Am tường văn hóa, triết học phương Đông cùng kiến thức sâu sắc về lịch sử mỹ thuật, họa sĩ Đặng Quý Khoa theo đuổi lối vẽ hiện thực lãng mạn trong các sáng tác về đề tài phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, chân dung.
Hoài niệm về sự yên bình
Trong đó, tranh phong cảnh và tranh sinh hoạt chiếm số lượng nhiều hơn cả. Dưới nét bút của Đặng Quý Khoa, phong cảnh làng xóm, đồng ruộng dưới chân núi xen lẫn kiến trúc đền, chùa vùng trung du Bắc Bộ hiện lên, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng sông nước nông nghiệp. Người xem có thể cảm nhận được trong tranh nỗi hoài niệm về sự yên bình, vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ truyền thống qua hình ảnh con đò, quán hàng dưới gốc đa, chiếc cầu đá cong cong, những đứa trẻ chăn trâu tóc để trái đào, những bà mẹ nón thúng quai thao.
Với tranh phong cảnh miền núi, sự tĩnh mịch, hoang sơ của tạo hóa được nhấn mạnh ở vẻ tự nhiên của đá núi, cây cỏ, thác nước, một vài con thuyền neo đậu bên bờ tạo cảm giác u tịch. Phong cảnh làng bản như hiện lên trong ký ức mờ ảo, thấp thoáng những mái nhà, cây cỏ, đá núi chìm trong sự tĩnh tại của không gian núi rừng, thiên nhiên. Vùng sông nước Nam Bộ qua nét cọ của Đặng Quý Khoa đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc.
Những tác phẩm tiêu biểu về các nội dung vừa nói trên có thể kể như "Dưới trăng" (lụa), "Ngày mùa" (lụa), "Chợ vùng cao" (màu nước, trên giấy), "Bản làng", "Xuống chợ" (màu nước, trên giấy), "Hát xẩm" (sơn dầu), "Trung thu", "Bên hồ Gươm" (lụa), "Chợ quê", "Cổng chùa Kim Liên", "Lễ hội" (lụa), "Hai bà lão ăn trầu" (lụa), "Suối yến, chùa Hương" (màu nước, trên giấy), "Hành hương" (màu nước, trên giấy)...
Một tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Không ngừng tìm tòi, sáng tạo
Giới hội họa nhận định PGS - họa sĩ Đặng Quý Khoa là người ham nghiên cứu tự hoàn thiện mình, đọc nhiều, hiểu rộng các nền văn hóa, nhất là triết học phương Đông, tinh thông kiến thức về lịch sử mỹ thuật, yêu nghệ thuật và thơ ca. Những kiến thức về kiến trúc truyền thống, cùng những nghiên cứu về lịch sử dân tộc, lịch sử mỹ thuật thế giới đã tạo nên sự thành công và nét riêng trong tranh lụa đề tài lịch sử của họa sĩ Đặng Quý Khoa. Trong đó có sự kết hợp giữa cách thể hiện không gian phối cảnh phương Tây với yếu tố trang trí ước lệ của hình, màu, nét tạo nên vẻ đẹp truyền thống mà hiện đại. Sự nghiệp của họa sĩ Đặng Quý Khoa gắn bó với sáng tác và giảng dạy mỹ thuật.
Trong sáng tác, ông thể hiện sự đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên nhiều chất liệu từ sơn dầu, lụa, sơn mài đến sơn khắc, giấy dó... Họa sĩ đã đi thực tế khắp mọi miền đất nước, từ nông thôn, đồng bằng đến miền biển, vùng núi và có nhiều sáng tác về phong cảnh, con người.
Tác phẩm của ông thể hiện tâm hồn, tình cảm của người họa sĩ trọng thực, nhân hậu, giàu cảm xúc, hết mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như trong bộ sưu tập tranh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Xem tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, người xem cảm nhận rõ phong cách thanh lịch của người Tràng An từ cách chọn đề tài đến lối biểu hiện lên tác phẩm. Đề tài mà họa sĩ gốc Hà Nội chọn trong mỗi tác phẩm mang chủ đề bình dị, thường nhật... nhưng luôn hàm chứa triết lý nhân sinh, được gửi gắm vào từng nét vẽ hay câu chuyện.
Bên cạnh sáng tác, họa sĩ Đặng Quý Khoa còn được biết đến là nhà giáo hết lòng vì đồng nghiệp, vì các thế hệ sinh viên. Ông tốt nghiệp khóa 1, hệ chính khóa chuyên khoa sơn dầu (1957-1962) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), cùng lứa với các họa sĩ nổi tiếng như: Vũ Giáng Hương, Lê Thiệp, Phạm Công Thành, Nguyễn Ngọc Thọ...
Sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, làm thơ mọi việc cứ tiếp diễn không ngừng theo nguồn cảm hứng và sự đam mê trong họa sĩ. Năm 2014, họa sĩ Đặng Quý Khoa bị tai biến, sức khỏe bị ảnh hưởng nên việc sáng tác có giảm đi. Ở tuổi 86, dù sức khỏe suy giảm nhưng tình yêu với nghệ thuật, hội họa vẫn không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn ông.
Bình luận (0)