Tôi không có nhiều ký ức về bố để kể như mọi người. Mẹ kể rằng khi tôi sinh ra, bố chẳng thèm nhìn. Khi biết tôi là con gái, bố đã gục xuống bàn. Một đứa con gái với một người đàn ông gia trưởng chắc hẳn chẳng có tương lai gì.
Tôi nghe mẹ kể thế. Nhưng những gì tôi biết về bố lại đầy bí ẩn, không hẳn như mẹ kể.
Mẹ kể ngày tôi chào đời, bố ngồi bên bàn, đưa ánh mắt nhìn xa xăm. Bố tôi không thích con gái, vì con gái đi lấy chồng rồi an phận nhà chồng. Bố tôi luôn nghĩ con trai mới là con của mình. Cũng từ đó, bố chìm vào lặng lẽ, ít nói và lánh xa dần sự quan tâm của mẹ tôi.
Năm tôi lên bốn tuổi, bố đưa đơn ly hôn cho mẹ ký. Bố mẹ tôi chẳng bao giờ cãi nhau nửa lời. Mọi mâu thuẫn diễn ra như con sóng ngầm rồi đợi một ngày cuộn trào những nút thắt không thể cứu vãn.
Mẹ tôi đã níu kéo bố rất nhiều lần bằng nhiều cách. Mẹ vẫn yêu bố, ngóng đợi bố đi làm về mỗi buổi chiều sau ngõ vắng. Nhưng mẹ đợi mãi, đợi mãi cho đến khi tối trời. Đợi chờ lúc này chỉ thêm khổ đau, dằn vặt. Mẹ quyết định ký vào tờ đơn ly hôn bố đưa hôm trước. Thà nhói đau một lần còn hơn đau âm ỉ lâu dài.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Sau ngày ly hôn, mẹ dắt tôi về quê ngoại. Mẹ con tôi nương tựa nhau bước qua thời gian khó khăn. Những ngày đi học trường làng, tôi nghe các bạn trong lớp kể chuyện về những người bố của họ. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt mọi người. Tôi ngồi đó nhưng chẳng có gì để kể.
Trên đường đi học về, con đường đất quê thì ngắn mà nỗi mênh mông thì dài. Tôi mấp máy môi gọi thầm: "Bố, bố, bố". Đã lâu lắm rồi không được gọi tiếng thiêng liêng ấy, liệu tôi còn nhớ hay đã quên? Tiếng "bố" quả thực xa lạ với tôi quá đỗi. Ngồi nấu cơm dưới bếp giúp mẹ, tôi lấy que cời màu đen viết tên bố lên tường. Lòng tôi khắc khoải những câu hỏi vang lên trong tim: "Bố ơi, ở nơi nào đó bố có nhớ con không?".
Mấy đứa ở lớp thấy tôi không kể về bố, lại thấy căn nhà tôi ở chỉ có hai mẹ con nên trêu tôi là đồ con hoang. Tôi khóc lóc mách cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo ân cần nhắc cả lớp ngồi lại ngay ngắn rồi lấy tờ giấy khai sinh của tôi cho các bạn xem. Những dòng chữ viết tên, ngày, tháng, năm sinh của tôi được chính tay bố viết vào đó. Cuối mục giấy khai sinh còn có một dòng điền tên người đại diện "Nguyễn Đức Nam là bố đẻ". Tôi rưng rưng nhìn vào dòng chữ ấy, mắt tràn nước nhòe đi. Các bạn trong lớp cúi mặt xuống bàn, chúng hiểu chuyện, không đứa nào trêu tôi nữa.
Từ hôm đó, tôi thấy hãnh diện với các bạn, tự an ủi bản thân: "Bố chỉ là ít về thăm, vì bận đi công tác chứ bố vẫn yêu thương mình!". Những lúc nghĩ như thế, tôi thấy lòng nhẹ tênh và hạnh phúc hơn hẳn. Trẻ con thường tự biết xoa dịu vết thương rất nhanh bởi chúng vốn vô tư.
Mùa thu đến, những ngày đầu tiên của năm học mới. Tôi gọi đó là ngày hạnh phúc, ngày tôi được gặp bố. Mẹ đang lo lắng khoản học phí đầu năm của tôi. Mẹ sợ nếu bán nốt mấy yến thóc trong chiếc hòm gỗ để đóng học phí cho tôi thì hai mẹ con lấy gì ăn trong những ngày giáp hạt còn lại...
Tôi đang xếp hàng vào lớp, chợt thấy từ xa dáng người mặc áo xanh đang vẫy vẫy về phía mình. Cô giáo ra hiệu cho tôi đi ra khỏi hàng. Đứng trước mặt tôi không ai khác, là bố. Tôi ngượng ngùng, lí nhí trong miệng một tiếng rất nhỏ: "Bố!". Bố đặt hai tay lên vai tôi, khẽ vuốt tóc rồi nói: "Na! Con gầy quá! Mẹ không chăm con à?". Tôi chỉ lặng thinh, nhìn bố thật lâu và chẳng nói gì.
Bố đưa cho tôi tiền đóng học phí, một bộ quần áo mới và túi kẹo to đùng. Tôi đón lấy từ tay bố, lòng hạnh phúc mênh mang, chạy thật nhanh vào lớp. Những con mắt đen láy của các bạn học sinh đang dõi theo tôi từ cửa sổ lớp. "Bố tớ đấy! Bố tớ đi công tác qua rồi gửi đồ cho tớ đấy!" - tôi nói với lũ bạn tò mò. Mấy đứa cười nhăn nhở: "Bố Na là cán bộ, oách thế!".
Dáng bố tôi mất hút sau tán cây phượng. Hơi ấm của bố từ bộ quần áo mới còn phảng phất trên tay. Tôi chia mấy chiếc kẹo cho các bạn, vị ngọt lan thấm nơi đầu lưỡi. Mùa thu ấy đối với tôi thật ngọt ngào.
Những mùa thu sau, năm học nào bố cũng đứng ở cổng trường gặp tôi và đều đặn đưa cho tôi gói quà như thế. Bố dặn tôi phấn đấu học hành, chỉ có học giỏi người ta mới kính nể. Tôi vâng lời bố, ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, lòng mơ hồ về tương lai tươi sáng.
Mỗi năm, tôi chỉ gặp bố được một - hai lần. Đó là vào đầu năm học và vào dịp nghỉ hè - tôi thường về bà nội chơi, bố cũng về thăm vào ngày cuối tuần. Bố không kể chuyện ngày xưa bố với mẹ ra sao, chỉ hỏi thăm tôi học hành rồi lại đi công tác.
Một ngày cuối đông, trời rét cắt da cắt thịt. Bố đứng nơi đầu ngõ, bảo tôi chạy về xin phép mẹ rồi đi về quê với bố. Bố không bao giờ giáp mặt, trò chuyện với mẹ từ ngày ly hôn. Tôi co ro trong chiếc áo khoác mỏng. Bố chở tôi sau xe. Thỉnh thoảng xe tuột xích, bố gỡ rồi lắp xích lại, bàn tay đen đúa đầy dầu mỡ.
Bố tạt vào cửa hàng mua cho tôi chiếc áo khoác ấm màu hồng. Có áo khoác rồi, người tôi ấm bừng trở lại. Hình ảnh người bố chở con gái sau xe, tôi thấy ấm áp hơn cả. Hóa ra, bấy lâu nay bố vẫn yêu thương tôi, vẫn dành cho tôi những yêu thương thầm lặng. Người ta đôi khi chỉ vì một chút ích kỷ mà áp đặt thành một khối hiểu lầm to lớn. Tôi có quá ích kỷ không khi chỉ nghĩ về một phía, rằng bố không thương mình?
Nhiều năm qua đi, mùa nối mùa thay nhau luân chuyển nắng mưa. Tôi lớn lên níu bám vào những yêu thương của cả bố và mẹ, mặc dù hai người chẳng ở với nhau. Tôi chuyển hóa tình thương ấy thành hạnh phúc cho riêng mình để trưởng thành với trái tim liền sẹo.
Đối với bố, tôi luôn thấy một điều gì đó thật bí mật. Điều đó tôi muốn khám phá mỗi ngày nhưng lại muốn giữ nguyên như thế, chẳng bao giờ muốn biết. Đã có lần tôi muốn mạnh dạn hỏi bố: "Sao ngày xưa bố lại hết yêu thương mẹ?", hay "Bố có ghét con gái như lời mẹ kể không?". Nhưng tôi không hỏi và cũng không muốn bố trả lời. Dù sao thì thời gian cũng đã trôi qua, quá khứ đã khép lại, tôi đã trưởng thành. Yêu thương hãy để cho mỗi bên tự cảm nhận. Yêu thương là cảm xúc không nên đong đếm quá rạch ròi.
Bố tôi giờ đây mái tóc đã hoa râm. Bố vẫn gọi điện hỏi thăm tôi mỗi tuần. Có những đêm chỉ có hai bố con tâm sự, bố chợt hỏi tôi: "Na à! Bao năm trôi qua, con có giận bố không?". Tôi lặng im giây lát rồi trả lời: "Con chưa bao giờ giận bố cả, ngay cả khi bố đáng giận nhất!".
Tôi khẽ nghe một tiếng thở phào nhẹ nhõm của bố, từ đầu dây bên kia.
Bình luận (0)