Nhưng cái mất lớn hơn của Noo Phước Thịnh qua vụ việc này là tổn thất danh dự. Việc này cảnh báo tình trạng không tuân thủ pháp luật về bản quyền tác giả và quyền liên quan của giới sản xuất âm nhạc tại Việt Nam lâu nay.
Không chỉ có MV của Noo Phước Thịnh, nhiều sản phẩm âm nhạc của ca sĩ khác cũng nhận cảnh báo từ YouTube về vấn đề vi phạm bản quyền tương tự. Nghĩa là sử dụng đoạn nhạc nền, dù rất ngắn nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tác quyền. Hẳn nhiên, những sản phẩm phát hành vi phạm tác quyền sẽ nhanh chóng bị "biến mất" trên YouTube.
Cảnh trong MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cho tới khi sản phẩm của mình bỗng dưng "mất tích" khỏi YouTube và nhận được thư thông báo giải thích rõ ràng nguyên nhân vụ việc, Noo Phước Thịnh mới "tá hỏa", ngược xuôi tìm cách khắc phục. Thực tế, việc khắc phục vừa dễ lại vừa khó. Chỉ cần hoàn thành nghĩa vụ tác quyền, MV sẽ được xuất hiện trở lại nhanh chóng trên YouTube. Nhưng khó là tiền tác quyền phải chi trả không hề nhỏ, thậm chí bằng gần một nửa chi phí sản xuất MV có giá bạc tỉ. Điều này khá vô lý ở thị trường nhạc Việt vì không có đoạn nhạc ngắn chỉ độ mươi giây lại có giá cao đến thế. Tuy nhiên, nó lại rất hợp lý vì chủ sở hữu có quyền đưa ra mức giá mà họ thấy xứng đáng với giá trị sản phẩm mà họ sở hữu.
Hẳn nhiên, vì không thể chi trả thêm cho khoản phí tác quyền cao ngất ngưởng nên dù rất tiếc phải bỏ vài chục triệu view (lượt người xem), ca sĩ đành ngậm đắng, nuốt cay thực hiện một MV mới thay thế. Việc đó cũng đồng nghĩa làm lại từ đầu.
Thực tế, sự cố này chỉ là sự kém hiểu biết của vài người đang làm nghề sáng tạo. Thị trường nhạc Việt xưa nay vốn dĩ chỉ được xem là cái "chợ" nhỏ, ít người để ý đến. Do đó, nhiều người mặc sức "mượn" sản phẩm sáng tạo của người khác để phục vụ cho lợi ích của mình. Một người trong nghề nói ra suy nghĩ hết sức ngớ ngẩn của mình rằng: "Tưởng đoạn nhạc dưới 15 giây thì sẽ không phải trả phí tác quyền nên cứ thấy đoạn nhạc nào hợp với MV thì sử dụng thôi".
Nhưng nay, mọi thứ đã khác khi nhiều nhà đầu tư chiến lược bắt đầu nhận ra tiềm năng của thị trường giải trí còn thô sơ, non trẻ này. Thị trường nhạc Việt ngày càng mở rộng trong việc tiếp cận và đón nhận trào lưu, xu hướng thịnh hành của âm nhạc thế giới. Nhiều công ty, đơn vị kinh doanh nhạc số gặt hái thành công ở thị trường nhạc Việt. Đây cũng là lúc "các ông lớn" sở hữu tác quyền trên thế giới bắt đầu chú ý và kiểm soát nhiều hơn những sản phẩm sáng tạo ở Việt Nam có liên quan đến họ. Nhiều công ty giám sát tác quyền nước ngoài có mặt ở Việt Nam để kiểm soát vấn đề thực thi tác quyền. Đó là lý do một đoạn nhạc chưa đầy 15 giây vi phạm bản quyền vẫn bị xử lý một cách nhanh chóng.
Thói quen "xài chùa" không còn môi trường tồn tại. Nếu muốn làm nghề một cách lâu dài, giới showbiz Việt phải hình thành ý thức tôn trọng pháp luật.
Bình luận (0)