Nếu như trước đây, khán giả mộ điệu đã quen thuộc với hình ảnh những ông vua, bà chúa uy nghiêm, lộng lẫy qua giáp bào, xiêm y thì sau này, sân khấu cải lương đã có một cuộc chuyển mình khi các tác giả thổi hồn đương đại vào kịch bản. Sân khấu cải lương từng có nhiều tác phẩm đỉnh cao khai thác đề tài đương đại làm khán giả say đắm. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là gần đây, vì sao đề tài cuộc sống đương đại hiếm có vở diễn hay làm say đắm và thuyết phục người xem?
Chưa tìm được sự đồng cảm
Trong 32 vở diễn của Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 vừa diễn ra tại Long An, rất ít vở đương đại cuốn hút giới chuyên môn, nói chi đến khán giả. Thực tế này cho thấy tác giả kịch bản cải lương vẫn nghĩ đến những vấn đề đương đại, họ cũng trăn trở tìm kiếm góc cạnh sắc bén để đưa vào kịch bản. Thế nhưng, cách chuyển tải chưa tìm được sự đồng cảm của khán giả.
Theo các nhà chuyên môn, viết và dựng vở diễn mang hơi thở cuộc sống không khó. "Cái chính là biết dung hòa, làm sao cho hơi thở cuộc sống ngồn ngộn trong từng tình huống, thiếu chăng là bút pháp tài hoa và sự cập nhật tinh tế" - nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành nhận xét.
Cụ thể, vở "Hồi sinh" của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tại liên hoan vừa qua nói về đề tài rất được xã hội quan tâm: hiến tạng nhân đạo - cái chết của người này là sự sống của nhiều người bất hạnh khác nhưng được viết quá đơn điệu. Lời thoại nghe cứ như hiệu triệu, tuyên truyền chủ trương; lời ca thiếu chất đời, thiếu thực tế, dẫn đến ngây ngô.
NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, nhìn nhận quá hiếm vở đương đại được sáng tác đúng chất cải lương, chỉ là dựa vào kịch để chuyển thể. Đây là lỗ hổng khiến nhiều vở cải lương đề tài đương đại không "ngọt", không có chất "đời".
Gần đây, trong một số vở diễn cải lương đương đại của sân khấu TP HCM, không vở nào được thể hiện đúng chất. Chính điều này khiến người xem quay lưng với sàn diễn cải lương. "Ngay cả vở đoạt giải tại liên hoan dù là đề tài đương đại nhưng tác giả viết như kịch có chêm bài ca, không thuần chất cải lương nên xong liên hoan thì cất kho cũng phải" - soạn giả Đăng Minh trăn trở.
Cảnh trong vở cải lương “Nhân danh công lý” do NSND Bạch Tuyết chuyển thể từ kịch bản của Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang một thời làm say đắm khán giả
Người sáng tác phải dấn thân
Lý giải điều này, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói nhiều người cho rằng khi cơ chế thị trường rộng cửa, cải lương phải thích nghi với thời cuộc. Cải lương cần phản ánh về cuộc sống hiện đại, gần gũi với con người nhưng để gây ấn tượng mạnh với người xem, tác giả phải dấn thân bằng ngòi bút mang tính chiến đấu, chứ không thể viết như tuyên truyền, hô hào chủ trương, chính sách.
"Cần lắm những vấn đề hiện tại của cuộc sống hôm nay về tình yêu, gia đình, vấn đề mâu thuẫn xã hội đang làm quặn đau lòng người như: tham ô, tham nhũng, bạo hành gia đình, an toàn thực phẩm, bạo lực học đường, cán bộ làm giàu bất chính, thực thi pháp luật... Những vấn đề đó cần đưa vào cải lương nhưng phải rất "ngọt" và rất "đời" - vị đạo diễn 82 tuổi dày dạn kinh nghiệm bày tỏ.
Những ngày nằm trên giường bệnh, soạn giả Nguyên Thảo (cặp bài trùng với soạn giả Yên Lang, có gia tài kịch bản cải lương đồ sộ) tâm sự: "Sự dấn thân sẽ cho soạn giả cách nghĩ, cách viết và bố cục kịch bản để câu chuyện mang tính logic. Đưa ra nhiều vấn đề nhưng phải giải quyết chứ không thể thiếu thực tế, dẫn đến "nói mà không làm", khiến người xem mất hứng thú".
Chính vì không có sự dấn thân nên ngòi bút tác giả chỉ quanh quẩn với thông tin cập nhật từ báo chí, truyền thông. Trong khi đó, sâu tận trong đời sống người dân, những vấn đề bức xúc, trăn trở, thậm chí những bi kịch mang tính thời đại, chẳng được đưa lên sàn diễn mổ xẻ đến tận cùng.
"Để nhiều vở cải lương khiến khán giả phải trăn trở, suy tư rồi khóc, cười... với nhân vật, đề tài hiện đại phải có sức hút, đụng chạm và đề cập các vấn đề mà ở đâu đó trong các gia đình, ngoài xã hội vẫn đang diễn ra. Đừng chú trọng quá nhiều đến những chi tiết minh họa rườm rà, theo tôi, cốt lõi là câu chuyện mang thông điệp gì" - NSƯT Minh Đương, người dàn dựng vở "Nỗi đau sau cuộc chiến" gây thổn thức người xem về câu chuyện một nữ chiến sĩ đi tìm con sau chiến tranh, bày tỏ quan điểm.
Nhà tổ chức biểu diễn Minh Mẫn, nguyên Trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp - đơn vị vừa ra mắt vở "Người đồng bằng" nói về đời sống nông thôn mới, cho biết: "Vở viết về nhà nông sau liên hoan sẽ đưa đến nhà nông. Bà con xem mà chê thì coi như mất trắng. Chính vì thế, kịch bản phải được viết từ cuộc sống mới có khán giả".
Vì sao vở "Tôi và chúng ta", "Trái tim trong trắng" của tác giả Lưu Quang Vũ hoặc "Nhân danh công lý" của Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang khi được chuyển thể sang cải lương vẫn đủ sức làm say đắm khán giả nhiều thập niên qua? Cải lương hiện đại hoàn toàn làm được điều này và sẽ còn hơn thế nữa nếu đội ngũ tác giả biết dấn thân, các trại sáng tác bỏ bớt những đề tài quá cũ và phải hướng ngòi bút chạm đến các vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay.
Nhiều tuyệt phẩm khiến khán giả mãn nguyện
Sân khấu cải lương đã có nhiều tác phẩm đương đại trên dưới nửa thế kỷ nhưng vẫn thu hút khán giả như: "Con gái chị Hằng", "Tấm lòng của biển", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt", "Nửa đời hương phấn", "Lá sầu riêng", "Cây sầu riêng trổ bông", "Pha lê và cát bụi", "Lỡ bước sang ngang", "Tìm lại cuộc đời", "Tiếng hò sông Hậu", "Khách sạn Hào Hoa", "Bông hồng cài áo"… Với bút pháp tài hoa, soạn giả của các vở tuồng đương đại này: Hà Triều - Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc, Mộc Linh, Nhị Kiều, Nguyễn Phương… cả đời dấn thân, trải nghiệm và hơn hết là trăn trở trước những vấn đề bức xúc đang đặt ra của cuộc sống, xã hội để tìm kiếm những mâu thuẫn cốt lõi đưa vào trang viết, khiến nghệ sĩ trình diễn khi chạm tới đều phải thả tâm sự của mình vào. Vì thế, họ đã làm nên những tuyệt phẩm có sự tích hợp độc đáo, khiến khán giả mãn nguyện.
Bình luận (0)