.Phóng viên: Điều gì đã làm nên "Hành trình của Khánh Linh (Khánh Linh’s Journey)"?
- Ca sĩ KHÁNH LINH: Tôi thường lấy những gì mình trải nghiệm trực tiếp trong đời sống để thể hiện bài hát. Vì thế nên trong album "Khánh Linh’s Journey" có một bài hát tên "Băng qua cánh đồng". "Cánh đồng" ở đây không phải nghĩa đen mà là nghĩa bóng, là băng qua nỗi sợ hãi cùng cực. Tiếng côn trùng chính là tiếng lòng ở bên trong bạn, là nỗi sợ hãi đang rạo rực phía sau, sẽ là lời kiểu "ôi ngày mai bão đó, không biết mình sẽ ra sao nhỉ". Đằng sau mỗi tác phẩm, tôi cũng muốn gửi gắm những thông điệp về bảo vệ môi trường, phản ánh tình hình xã hội hiện tại, như ở Hà Nội vừa rồi là sự việc của Trường Gateway hay mọi người đang sử dụng những sức mạnh không cần thiết để đối xử với nhau như đấu đá "bàn phím" qua mạng, khói bụi, thiên tai, lũ lụt... có quá nhiều yếu tố công nghiệp hóa… thì tất cả chúng ta là người nhận hậu quả đầu tiên.
Ca sĩ Khánh Linh cho biết mình đang làm đúng việc của một nghệ sĩ là phải sáng tạo từng ngày. Ảnh: ĐẶNG ĐỨC MINH
Trên cuộc đời này có quá nhiều thứ u ám, thay vì ngồi võ đoán hay than thở buồn phiền, tôi nghĩ chúng ta hãy cứ ngồi lại, suy nghĩ về những điều tích cực hơn mà "gia vị" chính là những ca khúc có thông điệp rõ ràng. Tôi thường bảo người làm nghệ thuật phải làm đúng chức năng của mình, tìm đến những gì đẹp nhất. Cuộc đời còn nhiều điều đáng hy vọng, lạc quan lắm.
.Sắc màu âm nhạc nào có thể truyền tải hết những gì chị muốn kể với khán giả của mình qua âm nhạc?
- Cả tôi và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đều không thể gọi tên hay định nghĩa màu sắc âm nhạc mà chúng tôi gửi đến khán giả lần này. Có lẽ là những gì rất khác biệt, thậm chí là chưa từng có trên thị trường âm nhạc hiện nay. Nhưng dù có vượt ra ngoài những cái đã có thì cốt lõi của những sáng tạo đó đều dựa trên sở trường của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là âm nhạc điện tử.
Nhiều người hỏi tôi, liệu rằng sự thể nghiệm mới mẻ đó sẽ đưa tôi đi đến đâu? Tôi thấy rõ sự lo lắng của nhiều người nhưng với tôi, tôi chẳng nghĩ nhiều đến thế. Đơn giản là tôi đang làm đúng việc của một nghệ sĩ là phải sáng tạo từng ngày. Tôi làm điều này để trả lời cho mong muốn của khán giả: Nghệ sĩ thì phải sáng tạo.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng nếu sáng tỉnh dậy, sự sáng tạo của mình lọt vào Top Trending Spotify và iTunes, chị sẽ thấy thế nào? Tôi vui và hạnh phúc. Giống như tôi từng gặt hái thành công ngoài sức tưởng tượng với "Cô Tấm ngày nay" trước đây vậy. Sự đón nhận của khán giả chính là động lực để nghệ sĩ tiếp tục bay bổng với giấc mơ và đam mê nghệ thuật của mình. Sống trong một gia đình có truyền thống âm nhạc giúp tôi có cơ hội tiếp nhận từ âm nhạc cách mạng, nhạc nhẹ... Tôi yêu thích tất cả thể loại âm nhạc đó, từ dân gian cho đến hiện đại. Tôi luôn mong muốn học hỏi nhiều hơn từ nghiên cứu của những người trong gia đình. Ở thời điểm này, tôi biết là một nghệ sĩ phải luôn sáng tạo trên con đường của mình. Tôi sẽ tự hào đi khoe với mọi người rằng đã có thêm nhiều người hiểu được âm nhạc mới của tôi như thế nào. Tôi muốn lan tỏa thứ âm nhạc mình kỳ công ấp ủ. Nhưng dù chưa đạt được hiệu ứng như mong đợi, tôi vẫn kiên định với con đường phải có sáng tạo của mình.
.Nhưng rõ ràng ngày nay, sự nổi tiếng đi kèm với top trending, hiệu ứng mạng xã hội dày đặc. Thậm chí, người nổi tiếng còn chẳng cần hát hay, chỉ cần mang đến điều khán giả cần?
- Tôi không thấy khó chịu với sự phát triển đó của thị trường âm nhạc ở thời điểm hiện tại. Với tôi, mỗi người đều có một lựa chọn và khi thị trường nhạc Việt có nhiều sự lựa chọn thì khán giả sẽ nhận ra điều gì là phù hợp và xứng đáng với sự tin yêu của họ. Bắt kịp xu hướng hay đi đầu trào lưu, làm những gì phù hợp với thị hiếu hiện đã có rất nhiều người ở thị trường âm nhạc làm rồi. Tôi nằm ở khu vực "những người làm những gì mà họ muốn".
.Chị đã từng xuất hiện rất nhiều và khoảng thời gian gần đây, khán giả lại không thấy chị nhiều nữa?
- Chỉ là tôi ít xuất hiện trên sóng truyền hình mà thôi. Nói thẳng ra thì truyền hình cũng không có gì để mà xuất hiện bởi sóng truyền hình toàn game show chứ không có những chương trình văn nghệ, hát hò như trước. Tôi vẫn đang làm rất nhiều việc đấy chứ. Với công việc ở Nhà hát Thăng Long, tôi cũng phải thực hiện nhiều dự án như nhạc kịch chẳng hạn. Phòng trà ở Hà Nội và "đất diễn" tiêu chuẩn của mình không có nhiều. Còn nếu muốn nghe thì cứ xuống tầng 2 Nhà hát Thăng Long - cơ quan tôi đang làm việc. Còn nếu hỏi về live show cá nhân, tôi lại phải đặt lại câu hỏi cho khán giả là họ có bỏ tiền ra để mua vé đi xem không? Bởi họ mua cái áo, cái quần thì rất xông xáo, mua vé đi xem phim ngồi phòng VIP không vấn đề nhưng lại rất đắn đo để mua vé đi xem ca nhạc. Đó là câu hỏi dành cho khán giả.
.Nghe chị nói thì nghề ca hát của chị nhẹ như một cuộc chơi vậy?
- Việc tôi làm nghề cũng như một cuộc chơi, đã chơi là phải tới bến, phải làm những gì mình sướng, bất chấp luôn dù tốn nhiều tiền chỉ bởi nó xứng đáng. Tác phẩm đó phải được diễn ra trong cuộc đời làm nghề của mình. Mình không thể ôm nó xong lại cân đo tính toán rằng cái này đắt thế, khó thế không làm đâu, không được nhụt chí như thế.
Bạn nghĩ thử đi, liệu một người như tôi còn có thể hát thêm bao lâu nữa? Rồi sau này có già, có xấu, sức khỏe không đáp ứng được nữa thì quay đầu lại, thấy mình có bao nhiêu "tài sản" thế kia, chắc chắn là hạnh phúc và tự hào lắm. Còn việc "thu hồi vốn" thì mênh mông lắm, cứ làm việc với cái tâm vô tư cống hiến chứ chưa mong đợi sẽ lấy lại đủ từ album mình làm ra. Vật chất có thể kiếm bằng nhiều thứ khác, có thể từ sô diễn khác của mình, công việc khác của mình chứ không phải coi nó như một món hàng, làm ra rồi bán buôn bằng mọi giá. Nếu cân đo thế thì chắc chẳng còn ai làm album nữa, nên thôi, thích thì làm, quan trọng là mình thích trước đã.
.Có phải chị đang hài lòng với hạnh phúc từ cuộc sống với người chồng hiện tại nên mọi thứ khác đều có thể chậm rãi, không vội vàng?
- Việc tôi hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Mọi thứ đều phải ổn định để mình yên tâm. Độ tuổi của tôi không còn là lúc để mình có thể phiêu lưu, đánh đổi nữa. Thứ đánh đổi duy nhất của tôi bây giờ chỉ là thời gian và tuổi trẻ chứ không thể nào bằng tình yêu và hôn nhân được nữa.
Tôi đã từng đổ vỡ hôn nhân một lần, thất bại trong tình yêu một số lần, bản thân phải tự biết rút kinh nghiệm. Khi gặp người chồng hiện tại bây giờ, tiêu chí hàng đầu là anh phải yêu nghề nghiệp của mình đã, giống như mình yêu công việc của người ta. Sau đó, cả hai phải chia sẻ làm sao cùng nhau thúc đẩy công việc, cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhờ anh ấy mà tôi mới có thêm động lực để hoạt động âm nhạc, làm ra những sản phẩm nho nhỏ như "Mùa yêu", "Cây đời"…
Tôi và chồng tôi khác nhau hoàn toàn về gu nghe nhạc. Anh ấy toàn nghe nhạc thị trường đang thịnh hành, thuộc nhiều bài hát hơn tôi, đi hát karaoke thì tôi thua. Nhưng như thế lại thành thú vị, vì đời sống âm nhạc của anh ấy thú vị hơn tôi nhiều. Người ta cũng yêu âm nhạc nhưng kho âm nhạc của người ta khác mình thôi. Như tôi bây giờ nghe nhạc để nghiên cứu, học hỏi, còn anh ấy nghe để giải trí thông thường. Thế mới có những lúc cả hai nhìn lại, trao đổi về âm nhạc, bù đắp "lỗ hổng" cho nhau, cuộc sống trở nên dễ chịu và đáng yêu vô cùng.
Tài sản vô giá
Tôi không phải là người giàu, dư dả tiền bạc. Tôi làm album chỉ trả trước một nửa, phải đi hát, gom lại nhiều nguồn để trả hết. Nghe thì nghĩ khổ nhưng tôi thấy xứng đáng lắm vì mình để lại một tài sản vô giá, phi vật thể trong âm nhạc mà. Âm nhạc trong tôi là điều phi thường. Tôi quá nể phục các nhạc sĩ tại sao chỉ có 7 nốt nhạc, từng đó quãng mà viết ra dồi dào không bao giờ hết đến thế, nên chẳng có gì phải tính toán hay ngại ngần.
Bình luận (0)