Cao Nguyệt Nguyên (sinh năm 1990, Hà Nội) đoạt giải khuyến khích với "Trăng màu hổ phách". Tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (trao giải năm 2014), tác giả Nhật Phi (sinh năm 1991, TP HCM) giành giải nhất với "Người ngủ thuê"; Lê Minh Nhựt (sinh năm 1981, Cà Mau) giải ba với "Gia tộc ăn đất"; Minh Moon (sinh năm 1986, TP HCM) giải ba với "Hạt hòa bình"...
Lễ công bố giải thưởng Tác giả trẻ thuộc hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam Ảnh: KHÁNH NGUYÊN
Hiện nay, các tác giả trẻ còn nỗ lực tự làm đầy vốn sống bằng tri thức, đi thực tế, cọ xát đời sống. Điều này thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Nhật Phi, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Tru Sa, Trần Băng Khuê... Nhà văn trẻ Hoàng Công Danh từng chia sẻ: "Sức tưởng tượng của người viết khi được trải nghiệm thực tế như một lực hấp dẫn để phiêu lưu cùng con chữ và tìm sự đồng cảm với người đọc".
Theo các nhà văn nổi tiếng, những ngòi bút trẻ đã biết tận dụng lợi thế đi nhiều để sáng tạo và bứt phá. Nhà văn Trầm Hương cho rằng viết là cách để họ "hiển thị" tư cách công dân - nghệ sĩ của mình trước cuộc đời, để họ và những bạn đọc cùng cảm nhận những điều bí ẩn của tình yêu nghệ thuật và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, giải thưởng ra mắt kịp thời sẽ là một bệ đỡ uy tín để đưa tác phẩm của họ đến với bạn đọc.
Thêm động lực, niềm tin
Giải thưởng Tác giả trẻ gồm bốn thể loại văn học chính là: thơ, văn xuôi, lý luận - phê bình và văn học dịch, mỗi giải thưởng trị giá 30 triệu đồng. Giải thưởng nhằm phát hiện những tài năng văn học trẻ, kịp thời cổ vũ, bồi dưỡng để các tác giả có thêm động lực, gắn bó lâu dài với công việc sáng tác văn chương, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn học nước nhà.
Theo nhà văn Mạc Can, sự xuất hiện của giải thưởng Tác giả trẻ trong nhiệm kỳ mới của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định tinh thần, quyết tâm hướng tới quá trình phát triển sôi động, hiện đại của đời sống văn học. "Làm gì thì tác phẩm cũng phải hết sức tử tế, dù có hư cấu, bứt phá trong hình thức thể hiện thì câu chuyện phải mang tính nhân văn, phải có góc nhìn và sự phản biện của người trẻ. Người trẻ qua giải thưởng này còn bày tỏ trách nhiệm công dân trước sự đổi mới của đất nước" - nhà văn Mạc Can chia sẻ.
Theo ông, tử tế ở đây chính là vai trò của tác giả trẻ đã được nhìn nhận một cách độc lập, có tư thế riêng, đầy hy vọng. Các tiêu chí xét giải thưởng Tác giả trẻ đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền sáng tạo, khích lệ, ủng hộ cá tính nhưng cũng đòi hỏi tinh thần xây dựng nhân văn, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Đây cũng là xu hướng phù hợp với nhịp phát triển chung của toàn xã hội bởi tác giả trẻ chính là đối tượng tiếp nối sự nghiệp văn học và tạo ra những cống hiến, sáng tạo mới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh Giải thưởng Tác giả trẻ đang kiếm tìm những chỉ dấu, tín hiệu cho một nền văn chương mới, nghệ thuật mới, cảm hứng mới, ngôn ngữ mới, vẻ đẹp mới trong văn học. Bởi vậy, lắng nghe, phát hiện, quan sát, gợi mở, động viên và tạo những điều kiện có thể cho họ là nghĩa vụ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Mặc Tuyền khẳng định tài năng, giải thưởng không tự đến mà cần quá trình đầu tư, tìm tòi, bồi dưỡng kịp thời, thiết thực. Nếu không xuất hiện tác giả mới, tác phẩm hay thì ban giám khảo có công tâm và xuất sắc đến mấy cũng dẫn đến kết quả thất bại. Việc bồi đắp, định hướng tài năng trẻ cần phối hợp từ mỗi gia đình, nhà trường, địa phương, cơ quan, đơn vị… để các cá nhân có đủ động lực, niềm tin tiến xa hơn.
Bình luận (0)