Trong bài "Cãi nhau như mổ bò" (saigonocean.com), tác giả Lại Thị Mơ viết: "Hồi nào tới giờ tôi cứ nghe người ta nói cãi nhau như mổ bò. Thật tình sống ở thành phố, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh mổ bò như thế nào nên cũng không hiểu tại sao khi mổ bò phải cãi nhau. Chắc là cãi nhau dữ lắm nên người ta mới ví như vậy".
Bài "VFF cãi nhau như mổ bò" (Báo Lao Động/năm 2012) có đoạn viết: "Điều ghi nhận đầu tiên tại hội nghị là cãi nhau "như mổ bò" bởi người nói có, người nói không, chẳng ai chịu ai…", "…người này vừa nói xong, người kia giơ tay xin "phản pháo", cứ như "mổ bò" làm nóng hội nghị ngay từ phút đầu".
Vậy, sao lại gọi "cãi nhau như mổ bò"? Các nhà biên soạn từ điển thu thập và giải thích: - "Thành ngữ tiếng Việt" (Nguyễn Lực - Lương Văn Đang): "Cãi nhau như mổ bò: Cãi nhau ầm ĩ, ồn ào. "Xem ra cũng chẳng đi đến đâu. Vẫn cãi nhau như mổ bò" (Nguyễn Địch Dũng, "Trai làng Quyền"). Gần nghĩa: "Cãi nhau như chém chả".
- "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (nhóm Vũ Dung): "Cãi nhau như mổ bò. Cãi nhau ầm ĩ".
- "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân): "Cãi nhau như mổ bò". Cãi nhau ầm ĩ <> Mấy người hàng thịt ở ngoài chợ cãi nhau như mổ bò". Tuy nhiên, tại sao lại "cãi nhau như mổ bò" thì vẫn chưa thấy sách nào giải thích.
Theo chúng tôi, để hiểu được nghĩa đen, phải đặt câu thành ngữ này vào hoàn cảnh kinh tế - xã hội thời xưa.
Trước đây, trâu bò được nuôi để lấy sức kéo chứ không phải lấy thịt ("Con trâu là đầu cơ nghiệp", "Lo trẻ mùa hè không bằng lo bò què tháng sáu"). Trâu bò đem mổ thịt phần lớn là những con đã già, loại thải, không còn khả năng cày kéo, sinh sản nữa.
Nếu mổ heo, mổ gà hay thịt con chó là việc trong phạm vi gia đình, họ hàng thì mổ trâu, mổ bò lại là việc lớn, việc của cả làng. Vì mổ trâu bò vốn không phải là việc thường xuyên nên kẻ lành nghề "tay dao tay thớt" cũng rất ít. Công việc này sẽ được thực hiện bởi dăm bảy người tạm gọi là biết việc, với sự phụ giúp của một số người khác. Từ việc ngáng chân, cột cổ con vật đến dùng búa tạ đập đầu gây choáng, rồi khẩn trương chọc tiết trước khi con vật tội nghiệp chết hẳn, đều là những việc không đơn giản. Càng đông người tham gia, càng xảy ra tình trạng "chín người mười ý". Bởi vậy, việc ầm ĩ, cãi cọ chuyện thường diễn ra ngay từ lúc bắt đầu công việc. Đến khi lột da, xẻ thịt con bò xong thì già trẻ trong làng cũng xúm đen xúm đỏ, vòng trong vòng ngoài ồn ào, ầm ĩ.
Xưa kia, thực phẩm vô cùng khan hiếm. Cá thịt rất ít khi xuất hiện trong bữa ăn thường ngày ("Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản"). Thế nên, hầu như không có bộ phận nào của con trâu, con bò bị bỏ đi. Lời tục ngữ "Cứt cá còn hơn lá rau", "Thịt thối còn hơn muối bùi" không hẳn là lối nói hoàn toàn ngoa dụ của dân gian. Các loại cứng như xương ống được đập vỡ ra để lấy tủy hoặc ninh xương đã đành, người ta còn ăn cả da trâu, da bò. Thậm chí khi da bò đã được đem đi bưng trống, những miếng vụn rơi ra từ phần da lạng mỏng cũng được các cụ dồn lại để "chế" thành món nhắm, gọi là cho có tí "chất thịt"!
Bởi vậy, khi làng mổ con bò, ai cũng muốn kiếm được một phần thịt, hay ít ra là một chút xương xẩu. Thịt loại ba, hay xương da, lòng bò, lá sách… là những thứ rẻ mà ngon nên luôn có nhiều người tranh nhau mua. Nếu là bò già, gầy yếu của hợp tác xã, được mổ để chia phần cho các xóm, thôn thì việc tranh cãi, thắc mắc càng quyết liệt, ồn ào như vỡ chợ.
Ấy chính là nghĩa đen của "Cãi nhau như mổ bò".
Theo đó, thành ngữ "Cãi nhau như mổ bò" thường được dùng với hàm ý chê: cãi nhau ầm ĩ, ồn ào, người này chưa dứt lời đã bị người kia vặc lại, chẳng ai chịu ai; ai cũng cho rằng mình đúng.
Ngày nay, trâu bò không còn nuôi lấy sức kéo mà chủ yếu để lấy thịt. Bên cạnh nghề chuyên mổ heo, cũng có thêm nghề chuyên mổ trâu bò, với nhiều công cụ hỗ trợ. Một nhóm 3-4 người lành nghề có thể giết mổ được vài ba con trâu, bò trong một đêm mà không gây ồn ào. Chuyện cãi cọ, tranh nhau mua bán, chia phần cũng không còn. Bởi vậy, "Cãi nhau như mổ bò" (dị bản "Cãi nhau như mổ trâu mổ bò") là thành ngữ mà nghĩa đen của nó không còn đúng với hiện tại nữa.
Bình luận (0)