Hơn 25 năm trước, trong một quán cà phê cóc, Nguyễn Ngọc Hạnh đã đọc cho tôi nghe những bài thơ viết về làng quê, về con sông quê anh. Giờ gặp lại với "Lòng chưa cạn đêm sâu", qua những bài ký và những cảm nhận về thơ của anh, tôi sợ mình sẽ gặp lại những cảm xúc cũ với những dòng thơ mà ngày mình còn trẻ rất yêu quý anh. Nhưng sau những được mất dâu bể, tôi gặp lại Nguyễn Ngọc Hạnh, một tâm hồn thơ vẫn đậm đà mê đắm những vang vọng hương xưa: "Đừng để khi trở về nơi vườn cũ/ Tiếng chim lạ rồi, mất giọng thơ xưa". Đọc nhiều thơ của anh từ những ngày chúng tôi còn đi dạy học, cứ nghĩ anh khó thoát ra nỗi ám ảnh trong thơ về ngôi làng thân yêu của mình. Câu thơ "Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi" như một định mệnh của sáng tạo, không thể nào khác đi. Ngay cả khi viết văn, nguồn cảm xúc ấy khơi gợi đằm sâu nội cảm vẫn được khơi dẫn mạch nguồn từ quê quán ngày xưa.
"Lòng chưa cạn đêm sâu" của Nguyễn Ngọc Hạnh (NXB Đà Nẵng, 2019) gồm 2 phần. Phần 1, gồm 28 bài bút ký, phê bình của tác giả. Phần 2, gần nửa tập sách là bài của nhiều nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước viết về thế giới thi ca của Nguyễn Ngọc Hạnh. Từ "Một ngày quê mẹ", "Về quê", "Không đâu bằng chốn quê nhà" đều là những cảm xúc từ những hình ảnh in đậm trong ký ức về quê hương Đại Hồng thao thiết của anh, cái làng có dâu tằm biêng biếc, bánh tráng cuốn thô mộc đã trở thành thương hiệu, trái bòn bon trong truyền thuyết những ngày lánh nạn của Nguyễn Ánh… Ngay cả một tiếng chim quê cũng mang nặng cảm thức quy hồi, đồng vọng trong giai điệu của Trần Tiến với nỗi cô đơn của lữ khách đang dặm trường xuôi ngược. Và làng Bảo An quê ngoại - vùng văn hóa của những tài danh xứ Quảng như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Khôi, Lê Đình Dương, Trần Quý Cáp… mà tấm lòng cương trực tận trung với nước còn sáng ngời bất tử trên cổ lục.
Sách “Lòng chưa cạn đêm sâu” của Nguyễn Ngọc Hạnh vừa “ra lò”
Và những bút ký khác như viết về bà cháu Thiện Nhân với những tấm lòng thơm thảo chở che trong câu chuyện cổ tích đời thường; đặc biệt là "Buôn gánh", câu chuyện của một người phụ nữ vốn là cơ sở cách mạng trước 1975 hoạt động dưới vỏ bọc hợp pháp nội thành biết từ bỏ hư danh để trở về sống bằng chính đời sống của một công dân đầy tự trọng. Những bút ký nhân vật của Nguyễn Ngọc Hạnh vừa có tính báo chí nhưng vẫn thấp thoáng sự ngọt ngào của văn chương, bàng bạc trong đó là nỗi lòng trắc ẩn yêu thương với những số phận có phần đắng cay của tác giả...
Trong mảng cảm nhận và ký sự nhân vật văn học, Nguyễn Ngọc Hạnh luôn đặt mối quan tâm hàng đầu về chủ đề làng quê trong tâm thức của thi sĩ. Với "Hồn thơ Bùi Xuân", xao xác một hình ảnh mẹ "Trơ trọi một mình/ Biết lấy ai làm giàn bầu giàn bí/ Mẹ nhặt nhạnh quanh vườn nhánh gai lẻ củi/ Làm một giàn khổ qua…". Đôi khi anh thương lạ hình ảnh Bùi Xuân "ra phố cứ lớ ngớ, lớ ngớ, dường như ngần ngại cái hồn quê bay mất". Cái lớ ngớ thất tha thất thểu ấy, không biết tác giả thương cho Bùi Xuân hay thương lấy mình? Trong "Kéo co với mùa xuân" của Nguyễn Kim Huy là một góc khác, thật ra nhà thơ đang kéo co với nhiều thứ, mùa xuân là hình ảnh đầy ẩn dụ nhưng với Nguyễn Ngọc Hạnh, anh đụng ngay với nỗi rung động kỳ lạ như khi tìm thấy trong thơ nỗi lòng tri kỷ, "nói đúng hơn là Nguyễn Kim Huy đang kéo co với thế giới thi ca mình bằng chính ký ức sâu nặng quê kiểng và cảm thức hồn nhiên chân thực của đời mình, có thể đó là cách duy nhất để tìm lại thời thơ dại". Anh từng đứng ra tổ chức một đêm thơ Phùng Quán trong lần tác giả "Vượt Côn Đảo" ghé thăm Điện Bàn, anh không ngần ngại đặt tên cho đêm thơ ấy là "Tạ làng"… Tạ đất làng quê, tạ ơn lá cây, ngọn cỏ, bát cơm Phiếu mẫu, đất quê thấm đẫm máu anh hùng… Bàng bạc nhưng lấp lánh trong những bài ký sự nhân vật văn học của Nguyễn Ngọc Hạnh khi anh viết về các nhà thơ Hoàng Tư Thiện, Trần Khắc Tám, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Long, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Diệp Chí Huy, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng… đều vương vấn nỗi niềm quê kiểng bởi chính Nguyễn Ngọc Hạnh luôn đồng vọng trong sâu thẳm một khát vọng sông quê, làng quê của mình trong tâm thức.
Trong phần 2 - Tác phẩm và dư luận của "Lòng chưa cạn đêm sâu" với 30 bài của các nhà phê bình, nhà thơ, nhà báo khắp cả nước. Các tác giả bằng nhiều góc nhìn và những cách tiếp cận văn bản khác nhau đã phác họa nên chân dung thơ Nguyễn Ngọc Hạnh với những khía cạnh rất riêng, một hồn thơ trước hiệu ứng thời gian nhưng chưa bao giờ cạn kiệt cảm xúc.
Bình luận (0)