Khi Hàn Quốc liên tục gặt hái "quả ngọt" ở cả lĩnh vực điện ảnh lẫn phim truyền hình với những tác phẩm đình đám như: "Ký sinh trùng" (Parasite), "Hạ cánh nơi anh" (Crash landing on you), "Tầng lớp Itaewon" (Itaewon class)... thì khán giả Việt chỉ có thể ngưỡng mộ và tự hỏi bao giờ phim Việt mới đủ sức kể những câu chuyện hấp dẫn và cuốn hút như thế.
"Quả ngọt" không từ trên trời rơi xuống
Tác phẩm điện ảnh "Ký sinh trùng"của Hàn Quốc giành 4 giải quan trọng của Oscar 92, trong đó có giải Kịch bản gốc xuất sắc dành cho Bong Joon-ho và Han Jin-won.
Phim “Hạ cánh nơi anh” gây sốt ở châu Á và được khán giả Việt yêu thích (nguồn ảnh: Netflix)
Ý tưởng tác phẩm giễu nhại sâu cay về sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội Hàn Quốc này đã được Bong Joon-ho ấp ủ từ năm 2013. Tại thời điểm làm phim "Okja", ông đã bàn giao 15 trang phần đầu "Ký sinh trùng" cho Han Ji-won - người cộng sự đáng tin mà ông từng làm việc trong dự án phim trước đó.
Phim “Ký sinh trùng” làm nên lịch sử ở Oscar 92 bắt đầu từ kịch bản. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Han Ji-won bỏ nhiều tháng để gặp gỡ những người làm nghề giúp việc, gia sư, tài xế và trò chuyện với họ. Anh đến thăm, chụp ảnh, quay video clip khu dân cư thuộc tầng lớp thu nhập thấp và cả giàu có quanh Seoul. Từ khối tư liệu khổng lồ, Han Ji-won xây dựng 3 phiên bản kịch bản khác nhau dưới sự nhận xét, điều chỉnh từ phía Bong Joon-ho sau nhiều lần thảo luận.
Khi phim "Okja" ra mắt năm 2017, Bong Joon-ho tập trung cho "Ký sinh trùng" và bắt tay điều chỉnh, hoàn thiện kịch bản. Nỗ lực của họ đã mang đến thành quả lớn lao không chỉ cho tác giả kịch bản, đạo diễn và tác phẩm như chúng ta đều thấy.
Dù không "đổ bộ" màn ảnh ồ ạt như trước nhưng phim truyền hình Hàn Quốc gần đây vẫn tạo được độ hấp dẫn với khán giả Việt qua những tác phẩm đầu tư chỉn chu. "Hạ cánh nơi anh" và phim đang chiếu "Tầng lớp Itaewon" trở thành những phim đang được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn mạng xã hội với sự náo nức, mong chờ từng tập. Nhiều lời khen dành cho phim, cho diễn xuất tốt của diễn viên nhưng cũng không ít lời khen khâu kịch bản đầy sáng tạo, với những câu chuyện hấp dẫn gần gũi với cuộc sống. "Hạ cánh nơi anh" do Lee Jeong-hyo đạo diễn, Park Ji-eun viết kịch bản chính, nói về chuyện tình đẹp, lý tưởng giữa nữ doanh nhân Hàn Quốc Yoon Se Ri (Son Ye-jin thủ vai) và chàng đại úy quân nhân Bắc Triều Tiên Ri Jung Hyuk (Hyun Bin thủ vai). Dẫu cũng có vài tình tiết phi lý do hư cấu nhưng "Hạ cánh nơi anh" vẫn đủ sức tạo cơn sốt lớn đối với khán giả tại Hàn Quốc và nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều người trong giới cho rằng để làm được điều này, "Hạ cánh nơi anh" có được một kịch bản tốt, mang hơi thở cuộc sống chứ không hoàn toàn chỉ là sự tưởng tượng phi thực tế. Trong đội ngũ viết kịch bản và cố vấn cho phim này có người từng sống ở Bắc Triều Tiên đang cư trú Hàn Quốc. Đó là Kwak Moon-wan, từng phục vụ trong quân đội Bắc Hàn, có giai đoạn học ngành đạo diễn tại Đại học Sân khấu và Nghệ thuật Điện ảnh Bình Nhưỡng. Kwak Moon-wan đóng góp nhiều để giúp tình tiết trong phim hợp lý hơn và bối cảnh quay chân thật hơn. "Hạ cánh nơi anh" được ngợi khen bởi sự khéo léo của ê-kíp biên kịch, cố vấn khi không tô hồng hay bôi đen một phía và thông điệp lớn nhất mà bộ phim mang lại cho người xem là khát vọng thống nhất của người dân hai miền Triều Tiên đã xóa nhòa định kiến trái chiều.
Trông người lại ngẫm đến ta
Điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc đã đạt đến một tầm cao vượt khỏi khu vực châu Á. Nền móng cho việc này là họ có những kịch bản rất tốt dù là phim "bom tấn" hay kinh phí ở mức trung bình. Phim Hàn có thể đề cập mọi chủ đề, không rào cản nhưng mọi sáng tạo đều hướng đến số đông chứ không phải chia sẻ tư duy cá nhân rồi bắt mọi người phải cố hiểu điều mình muốn nói như một số phim của Việt Nam sản xuất độc lập. Câu chuyện dù hư cấu đến đâu cũng dựa trên chất liệu đời sống, chân thật, gần gũi với người xem. Với góc nhìn đa dạng về xã hội trong các kịch bản, phim truyền hình và điện ảnh Hàn đã tạo ra những tác phẩm mà phần lớn khán giả ra rạp hoặc xem trên màn ảnh nhỏ đều hài lòng. Nhìn lại điện ảnh và phim truyền hình Việt hôm nay, thật hiếm hoi những kịch bản như thế!
"Nhiều năm trước, Hàn Quốc đã tuyển chọn nhân tài trẻ, đưa sang nước ngoài đào tạo từ đạo diễn, biên kịch, quay phim... đầu tư đồng bộ để có được những ê-kíp có trình độ chuyên nghiệp ở các khâu. Đến nay, sự đầu tư đó mang về thành quả cũng là tất yếu. Biên kịch của Hàn Quốc rất được xem trọng, không bị xem nhẹ như ở Việt Nam, thù lao tác phẩm rất cao. Ở Việt Nam, môi trường không như vậy, các biên kịch trẻ phải kiếm sống với gánh nặng cơm áo, gạo tiền" - biên kịch Châu Thổ lý giải.
"Biên kịch Việt cũng có tình trạng lười sáng tạo, sao chép nơi này một chút, nơi kia một chút rồi "xào nấu" lại. Những tác phẩm không bám vào đời sống xã hội thường thiếu chân thật, không thuyết phục được khán giả. Thêm vào đó, cái khó của biên kịch Việt còn là cơ chế kiểm duyệt, vấn đề kinh phí đầu tư hạn chế từ phía nhà sản xuất, nhà đài. Biên kịch luôn phải tự kiềm chế sáng tạo vì biết có đưa vào thì nhà sản xuất cũng yêu cầu cắt hoặc điều chỉnh do tốn nhiều kinh phí" - biên kịch Thanh Hương bày tỏ.
Một số nhận định cho rằng nhiều biên kịch Việt thiếu vốn sống, ít trải nghiệm nên các câu chuyện kể của họ dần xa rời thực tế, kịch bản sáng tác đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo. Đó là lý do vì sao không ít phim dành cho người trẻ nhưng lại bị người trẻ quay lưng, không tìm được sự đồng cảm.
Khi được trả về đúng vị trí vốn có
Thiếu nguồn sáng tạo, thiếu chất liệu cuộc sống, nhiều phim điện ảnh lẫn truyền hình chọn cách Việt hóa, chuyển thể từ văn học, lịch sử... Nhưng hẳn nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn này thì về lâu dài, phim Việt sẽ rơi vào tình trạng một màu, thiếu đa dạng, không phản ánh xã hội hiện đại.
Các nhà biên kịch trẻ Việt tin rằng khi biên kịch được trả về đúng vị trí và giá trị vốn có được coi trọng thì những kịch bản ấn tượng sẽ xuất hiện. Nó sẽ khác so với hiện nay là biên kịch trông chờ sự đặt hàng từ phía nhà sản xuất mà đôi lúc nhà sản xuất thiếu cái tầm, chỉ chạy theo xu hướng chung của thị trường.
Bình luận (0)