xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cái tình còn mãi

Ngô Quốc Việt

Hồi xưa nghèo khó có người giúp thì bây giờ mình giúp được cho ai đó thì làm. TP HCM, cứ người với người thương nhau mà sống với nhau

Đứng trên những tòa cao ốc nhìn xuống, nhiều khi tôi lại hình dung Sài Gòn – TP HCM giống như một con tàu cao tốc đang vùn vụt lao về phía trước. Hôm qua khác, hôm nay khác và rồi ngày mai thành phố sẽ khác nhiều hơn.

Như nơi tôi đang đứng đây, ngày xưa cỏ dại mọc đầy, lác đác vài ngôi nhà thì bây giờ là một tổ hợp đô thị hiện đại bậc nhất của thành phố với khu căn hộ, trung tâm thương mại, công viên, trường học, bệnh viện... rộng hàng chục hecta, trải dài hơn cây số nằm cạnh bờ sông Sài Gòn. Hồi trước chỉ có cầu Sài Gòn và cầu Bình Triệu vượt sông Sài Gòn kết nối phía Đông thành phố thì bây giờ có thêm hầm chui Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm... rồi vài năm nữa là tuyến metro được vận hành nối liền Suối Tiên – Bến Thành. Thành phố luôn tiến về phía trước.

Cái tình còn mãi - Ảnh 1.

Diện mạo TP HCM thay đổi từng ngày từng giờ, như con tàu tiến về phía trước

Hai mươi năm trước, tôi trong dáng vẻ cậu học trò nhà quê lần đầu đặt chân đến thành phố nhìn đâu cũng lạ quá chừng, bỗng dưng đâm ra lo sợ. Sợ cảnh xe cộ nối đuôi nhau không ngớt trên đường, mỗi khi muốn qua đường cứ phải rụt rè, thậm thụt. Sợ đến trường trên xe buýt bị "dân giang hồ" chôm đồ móc túi. Sợ người thành thị sống bon chen, giành giật không giống người quê. Đó là do tôi nghe kể, xem qua tivi rồi đâm ra nghi hoặc cái thành phố hoa lệ này, chỉ biết tự an ủi mình cố gắng cho qua bốn năm đại học để trở về quê. Nhưng ở lâu rồi lại thấy thành phố cũng có rất nhiều thứ dễ thương.

Tôi đi học trường nằm ở quận 3, còn nhà trọ nằm ở quận Tân Bình nên hành trình mỗi ngày là xuyên qua con đường Cách Mạng Tháng 8. Nhiều hôm tôi đạp xe về "nắng muốn vỡ đầu" mà tiền không có, ngó bên đường thấy "trà đá miễn phí" vội vàng ghé lại. Uống rồi nhìn quanh cũng hổng thấy ai để ý đến mình. Tôi đem thắc mắc hỏi anh bạn cùng phòng. Anh cười: "TP HCM là vậy đó, không giúp thì thôi mà đã giúp rồi đâu cần hai tiếng cảm ơn".

Có bận tôi đi làm về khuya, bị đám con nghiện trấn lột hết tiền, về đến nhà trọ hồn vía còn ở trên mây. Hôm sau bà chủ nhà hay tin, tìm đến phòng hỏi han rồi cho khất tiền phòng. Mấy anh chị cùng dãy nhà trọ cũng xoắn tay vào giúp. Người cho mượn dăm ba chục ngàn. Người gói mì tôm, chai nước. Người nhắn nhủ tôi thôi chớ có buồn, của đi thay người. Tự nhiên thấy mình không hề bị bỏ rơi. Thành phố đủ sắc đủ màu, đủ các hạng người nhưng đâu nào vô cảm, dù rằng với người chỉ ở tạm một thời gian.

Tôi có anh bạn cùng quê, sau mấy mươi năm bươn chải ở thành phố đã trở thành thị dân thứ thiệt, cũng tích lũy cho mình số vốn kha khá, đủ sống phong lưu cả đời. Vậy mà mỗi lần gặp gỡ bạn bè vẫn cứ thích khoác lên mình quần short áo thun, ngồi quán vỉa hè. Sống riết ở TP HCM rồi anh lại thấy quen, chẳng hề nghĩ đến chuyện sang hèn, cứ xuề xòa mà cảm thấy vui, thấy thích. Nhưng nơi đâu có người cần giúp, anh lại sẵn sàng. Anh kêu mình mang ơn, mắc nợ thành phố này nên phải tìm cách trả ơn. Hồi xưa nghèo khó có người giúp thì bây giờ mình giúp được cho ai đó thì làm. TP HCM, cứ người với người thương nhau mà sống với nhau.

Mới gần đây khi đợt dịch Covid -19 bùng phát, đi giữa thành phố ngó bên này có cái ATM gạo cho người nghèo, ngó bên kia đang phát khẩu trang miễn phí, dung dịch rửa tay, cửa hàng O đồng  nằm ngay góc ngã tư. Công nhân ở trọ mùa dịch gặp nhiều khó khăn, chủ nhà xuống giá, có nơi còn miễn phí vài tháng tiền phòng. Xong lại đến đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung, người người góp tay giúp đỡ. Những chuyến xe chở hàng nhắm thẳng đến miền Trung. Lại thấy thành phố ấm tình người, chuyện giúp nhau đã thành truyền thống đẹp, ăn sâu vào máu.

Tôi rời TP HCM về một vùng đất khác để lập thân, nhưng cứ như duyên nợ với thành phố này để lâu lâu về lại. TP HCM luôn dang rộng vòng tay ôm lấy những con người đã, đang và sẽ đến với mình. Thành phố dẫu có đổi thay, mỗi ngày mỗi khác thì cái tình nơi đây còn mãi.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo