Ai cũng biết Beethoven là nhạc sĩ thiên tài. Đặc biệt hơn là thiên tài âm nhạc bị khiếm thính. Ngoài những điều đó, chúng ta hiểu gì về con người và âm nhạc của vị nhạc sĩ thiên tài này? Với "Beethoven: Âm nhạc & cuộc đời" (Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh dịch, Trang Trịnh hiệu đính, Omega+ và NXB Dân Trí ấn hành 2020), Lewis Lockwood ghi tên mình vào danh sách những người viết tiểu sử, qua hàng thế kỷ tiếp nối nhau như những vệ tinh xoay quanh mặt trời mang tên Ludwig van Beethoven.
"Nghệ sĩ đích thực thì không ngạo mạn"
Khi Joseph Karl Stieler đặt những nét cọ vẽ nên chân dung Beethoven năm 1820 (được sử dụng làm bìa cuốn sách này), ông đã đóng đinh hình ảnh vị nhạc sĩ vào tâm thức hậu thế. Một người đàn ông trung niên mái tóc bạc rối bù, bậm môi, đôi mắt trợn lên đầy sắc lạnh… Tạo ra hình ảnh một nhạc sĩ khó chịu, hậm hực với cuộc đời mà quên rằng đã từng có thời con người cau có kia mới là một đứa trẻ, một thiếu niên sinh ra ở Bonn, bước vào thế giới âm nhạc bằng tình yêu lẫn sự khổ luyện dưới sự dẫn dắt của những người thầy trực tiếp lẫn người thầy tinh thần.
Lewis đưa người đọc về Bonn. Ở đó, có người cha Johann van Beethoven, một ca sĩ và nghệ sĩ vĩ cầm vô tích sự, nghiện rượu không đảm đương nổi vai trò trụ cột gia đình. Ở đó, có cậu bé Ludwig sớm mồ côi mẹ đã trở thành người gánh trên vai trách nhiệm với những đứa em trai của mình. Để trở thành nhạc sĩ, là cả một quá trình dài học hỏi, khổ luyện, đã hy sinh và đánh đổi và đưa Beethoven trở thành bất tử.
Cuốn sách “Beethoven: Âm nhạc & cuộc đời” phát hành ở Việt Nam
Beethoven đi vào thế giới âm nhạc có sự hiện diện của Mozart, trước khi khẳng định sự hiện diện của mình, tạo ra một thế giới âm nhạc cho riêng mình. Để đạt được ngưỡng bất tử, chỉ có con đường tạo ra những tuyệt tác, không giẫm lên dấu chân của người khổng lồ nào.
Năm 1812, Beethoven viết bức thư gửi khán giả nhỏ tuổi Emilie. Bức thư mà Lockwood nhận xét: "Không lá thư nào từ Beethoven gửi cho bất kỳ ai lại quảng đại, sâu sắc, khiêm nhường hơn lá thư này". Beethoven đã nhắn nhủ rằng: "Nghệ sĩ đích thực thì không ngạo mạn".
Nhiều cuốn sách tiểu sử thường khai thác cá tính trái khuấy của Beethoven như là một đặc điểm của thiên tài. Trong sách, Lockwood không phủ định những điều đó, trái lại, cá tính của Beethoven được chỉ ra không phải bẩm sinh cùng với tài âm nhạc trời phú mà được hình thành từ một tuổi thơ đau buồn. Các dẫn chứng chỉ ra tài năng âm nhạc của ông không cứu nổi ngoại hình, khiến ông nhiều lần bị khước từ. Tình yêu của ông không được hồi đáp đã chuyển thành âm nhạc. Bệnh điếc xuất hiện quá sớm càng làm gia tăng sự thù địch của ông với đời sống, một đời sống bất công đến mức mọi người đều có thể nghe âm nhạc của Beethoven trừ Beethoven.
Âm nhạc khiến Beethoven bất tử
Nhưng đây không phải là cuốn sách biện minh cho cuộc đời Beethoven, nó là cuốn sách để biết vì sao Beethoven trở thành bất tử. Là âm nhạc, chứ không phải bằng những giai thoại. Một cuốn sách phân tích tỉ mỉ các sáng tác của Beethoven qua các thời kỳ, đòi hỏi độc giả phải có kiến thức âm nhạc nhất định. Hay chí ít, độc giả nên vừa đọc vừa nghe những tác phẩm của Beethoven, để phần nào cảm được cái hay với sự trợ giúp từ các diễn giải của Lockwood.
Là giáo sư âm nhạc, Lockwood nhìn thấy ở Beethoven thứ âm nhạc tuyệt trần của ông trước khi làm công việc đuổi bắt theo những giai thoại mông lung. Ông bám chặt vào lịch sử, vào những gì người đương thời viết về Beethoven, những bức thư, đã phần nào cho độc giả một hình dung về cuộc đời và thời đại của Beethoven, thứ góp phần hình thành nên các tác phẩm của ông. Đó là các trào lưu triết học, cuộc Cách mạng Pháp. Đi từ sự ngưỡng mộ đến sụp đổ hình tượng đối với Napoleon Bonaparte.
Với số chú thích chiếm hơn trăm trang sách, có thể thấy quá trình lao động nghiêm túc của Lockwood để viết ra một cuốn sách đầy đặn về âm nhạc và cuộc đời của một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Beethoven
Lewis Lockwood sinh năm 1930, giáo sư âm nhạc tại Đại học Princeton và Đại học Harvard. Ông được xem là chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Beethoven.
Năm 2003, ông xuất bản "Beethoven: Âm nhạc & cuộc đời" sau nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc của Beethoven trước đó với mục tiêu "trình bày cuộc đời Beethoven chủ yếu qua hành trình của một nhà soạn nhạc, thay vì dành mỗi chương sách cho một câu chuyện tiểu sử kết hợp cái nhìn cục bộ về sự phát triển nghệ thuật của ông".
"Beethoven: Âm nhạc & cuộc đời" đã hoàn thành được mục tiêu của Lockwood. Mặc dù tác phẩm không đoạt giải Pulitzer năm đó, nhưng được đánh giá cao trong số những công trình về Beethoven, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Bình luận (0)