Lê Hiếu bất ngờ trở lại với album nhạc truyền thống "Tôi với trời bơ vơ"
* Phóng viên: Sao anh lại ra cả một album truyền thống trong khi trào lưu hiện nay là những sản phẩm online để tiết kiệm chi phí phát hành?
- Ca sĩ Lê Hiếu: Là vì cái tôi nghệ sĩ. Hẳn nhiều người cũng giống tôi, đã là nghệ sĩ thì phải có những sản phẩm album để cầm, sờ mó trong tay mình chứ không chỉ là những ca khúc phát hành online như hiện nay. Khi quyết định làm album, tôi cũng nghĩ chẳng mấy người mua. Thậm chí, người mua CD hiện nay chỉ để sưu tầm là chính chứ họ cũng nghe nhạc số cho tiện. Dù vậy, điều đó không có nghĩa mình phải chạy theo thị trường mà bỏ quên cái tôi của chính mình.
Nhạc sĩ Đức Trí là một trong hai nhạc sĩ hòa âm cho album này
* Nhưng hẳn album này phải có gì đặc biệt để thu hút khán giả chứ?
- Tôi có hai nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc (producer) giỏi là Đức Trí và Hoài Sa giúp hòa âm cho album này. Với chất nhạc mà tôi theo đuổi, họ chính là những người hiểu rõ nhất cần làm những gì để khán giả, cả xưa và nay, đều yêu thích. Đó là lý do khi sản phẩm hoàn thành, bên phòng thu Viết Tân đề nghị tôi làm đĩa than vì chất lượng và màu sắc âm nhạc của album rất phù hợp. Thế nhưng, tôi chưa vội nghĩ đến sản phẩm đĩa than. Tôi còn nhiều thời gian và ý tưởng.
Lê Hiếu vẫn chinh phục khán giả bằng giọng hát đẹp của mình
* Lê Hiếu vẫn vậy, vẫn là "gã trẻ con hát tình ca" trên sân khấu nhỉ?
- Gương mặt baby (trẻ) là một lợi thế nhưng có khi nó lại là bất lợi khi hát nhạc xưa nhỉ? Đã có lúc, gương mặt trẻ con không truyền tải được nhiều cảm xúc khi hát nhạc xưa vì khán giả bị chi phối bởi vẻ ngoài thay vì tập trung cho việc nghe thôi. Nhưng giờ thì làm gì còn chuyện ấy nữa. Thời gian đâu tha cho ai và tôi cũng không ngoại lệ. Bây giờ thì không chỉ tôi có đầy trải nghiệm của tuổi tác mà ngay cả gương mặt của tôi cũng đầy dấu vết thời gian. Giờ thì khán giả có thể tin tôi thuộc về tình ca xưa rồi nhỉ? (cười).
Tôi đã mất 5 năm để thực hiện sản phẩm âm nhạc này. Có những bản ghi âm, thu xong rồi bỏ nhưng cũng có những bản thu chỉ là bản demo (thu thử). Nói vậy để thấy rằng chúng tôi tôn trọng cảm xúc và tinh thần của ca khúc chứ không phải kỹ thuật điêu luyện của người hát.
Mất 5 năm để thực hiện album, Hiếu bảo anh có đủ trải nghiệm để truyền tải tinh thần ca khúc đến khán giả
* Dù vậy, nhiều người vẫn thắc mắc sao Lê Hiếu không hát nhạc trẻ để nổi tiếng hơn?
- Âm nhạc mà mỗi người chọn phụ thuộc khá nhiều vào tính cách của họ nữa. Tôi có hát nhạc trẻ đấy chứ nhưng nhạc trẻ của tôi chắc cũng khá già so với cái nghĩa "trẻ" của người khác. Anh Tuấn Ngọc bảo tôi "Hiếu trẻ thì cứ hát nhạc trẻ đi, nhạc xưa còn cả đời để hát. Tôi đây muốn hát nhạc trẻ mà không được vì già rồi". Tôi thấy đúng nên cũng có những sản phẩm nhạc trẻ đều đặn. Chưa kể, khi tôi đi hát ở Hà Nội, 70% là nhạc xưa và 30% là nhạc trẻ theo yêu cầu của khán giả. Trong khi đó, ở TPHCM, tôi phải hát 70% nhạc trẻ và 30% nhạc xưa vì khán giả thích thế. Thế nên, thực tế tôi vẫn cân bằng giữa nhạc xưa và nhạc trẻ cho chính mình.
Sự nổi tiếng một cách ồn ào không phải con đường Lê Hiếu chọn vì "được hát mỗi ngày như bây giờ là đủ rồi"
* Nhiều người trong giới bảo rằng lẽ ra Hiếu sẽ còn lên nữa nếu anh chịu khó hơn?
- Tôi vẫn siêng năng nhưng siêng làm nghề chứ siêng PR, quảng bá thì tôi chịu. Cái gì cũng có hai mặt. Ồn ào quá, có khi lại chẳng hợp với mình. Với tôi, ngày nào cũng được hát. Hát được khán giả yêu mến. Những ca khúc mình hát được mọi người tán dương. Một cách nhẹ nhàng thôi, như thế là đủ rồi.
Bình luận (0)