Điện ảnh Việt vẫn đang trong cảnh "đói kịch bản hay", phải xoay xở bằng cách Việt hóa kịch bản của nước ngoài hoặc chuyển thể. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các biên kịch trẻ có thành tích ấn tượng gần đây như Khánh Hoàng, Hoàng Anh, Kay Nguyễn (tên thật Nguyễn Lê Phương Khanh)..., người trong giới tin rằng đây sẽ là những tài năng biên kịch của phim Việt, đáng được kỳ vọng.
Ấn tượng bước đầu
Kịch bản là phần quan trọng nhất để làm nên bộ phim. Tuy là công việc thầm lặng sau ống kính nhưng nghề biên kịch ở Việt Nam đang có vị thế tăng dần, được chú ý nhiều hơn trước đây dù vẫn chưa thể so sánh với vị thế của biên kịch tại các nước điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc. Gần đây, số lượng biên kịch trẻ Việt tăng tỉ lệ thuận theo sự phát triển của điện ảnh trong nước, một số tạo được ấn tượng bước đầu. Họ khoảng 30 tuổi, có nhiều vốn sống, kiến thức về nghề, tích lũy qua quá trình học tập, rèn luyện của bản thân. Trong đó, Khánh Hoàng thu hút sự chú ý của giới làm phim sau khi phim "Em chưa 18" làm từ kịch bản của anh đạt kỷ lục doanh thu gần 170 tỉ đồng. Tất nhiên, khi thành phim, câu chuyện được kể có phần đóng góp của Charlie Nguyễn, Lê Thanh Sơn trong khâu biên kịch.
Cảnh trong phim "Em chưa 18"
Khánh Hoàng cho biết: "Để hiểu được cách nói chuyện, ứng xử của người trẻ hiện nay, chúng tôi phải lăn xả, tìm gặp các em học sinh để trò chuyện. Chúng tôi tìm hiểu các em sẽ tổ chức tiệc tại nhà thế nào, trong tình huống này nên nói thế nào, ứng xử ra sao... chắt lọc, đưa vào kịch bản phim "Em chưa 18" của mình". Sự chịu khó này giúp nhóm biên kịch "Em chưa 18" tạo dựng được một kịch bản gần gũi với đời sống của giới trẻ Việt trong các trường quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh Khánh Hoàng, Hoàng Anh cũng là cái tên khá ấn tượng trong giới biên kịch. Chị là tác giả và đồng tác giả của nhiều phim truyền hình: "Dù gió có thổi", "Cá rô, em yêu anh!", "Cuộc chiến quý ông", "Kẻ thù giấu mặt", "Mặt nạ tình yêu".... và cả phim điện ảnh: "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", "Về quê ăn Tết". Hoàng Anh bắt đầu viết kịch bản từ việc viết lại những chuyện trong giấc mơ của mình.
Còn Kay Nguyễn, chị cùng bạn thân là Tilo thành lập bộ đôi Tilo-Kay Nguyễn, lúc đó Tilo là tiến sĩ toán của đại học Cornell, đang chán công việc tài chính ở phố Wall. Cả hai cùng về Việt Nam, theo đuổi giấc mơ làm phim bằng con chữ. Từ những thành công bước đầu, họ tạo dựng tiếp những câu chuyện riêng mình bên cạnh nhiều biên kịch trẻ khác trong nhóm A Type Machine (6-8 thành viên nhiều độ tuổi, quốc tịch) hoạt động tích cực suốt những năm qua. Họ đã cho ra vô số kịch bản dựng thành phim: "1735 km", "Chung cư ma", "Tèo em", "Cô Ba Sài Gòn", "Lôi Báo", "Người bất tử"...
Cảnh trong phim "Cô Ba Sài Gòn"
Con đường rộng mở
Hầu hết biên kịch trẻ hiện nay có thể sống được bằng ngòi bút của mình. Với sự phát triển của điện ảnh Việt hiện nay, đây là nghề hấp dẫn cho những ai có thể đáp ứng được môi trường làm việc nhóm, tính kiên nhẫn và khả năng cân bằng giữa lý trí, tình cảm. "Tôi thường trả lời mình đang làm nghề dựng chuyện khi có ai đó hỏi về nghề nghiệp. Khi xác định đam mê của mình, mình phải thích và đầy khao khát kể lại câu chuyện đó rồi mới nghĩ đến việc tạo ra câu chuyện mang dấu ấn riêng mình. Cuối cùng, mình phải kiên nhẫn tuyệt đối. Bởi trong quá trình từ viết, hoàn thành kịch bản, phim quay rồi đóng máy phải luôn trong tinh thần tiếp nhận ý kiến và chỉnh sửa liên tục" - Hoàng Anh chia sẻ. Cô cho biết thêm cái khó nhất của nghề là vượt qua cảm xúc bản thân vì mục đích đưa được sản phẩm ra rạp.
Với Khánh Hoàng, người từng làm giáo viên dạy môn hóa học quyết chuyển nghề do không thích cuộc sống đơn giản, đây là nghề đầy cơ hội cho người trẻ. Hiện nay, tuy có nhiều biên kịch nhưng người giỏi vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. "Trong số gần 50 phim Việt ra rạp mỗi năm, phim đạt doanh thu tốt chỉ khoảng 30%. Các bạn trẻ còn nhiều cơ hội kể một chuyện hay, chinh phục khán giả và khiến nhà đầu tư chọn tác phẩm của mình" - Khánh Hoàng nhận định. Kay Nguyễn cho rằng người trẻ nhiều lợi thế trong nghề biên kịch vì học ngôn ngữ giải trí nhanh, tiếp thu công nghệ tốt.
Tuy nhiên, họ có phần bất ổn ở nhân sinh quan, thiếu bề dày kinh nghiệm, vốn sống. Đó là lý do vì sao trong nhóm biên kịch của Kay Nguyễn có nhiều độ tuổi và còn phải mời thêm ban cố vấn, thu thập tư liệu nếu được "đặt hàng" những kịch bản nặng tính chuyên môn. Với những người ở độ tuổi 20, làm công việc biên kịch khó có khả năng tạo đột phá nhưng sau thời gian tích lũy kinh nghiệm lẫn vốn sống, sẽ có cơ hội bật lên khi bước vào tuổi 30.
Tìm cơ hội qua cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng"
Theo đại diện truyền thông phía CJ CGV Việt Nam (CGV), cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" do CGV tổ chức lần đầu năm 2017, có được 6 ý tưởng kịch bản tạo sự chú ý của các nhà đầu tư. Trong đó, 2 ý tưởng được mua để phát triển thành kịch bản hoàn chỉnh, lên kế hoạch sản xuất phim thời gian tới là: "Con đường" của tác giả Võ Anh Vũ - đoạt giải nhất chung cuộc và ý tưởng "Những quý cô địa ngục - Bản giao kèo" của tác giả Huỳnh Châu Ngọc - vào tốp 6 chung cuộc. 4 ý tưởng còn lại đang trong quá trình thương thảo với nhà sản xuất.
CGV luôn đồng hành cùng 6 thí sinh - chủ nhân các ý tưởng trong việc tư vấn, kết nối với các nhà sản xuất để có nhiều kịch bản được hoàn thiện, đi vào sản xuất. Mùa 2 của cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" dự kiến được tổ chức năm nay và biến thành sự kiện thường niên để tạo cầu nối cho biên kịch trẻ và nhà sản xuất.
Bình luận (0)