xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Buôn gánh

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Chị đã không biết buôn trong cái gánh của mình, chị đã từ chối và chọn lựa vì một điều cao cả, lớn lao, trong khi hiện nay nhiều người không một phút giây để nhận ra mình

Bỗng dưng tôi nhớ người đàn bà buôn gánh giữa thành phố Đà Nẵng trước năm bảy lăm. Chị có dáng người nhỏ nhắn thường mặc bộ bà ba đen bạc màu đầu đội nón lá, đi chân trần rảo khắp phố phường từ ngã ba Huế đến dọc bờ sông Hàn. Chị mua bán gì tôi không rõ, chỉ biết hết ngày này đến ngày khác chị cứ âm thầm bước trên những con đường quen thuộc ấy. Chị hay dừng lại trước những cơ quan, các điểm đóng quân và Ty Cảnh sát của chính quyền Sài Gòn với chiếc nón lá cong vành phơ phất trên tay.

Buôn gánh - Ảnh 1.

Đôi quang gánh tảo tần trên vai người phụ nữ Việt bao đời Ảnh Văn Hiến Việt Nam

Một cậu học trò nhà quê ra tỉnh như tôi rất dễ đồng cảm với hình ảnh những người đàn bà buôn gánh bán bưng như thế. Không chỉ cùng cảnh ngộ nghèo khó cơ cực mà bóng dáng người đàn bà buôn gánh bên đường còn khơi dậy hình ảnh của mẹ tôi ở một vùng quê thượng nguồn bên dòng sông Vu Gia, Đại Lộc. Mẹ tôi buôn gánh từ hồi còn là thiếu nữ đến ngày tôi lớn khôn. Mỗi sáng sớm mẹ gồng gánh qua sông với bao thứ hàng hóa tiêu dùng bình dân: chè tươi, ớt tỏi, nếp gạo, bún khô, đường phèn, đường phổi... Tất cả được bày trong các thúng mủng chất chồng giữa đôi gióng mây. Mẹ kể: Hồi chiến tranh có lần bom đạn đầy trời, trên chiếc đò nhỏ chở những người buôn gánh lên chợ đã lật chìm. Hàng hóa trôi nổi đầy sông, còn phường buôn gánh thì kẻ còn người mất.

Sau ngày giải phóng mẹ tôi già yếu nên không còn buôn gánh nữa. Người đàn bà mà tôi thường gửi chiếc cặp của mình vào một đầu thúng rồi bước theo sau trên đường đi học về cũng không còn. Chị về quê sinh sống chăng? Hơn một tháng sau ngày chấm dứt chiến tranh, tôi lại gặp chị trong một buổi mít tinh lớn chào mừng đất nước thống nhất tại sân Chi Lăng với bộ đồ màu xám và chiếc mũ tai bèo trên khán đài. Tôi đã hiểu ra chị là cơ sở cách mạng hoạt động nội thành.

Bây giờ chị ở đâu? Cứ mỗi năm đến ngày kỷ niệm này tôi lại nhớ về chị. Đà Nẵng bây giờ so với ngày xưa khác xa lắm. Bao nhiêu đổi thay từ cảnh vật đến con người, đường sá nhiều hơn, rộng mở hơn xưa. Cuộc sống tốt đẹp, ổn định hơn xưa, nhất là sau ngày đất nước đổi mới. Điều này có thể mẹ tôi không biết vì tuổi mẹ đã xế chiều lại ở tận miền quê xa thẳm. Còn chị, người đàn bà buôn gánh năm xưa không biết sinh sống đâu đây giữa thành phố này, có bao giờ chị đi ra phố để tìm lại bóng dáng của mình, để nhớ về một thời đẹp đẽ đã xa.

Tôi với cái máy ảnh cà tàng đi lang thang trên các đường phố để tìm nhân vật của mình. Tôi trò chuyện với các chị bán hàng rong hết nơi này sang nơi khác. Một ít khoai tây, một ít hành ngò, vài trái dưa, quả ổi cứ thế các chị cứ chầm chậm trên đường với tiếng chào mời nhỏ nhẹ, rồi lại ngồi xuống, đứng lên trước cửa mỗi hiên nhà. Hầu hết các chị đều nghèo khó thiếu thốn. Họ đến thành phố này từ nhiều nơi khác nhau phần lớn là ở vùng ven Đà Nẵng, có người ở tận Thăng Bình, Quế Sơn, Đại Lộc...Tôi ngồi xuống bên đường trò chuyện với một người đàn bà lớn tuổi, tóc bạc trắng. Chiếc đòn gánh gác trên hai đầu thúng, chiếc nón trên tay phất phơ, chưa khô những giọt mồ hôi trên trán.

Ngày nào chị cũng mang rau ra phố bán hả? Quê chị ở đâu?

- Quê tôi ở Điện Bàn. Trước đây tôi làm cán bộ phụ nữ ở phường này mà nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tôi xin nghỉ.

Vì sao vậy?

Chuyện dài lắm nhưng tôi kể vắn tắt chú nghe: Trước giải phóng tôi cũng buôn gánh như thế này nhưng không như bây giờ khổ quá. Vì hồi đó có "tổ chức" lo hết, nói là buôn mà có bán gì đâu. Còn buôn gánh ngày nay là kiếm sống nuôi chồng con vất vả lắm. À tôi lại quên, tôi xin nghỉ là vì không làm việc được. Tôi có hiểu gì về công tác phụ nữ đâu mà làm. Chẳng qua sau giải phóng các anh tổ chức muốn cho tôi có việc nên bố trí như vậy. Vài ba tháng làm việc là tôi về quê sinh sống, vì trình độ thấp kém, ít học của mình. Tôi xin nghỉ, về quê làm ruộng. Do chưa quen với công việc nhà nông, nên thời gian đầu, cứ sáng sớm tôi xuống chợ Mới Ba Xã mua ít rau trái khoai sắn mang ra thành phố bán kiếm ít tiền mua gạo, sống qua ngày. Hơn nữa cũng là để nhớ lại cái thời buôn gánh năm xưa.

Chị bỗng dưng vui lên và thân mật với tôi:

- Chú biết không, đúng ra tôi không còn đi bán đi buôn gì đâu, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ lớn, tôi đều có mặt ở thành phố này để nhớ lại cái thời buôn gánh đầy ý nghĩa của mình.

Nói xong cả chị lẫn tôi đều buồn. Có ai nhớ lại những kỷ niệm đẹp mà không nuối tiếc! Tôi bây giờ cũng không còn trẻ nữa huống gì chị. Có bao nhiêu người như tôi và chị trưa nay trên đường phố bên sông Hàn. Bây giờ tôi không còn ý định viết bài báo để đi tìm chị nữa, không phải vì tôi đã gặp người đàn bà buôn gánh thời xưa mà tôi gặp câu trả lời về nhân cách của người đời. Chị đã không biết buôn trong cái gánh của mình, chị đã từ chối và chọn lựa vì một điều cao cả, lớn lao, trong khi hiện nay nhiều người không một phút giây để nhận ra mình. Họ không đủ dũng khí và thiện lương như chị, không dám từ chức hoặc xin thôi việc khi biết mình không đủ năng lực để đảm đương công việc mà lẽ ra họ phải nhường lại cho người khác? Tôi định nhắc lại một vài kỷ niệm giữa tôi với chị mong gợi lên trong ký ức của người đàn bà buôn gánh ngày xưa nhưng cũng chẳng để làm gì. Có lẽ điều ấy không còn cần thiết cho việc viết một bài báo nhỏ của tôi mà hình ảnh của chị đã trở thành nhân vật giữa đời thường trong cuộc sống vô thường. Tôi cứ đi tìm chị, người đàn bà buôn gánh. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo