Câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau vụ việc một người mẫu tố cáo họa sĩ body painting (hội họa trên cơ thể người) đã hiếp dâm cô khi thực hiện các công đoạn sáng tác, gây dậy sóng công luận những ngày qua là người ta vẽ body painting để làm gì?
Cuộc chơi nghệ thuật trên da thịt
Body painting là sự kết hợp giữa nghệ thuật trang điểm và hóa trang theo văn hóa của mỗi dân tộc. Body painting được đánh giá là một môn nghệ thuật đỉnh cao khi sử dụng cơ thể người như tấm toan để vẽ. Nhiều lễ hội body painting đã được tổ chức hằng năm trên thế giới, nổi bật nhất là "The world body painting festival" tại Áo. Ở Việt Nam, body painting xuất hiện đã lâu nhưng chỉ vài năm gần đây, nghệ thuật này mới phổ biến rộng rãi, với các tên tuổi được biết đến như: Phương Vũ Mạnh, Ngô Lực, Miên Thảo, Quốc Hùng…
Là một trong những người tiên phong theo đuổi body painting ở Việt Nam, họa sĩ Ngô Lực cùng ê-kíp của mình (gồm những nghệ sĩ yêu thích môn nghệ thuật này) đã thực hiện khá nhiều dự án body painting gây chú ý, gồm cả dự án từ thiện, nghệ thuật chiêm ngưỡng lẫn kinh doanh. Theo người trong giới, đường cong trên cơ thể phụ nữ là vẻ đẹp trời phú, khi được tô điểm bằng sắc màu sẽ trở thành tuyệt tác.
Họa sĩ Huỳnh Thanh Trung thực hiện bộ ảnh body painting với người đẹp Nga Tây. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sử dụng cơ thể con người làm nền tảng để sáng tạo, họa sĩ body painting Việt Nam, trong đó nổi bật là Ngô Lực, được mời tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng tổ chức khắp nơi trên thế giới nhờ ý tưởng sáng tạo đậm chất Á Đông. Trong một lần chia sẻ về tác phẩm "Giai điệu của sắc màu", họa sĩ Ngô Lực cho biết anh đến với body painting vì muốn tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ, muốn đặt tên cho những đường cong ấy bằng lăng kính của sắc màu và hội họa. Body painting như một cách để con người được sống với niềm đam mê cũng như cá tính của mình, một hình thức mới lạ trong việc chuyển tải những thông điệp bằng ngôn ngữ hội họa.
Body painting đang ngày càng có chỗ đứng trong thế giới hội họa. Ở một số nước, body painting phổ biến đến mức được sáng tạo nhiều phong cách vẽ với những tên tuổi họa sĩ nổi tiếng. Trong đó, nổi bật nhất hiện nay là trường phái body painting đánh lừa thị giác người xem. Nếu có những bức tranh được sáng tạo đẹp y hệt người thật thì trường phái vẽ người như tranh làm ngược lại. Khách tham quan khi bước vào phòng tranh không thể phân biệt được đâu là người thật, đâu là tranh.
Ngoài ra, trường phái "Những bức tượng sống" (Living Statues) cũng gây sốt trong giới body painting. Bằng sự khéo léo, họ đã tự biến mình thành những bức tượng nhằm thu hút khách tham quan. Không ít người đã tưởng rằng đây là những bức tượng thực sự.
Tất cả trường phái này đều được các họa sĩ body painting ở Việt Nam áp dụng nhưng mới ở mức thể nghiệm bởi kinh nghiệm và cả kỹ năng chưa được hoàn thiện như họa sĩ nước ngoài.
Có cầu ắt có cung
Body painting được biết đến rộng rãi khi nó được sử dụng để quảng bá tại các sự kiện đông người: hội chợ, triển lãm, giới thiệu nhãn hàng... Theo khảo sát của các đơn vị đo lường thị hiếu quảng cáo doanh nghiệp, vẽ tranh trên cơ thể người là một trong những xu hướng quảng cáo của giới doanh nghiệp và ngành giải trí. Không khó để công chúng bắt gặp một buổi body painting công khai trong các sự kiện ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài các sự kiện kể trên, body painting còn được sử dụng trong việc dàn dựng minh họa sân khấu ở lĩnh vực biểu diễn. Những người tượng minh họa trong tiết mục biểu diễn của ca sĩ sẽ ít nhiều tạo dấu ấn lạ lẫm cho tiết mục trình diễn của họ.
Một cảnh sáng tác body painting
Có cầu là có cung. Một họa sĩ body painting cho hay họ sống được là nhờ thu nhập từ những hoạt động này. Một sô sự kiện quảng cáo có thể kiếm được hàng chục triệu đồng.
"Ở Việt Nam, thỉnh thoảng công chúng thấy một người mẫu body painting đi lại tại phố đi bộ. Tuy nhiên, người mẫu body painting khó kiếm tiền từ việc làm mẫu chụp ảnh cho khách tham quan vì họ chỉ trỏ vì ngạc nhiên nhiều hơn là bỏ tiền chụp ảnh" - một sinh viên mỹ thuật kiếm thêm thu nhập với công việc làm mẫu body painting cho biết. Người mẫu body painting chủ yếu kiếm tiền từ những lần làm mẫu cho các họa sĩ thực hiện dự án cá nhân, gồm cả dự án chụp ảnh, quảng cáo hay dự án từ thiện với một chủ đề cộng đồng nào đó. "Mỗi buổi như vậy, tiền công của người mẫu là 2 triệu đồng/ngày" - họa sĩ Phương Vũ Mạnh cho biết.
Cái khó nhất của họa sĩ body painting Việt Nam là tìm được người chịu làm "toan" cho mình sáng tác. "Điều này lý giải vì sao không có nhiều họa sĩ theo đuổi con đường nghệ thuật body painting. Chỉ những người thực sự yêu thích môn nghệ thuật này mới trụ lại được" - họa sĩ Quốc Hùng, từng theo đuổi body painting, bày tỏ.
Body painting thu hút mạnh mẽ công chúng và truyền thông. Vì thế, nhiều người mẫu chưa thành danh, thậm chí cả ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Đàm Thu Trang, Hồng Ánh, Phi Vân, Nga Tây, Nina Nguyễn… cũng tham gia làm mẫu loại hình nghệ thuật này.
Dự án "Body painting vì trái đất" diễn ra cách đây vài năm có diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ - người mẫu Đàm Thu Trang và diễn viên Phi Vân tham gia làm mẫu nude toàn phần cũng đã vấp phải những phản ứng cho rằng chỉ dừng lại ở việc "khoe thân", quảng bá, đánh bóng tên tuổi. Diễn viên Hồng Ánh khẳng định cô tham gia làm mẫu body art với mục đích trong sáng, ủng hộ cho những dự án của nhiếp ảnh gia Phan Quang nhằm làm từ thiện; việc cô chấp nhận để họa sĩ sáng tác một tác phẩm hội họa về dòng tranh dân gian Đông Hồ lên cơ thể người phụ nữ hiện đại là nhằm tạo ấn tượng về một dòng tranh cổ nổi tiếng được thể hiện trên một vật thể mới. Thế nhưng, bộ ảnh này đã khiến tên tuổi của Hồng Ánh ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhiều người đẹp ngày nay chọn body painting để khoe và lưu lại hình ảnh về cơ thể của mình hơn là chụp ảnh khỏa thân, do nó dễ được mọi người chấp nhận khi cơ thể được che đậy bằng màu sắc và trang phục liền da ở những nơi nhạy cảm.
Dù với mục đích gì thì body painting Việt đến nay vẫn chưa có những tác phẩm thực sự đạt đến trình độ cao, đủ để thuyết phục công chúng rằng đây là lĩnh vực nghệ thuật hội họa có giá trị.
Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và trần tục
Ở Việt Nam, body painting khá kén người mẫu vì không phải ai cũng chấp nhận khỏa thân giữa chốn đông người, lại càng không dễ chấp nhận họa sĩ xoa màu lên khắp cơ thể. Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và trần tục cũng là điều khiến giới chuyên môn, các tổ chức kiểm duyệt văn hóa luôn tranh cãi và trăn trở khi giới thiệu hay cho phép triển lãm loại hình nghệ thuật này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đức cho rằng khi sáng tác body painting, để không bị chi phối bởi cảm xúc trần tục thì họa sĩ phải xác định rõ mình đang làm việc, sáng tác nghệ thuật. "Khi tâm sáng và nghiêm túc trong công việc thì sẽ không vượt qua ranh giới cho phép" - anh nói.
Họa sĩ Lê Thế Anh cho biết ở Việt Nam, không ít người chụp ảnh nude, vẽ tranh nude, vẽ body painting nhưng hiếm khi gây lùm xùm. Bởi lẽ, thái độ làm việc chuyên nghiệp với sự tự trọng và tôn trọng lẫn nhau giữa người sáng tác và người mẫu luôn đặt lên hàng đầu.
Bình luận (0)