Triển lãm sắp đặt điêu khắc "Khải Huyền" vừa khai mạc sáng 6-1, kéo dài đến hết 13-1 tại bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh.
Sau lần triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2010, phải đến hơn 12 năm sau, Bùi Hải Sơn mới tổ chức triển lãm lần thứ 2, dù cho tác phẩm của ông có mặt trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và tên tuổi của ông được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong, ngoài nước biết tới.
U70 và hơn 35 năm trong nghề, Bùi Hải Sơn ít khi nào ngưng nghỉ tìm tòi và sáng tạo, nhưng lại khá cẩn trọng và chỉn chu. Tái xuất công chúng với triển lãm "Khải huyền", về mặt hình thức là nỗ lực nghệ thuật giàu tham vọng nâng hình tượng hạt lúa từ một đối tượng điêu khắc thành không gian sắp đặt điêu khắc.
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn
Trong không gian 4 phòng trưng bày 450m2 tại bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, "Khải huyền" tỏ lộ hài hoà giữa lý tính và tình cảm.
Phần lý tính thể hiện bởi phong cách tạo hình tối giản, tập trung vào cảm thụ khách quan về vật chất như: cảm thụ bề mặt tự nhiên của các khối kim loại, ánh sáng tạo ra từ các khối kim loại, ý nghĩa, nguồn gốc sử dụng vật liệu. Ở đây, Bùi Hải Sơn tái sử dụng gỗ sao - loại gỗ chuyên đóng ghe thuyền vùng cù lao Ông Chưởng - nơi gắn liền với đời sống tuổi thơ của điêu khắc gia.
Phần tình cảm chính là niềm tin, chân lý mà Bùi Hải Sơn đã được hấp thụ, là cái gốc văn hóa miền Tây Nam Bộ, nơi đã sinh dưỡng ông.
Giám tuyển của triển lãm "Khải huyền", nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định: "Hình tượng hạt lúa gắn với Bùi Hải Sơn không chỉ như một tài nguyên phong phú ngôn ngữ tạo hình, nó còn là, như ông từng nói, "chứng nhân tinh thần về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam". Ngoài ý nghĩa về nguồn gốc, nó còn là đích đến của một hành trình nhiều gian lao, thử thách".
Tác phẩm "Trầm tích"
Tác phầm "Đồng bằng"
Bùi Hải Sơn bộc bạch: "Khải huyền mang ý nghĩa bày tỏ những điều tốt đẹp, nhiệm mầu trong điều bình thường, bình dị nhất. Ở thời điểm hiện tại chính là việc chia sẻ những thông điệp và cảm nhận về không gian, thời gian đã trải qua trong cuộc sống bằng ngôn ngữ điêu khắc. Khải huyền trong sáng tác của tôi là câu chuyện kể về nguồn gốc và cội rễ của bản thân bằng ngôn ngữ của riêng mình".
Bình luận (0)