Năm Jesus Christ lên 7 tuổi, Ovide khai sinh ra tập thơ mà sau này chúng ta quen gọi thân thuộc với tên "Metamorphoses". Hơn 2.000 năm sau, lần đầu tiên tác phẩm này được dịch và xuất bản tiếng Việt với tên gọi "Biến thể" (Quế Sơn dịch, NXB Tổng hợp TP HCM, 2019).
Kiệt tác của nhân loại
"Biến thể" là cách người ta gọi những bài thơ về sự biến thân của Ovide, lúc ban đầu ông không có tên chung nào để gọi cho tất cả 250 huyền thoại về sự biến hình mà ông đã viết nên. Với 11.995 dòng, "Biến thể" gây khó khăn ngay từ điểm xác định thể loại của mình. Các học giả phân vân giữa việc gọi nó là "thiên anh hùng ca" hay "sử thi" đã thể hiện rõ khả năng biến hóa khôn lường của nó. Bởi lẽ "Biến thể" đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn tạo thành một thiên anh hùng ca nhưng đồng thời chứa đựng trong nó các yếu tố của bi kịch, thơ mục vụ, bi ca trí tuệ… tự thân nó đã là tất cả.
Sách “Biến thể” xuất bản tại Việt Nam
Ghi nhận lại cuộc hóa thân đầu tiên từ buổi đầu của thế giới, khi vũ trụ chỉ là một khối hỗn mang, kết thúc bởi cuộc biến thân thành ngôi sao của Julius Caesar - hình ảnh mà Ovide dùng để diễn tả cái chết của một trong những nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng ở La Mã cổ đại, sự kiện diễn ra một năm trước khi Ovide ra đời - nghĩa là đã thu lại lịch sử trái đất, lịch sử thần linh, lịch sử con người từ sơ khởi đến đương đại (thời của Ovide). Hiếm có tác phẩm nào trên thế giới có tính phổ quát rộng lớn như thế.
Trong "Biến thể" vạn vật đều trong trạng thái bất định, tất cả đều đang trong cuộc biến thể của mình, con người biến thành cầm thú, thành chim muông, thành cây cỏ… những cuộc hóa thân muôn hình vạn trạng như cái đời sống phong phú đã cuộn chảy vào vô tận. Ovide không đi ra khỏi những truyền thuyết Hy Lạp - La Mã đã quá phổ biến vào thời của ông, thi sĩ kể lại, và bằng chính sự kể lại này ông thực hiện một cuộc "biến thể" để chuyển từ văn học nói sang văn học viết, để các câu chuyện thần thoại được phục sinh trong ngôn ngữ của thơ ca. Dưới ngòi bút của Ovide, thánh thần đầy quyền năng nhưng cũng đầy thói tật, người hơn và đời hơn.
Bi tráng nhưng cũng không kém phần hài hước. Không có sắc thái nào thuộc về cõi đời không hiện hữu trong "Biến thể". Bằng ngôn ngữ tinh tế, Ovide không chỉ diễn tả các trạng huống, ông còn khắc họa một thế giới vượt lên trên những kinh nghiệm làm người.
Sức ảnh hưởng ngàn năm
Trong suốt 2.000 năm tồn tại của mình, "Biến thể" là tác phẩm đi cùng nhân loại, nên có thể thấy tầm ảnh hưởng của nó bàng bạc trong văn học nghệ thuật thế giới, nhất là nền văn minh phương Tây. Có thể tìm thấy dấu vết ảnh hưởng của "Biến thể" trong tác phẩm "The Canterbury Tales" của Geoffrey Chaucer (1343-1400) là rất lớn. Ít người biết rằng William Shakespeare đã viết vở kịch bất hủ "Romeo và Juliet" với nguồn cảm hứng từ câu chuyện trong "Biến thể". Người đồng hương của Shakespeare, John Milton (1608-1674) đã chịu ơn tác phẩm của Ovide để viết ra một kiệt tác nhân loại khác, "Paradise Lost" (tức "Thiên đường đánh mất"). Riêng ở Ý vào thời Phục hưng, Ovide đã thu thập thêm được hai "môn đệ" tài ba là Giovanni Boccaccio (1313-1375), tác giả của kiệt tác "Mười ngày" và Dante Alighieri (1265-1321) tác giả của "Thần khúc".
Chúng ta có thể tìm thấy ảnh hưởng của "Biến thể" trong hội họa. Một số bức tranh nổi tiếng nhất của Titian miêu tả một số cảnh trong "Biến thể". Trường hợp tương tự cũng xuất hiện trong tranh của Pieter Brueghel và kiệt tác điêu khắc "Apollo và Daphne" của Gian Lorenzo Bernini.
Mặc dù Ovide đã hiện diện trong đời sống văn hóa suốt nhiều thế kỷ nhưng sự hứng thú với tác phẩm của ông bắt đầu giảm sau thời Phục hưng. Đến thế kỷ XX, tầm ảnh hưởng của Ovide bắt đầu được đánh giá cao lần nữa. Ted Hughes kể lại các câu chuyện của "Biến thể" trong tác phẩm "Tales from Ovid" ("Những câu chuyện của Ovid"). Nhưng có lẽ không sự tôn vinh Ovide nào tuyệt vời hơn bằng tác phẩm "Die Verwandlung" đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam với tựa "Hóa thân" của Franz Kafka. Tác phẩm này khi được dịch sang tiếng Anh có tên "The Metamorphosis", khiến người ta liên tưởng đến kiệt tác của Ovide.
Đặc biệt, sự hấp dẫn của Narcissus - kẻ si mê cái bóng phản chiếu của chính mình, đã tạo ra sự mê say tượng tự đối với một loạt những tên tuổi lừng lẫy: Stendhal, André Gide, Herman Melville, Hermann Hesse, William Faulkner… những người mà chỉ cần một trong số họ thôi cũng là niềm tự hào của cả nền văn học.
Nhà thơ cổ đại xuất chúng nhất
Ovide (tên Latin: Publius Ovidius Naso) sinh năm 43 trước Công nguyên. Ngày nay ông được nhớ đến là một trong những nhà thơ cổ đại xuất chúng nhất. Lúc sinh thời ông đã nổi tiếng nhờ tài thơ ca của mình. Và cũng chính thơ ca khiến ông bị hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã thần thánh - Auguste đích thân ra lệnh trục xuất ông khỏi Rome, thành phố Ovide sống nhiều năm, lưu đày ông tới hải cảng Tomis ở Biển Đen đến lúc chôn thân ở đây vào năm 17. 2.000 năm sau, vào tháng 12-2017, lệnh trục xuất của Ovide đã được chính thức thu hồi bởi hội đồng thành phố Rome, như cách vinh danh nhà thơ vĩ đại nhất mà vùng đất này từng sản sinh ra.
Ngôn ngữ gốc của tác phẩm là tiếng Latin cách đây 2.000 năm, nên việc chuyển ngữ tác phẩm luôn là vấn đề thách thức. Bản tiếng Việt lần này được dịch giả Quế Sơn dịch từ bản tiếng Anh, có tham khảo thêm bản tiếng Pháp; mất 3 năm để hoàn chỉnh bản dịch "Biến thể" sang tiếng Việt.
Bình luận (0)