1.
Tôi muốn bắt đầu một câu chuyện nhỏ bằng những lời phán xét câu nệ và tiểu tiết thường thấy ở trong bất cứ trang sách nào đó. Và rồi, tôi nghĩ mình sẽ làm được nhiều thứ hơn nữa bằng cách kể lại từng diễn biến, mô tả từng chi tiết, từng phân cảnh để cuối cùng đi đến một cái kết luận chung. Thậm chí, tôi còn mơ tưởng sẽ dùng ngôn từ để đẩy đưa những hàm ý vun vén cho câu chuyện của tôi được đủ đầy ý nghĩa nhân văn. Thế nhưng, tôi không phải là kẻ phán xét, càng không phải kẻ có quyền nhấn nhá những rằng, thì, là, mà. Dẫu vậy, tôi cũng chẳng thể là một kẻ dửng dưng đến độ lặng câm khép miệng như con hến khi nhìn thấy một ai đó đang dệt nên cái ác trên bàn tay mình vừa mới hôm qua.
Đây, câu chuyện ấy đây. Nó không phải là thứ ngôn ngữ ẩn dụ hay ngoắt ngoéo khó hiểu gì. Nó càng không phải là những mỹ từ bóng bẩy, được trau chuốt đến từng cái dấu chấm và dấu phẩy một. Chỉ đơn giản là nó, câu chuyện nhỏ, có thật về gã đàn ông say nào đó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Và, lẽ dĩ nhiên, tôi biết rằng mình đang tham lam, thêm vào một cái kết nữa để nối tiếp những câu chữ vừa mở ra ở phía dòng trên cùng, nó không xa lạ gì từ lâu lắm rồi, chỉ là tôi đang cố tình nhắc lại mà thôi. Hoặc là, tôi chọn một cách khác bằng việc mở đầu lại cho câu chuyện nhỏ, rất nhỏ trong vô vàn chuyện lớn, rất lớn đang nháo nhác chen lấn trong dòng người xô bồ giữa thành phố nọ vậy chăng. Ví như thế này này: "Anh ta khật khưỡng đứng lên, cầm một nắm tiền ném toẹt xuống mặt đường, văng bẹt dăm ba câu tục tĩu: Chúng mày dám nện ông à? Mai tao gọi các đệ gô cổ chúng mày lại tuốt tuồn tuột nhá" hoặc: "Đệch, tao bỏ ra một số vốn không nhỏ để nuôi gà, và...", và ba chấm, tất nhiên, sau đó chỉ là những thanh âm lè nhè chỉ đủ một mình anh ta nghe thôi, đám người vừa nện cho anh ta một trận nhớ đời vừa gọi công an xuống gô cổ anh ta về đồn vì tội cán chết người, bỏ chạy. Đấy, câu chuyện đang trên đà tiến triển như thế. Tất nhiên, tôi xác định rồi, đó chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong đời thường mà thôi, ngay trên con phố này, ngay chính trên con đường này, và ngay chỗ cô bé nọ vừa nằm bất tỉnh đó. Con xe bốn bánh to đoành của anh ta cũng vừa đâm vào hàng rào giao thông cách đó không xa. Chỉ có một lý do duy nhất mà anh ta có thể ngụy biện cho mình: Do say. Đúng, anh ta đang say. Đúng, rượu điều khiển anh ta, không phải nhân tâm. Cái thứ nhân tâm của kẻ có tiền làm sao đo đếm được nó ngắn dài bao nhiêu? Tôi nghĩ chừng đó chắc đủ để diễn giải cho người đọc hiểu được câu chuyện tôi sắp cắt dán vào những lời mào đầu giới thiệu dài dòng này. Thôi thì, tôi biết rằng mình đã bắt đầu bằng một sự phán xét. Nhưng thế giới này thì vô lượng và bao la lắm, nhân tâm con người cũng không hẳn là độc ác như loài lang sói. Tôi cứ vin vào lý do là kẻ đó say, để sáng mai khi tỉnh khỏi hơi men, anh ta sẽ dành ra vài ba phút để nghĩ ngợi lại về hành động của mình. Hoặc, cũng có thể để cho bạn đọc và chính bản thân tôi còn có chút ít niềm tin về cái sự thật là: đồng tiền làm nhân tâm con người rối loạn không thể xác định được đâu là thiện, đâu là ác. Nhưng đến khoảnh khắc khi anh ta hoặc không phải anh ta chỉ còn là những hơi thở sắp tàn và chuẩn bị trở về với cát bụi đã từng làm điều ác thì sẽ tự mình có một chút suy nghĩ lương thiện cuối cùng trong giây phút hấp hối chăng?
Thôi, tôi không chơi đùa với sự nhọc nhằn của các ký tự đang nhảy múa nữa. Bạn đọc thử chịu khó nhấm nháp một câu chuyện nhỏ bên lề đường về cái thằng say đi xe bốn bánh ấy, sau đó bạn tự phán xét. Cái thiện và cái ác là một cặp đôi song hành với nhau trên cuộc đời này. Đồng tiền chỉ là thứ để con người ta dùng nó làm lý do bào chữa, ngụy biện cho tội lỗi của chính mình.
2.
Say.
Y say.
Men nồng xộc vào huyết quản và cả sự ngạo nghễ vốn đã mặc định sẵn trong người Y. Đường phố chật hẹp. Giữa lòng thủ đô, chen chúc từng hơi thở nhớp nháp, sặc mùi người. Y quần con xe bốn bánh biển số 30H chạy như trâu điên. Giá mà Y thúc vào cột điện hay hàng lan can giao thông. Đằng này, Y đâm quáng quàng vào một đứa con gái mặc mini juýp ngắn cũn cỡn. Y ngụy biện mình say. Nếu một thằng say mất nhân tính thì sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó? Y dừng lại và bế thốc cô ta lên xe, đưa vào bệnh viện ư? Y say rồi. Y không nghĩ được nhiều như thế? Thêm cái sự ngạo nghễ của kẻ có tiền, Y nhập nhoạng giữa hai bờ tỉnh - say để cuối cùng không thể nhận ra được đâu là thiện, đâu là ác. Một vòng bánh xe đủ để nghiến nát xương thịt con bé. Một vòng bánh xe đủ để thấy tội lỗi loài người gây ra cũng không ít trên cõi đời này. Vậy mà, Y đánh tay lái, quay lại chần thêm một vòng nữa. Máu lênh láng. Con bé nằm bất động. Và, Y thì hèn nhát bỏ chạy. Nếu con bé chết hẳn thì Y chỉ đền bù một lần rồi thôi. Y có tiền. Luật nào cũng không phán xét nổi ma lực của đồng tiền. Y cảm thấy mình ác. Nhưng Y không đủ tỉnh táo để nhận diện. Rồi, Y thấy những đám đông đang rầm rập đuổi theo sau lưng. Lần này thì Y đâm vào hàng lan can giao thông thật. Y bị lôi ra khỏi xe. Y thấy đau nhừ khắp cơ thể. Mắt nhắm mắt mở, Y vẫn còn nghe mùi rượu hòa lẫn trong vị tanh của máu. Mấy tờ giấy xanh đỏ trong ví văng ra tung tóe. Có kẻ vừa nhổ toẹt một bãi nước bọt lên đó và nói, Y mang máng nhớ: "Cho mày chết, đồ vô lương tâm. Đâm người ta xong bỏ chạy à?". Y đáng bị như thế. Y cười khẩy, nghĩ bụng: "Tao chỉ cần đưa tiền lên bàn cân là thoát hết. Thằng nào chẳng thích tiền. Khối đứa vì tiền, còn vô lương tâm hơn tao, chúng nó sẵn sàng đuổi đánh, cấu xé, chì chiết nhau mỗi ngày đấy". Rồi, Y nghe mấy tiếng còi hú inh ỏi, thấy bóng dáng của vài cảnh sát. Nhìn mặt, Y biết là mình quen. Bọn nó lạ gì Y. Cái biển số xe đấy, các chú thừa biết. Nhưng, chẳng làm gì được.
Luật, dĩ nhiên là thứ lý lẽ được lập ra để bảo vệ sự công bằng. Nhưng đôi khi, nó chỉ là một loại văn bản hành chính, một trò chơi pháp lý nằm trong một hệ thống, một vở hài kịch quen thuộc diễn mãi trên sân khấu; hù dọa thằng nào thiếu tiền hay nghèo mạt rệp; còn với người thấp cổ bé họng thì... Y nào sợ. Thằng bạn Y là một luật sư. Nó từng bảo: "Luật làm con người ta trở nên tàn nhẫn với nhau hơn". Lúc đó Y chỉ ừ hử. Giờ thì Y hiểu. Chính bản thân Y đang trở nên tàn nhẫn và độc ác khi lăn đến hai vòng bánh xe lên thân thể của đứa con gái yếu đuối và không may kia.
Đêm. Đèn đường nhập nhoạng giữa sáng và tối. Y không phải là kẻ vui tính đến mức đứng trân trân một chỗ để suy ngẫm xem mình vừa làm gì, Y chỉ cảm thấy đau đau bên hông, trên cơ mặt vì bị đám đông vây kín và dùng cái vật cứng nào đó tẩn vào người. Đáng đời Y lắm. Chẳng ai đủ tỉnh táo để suy xét đúng sai, nhân quả khi có nhiều tiền trong túi. Y vẫn đang say.
3.
Bỗng dưng, một giọng cười ha hả chen ngang mạch truyện của tôi: "Làm sao dám khẳng định rằng kẻ ác sẽ tỉnh ngộ khi trút hơi thở cuối cùng?".
Tôi quay ngang, quay ngửa. Trong phòng tôi chỉ có chút ánh sáng ít ỏi từ chiếc đèn bàn cộng thêm ánh sáng từ màn hình laptop. Với tôi như thế là đủ rồi. Tôi sợ tiền điện lại tăng vọt vào cuối tháng. Chao ơi, trời mùa này, đến cái quạt cũng phải cân nhắc bật bao lâu rồi tắt. Nóng quá, rất dễ khiến người ta nổi cơn ác. Đấy, tôi đang thử nhớ lại cách để tôi viết một câu chuyện, về một gã trai nhà giàu, nhiều tiền, thích uống say, vô tình (cố ý) cán chết người. Sự thật thì gã vô tình trước, cố tình sau. Kiểu nào thì gã cũng đã làm điều ác. Thiện - ác lúc này chỉ cách nhau có hai chữ: "vô tình - cố ý".
Tôi tự bào chữa cho cái giọng nói phát ra từ đâu đó. "Ừ, cái thiên lương của con người không hẳn đã biến thành rác rưởi và bị ám bởi linh hồn quỷ dữ". Tôi dừng viết, không tự biện hộ cho câu chuyện của mình hoặc cãi nhau âm thầm với cái bóng nào đó. Tôi thử lướt qua một vài cái tít báo mình vẫn dõi theo hằng ngày, "vụ tai nạn giao thông, trên đường X, ở thành phố Y, một gã say đi biển số xe 30H đã vô tình (cố ý) cán chết người rồi bỏ trốn". "Đệch, thằng chó!". Tôi chửi thề, rồi thắc mắc tại sao cái tít báo dài dòng thế? Thật buồn cười. Tôi, người đang viết về cái thiện - cái ác, đang phân vân về sự tồn tại hay không tồn tại, chỉ thắc mắc mỗi một câu hết sức tầm thường.
Phía trên nhà, có tiếng của một người say đang hét toáng lên. Hình như là chú N., hàng xóm ngày xưa. Nhà chú ấy nghèo. Nhưng, chú lại say gần như cả đời, tóc bạc trắng. Câu chuyện của tôi bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Bình luận (0)