Bộ phim bị chê vì cách khắc họa sai lệch, thiển cận về hôn nhân. Còn tại giải Mâm xôi vàng, phim "365 Days" của Ba Lan nhận được... 6 đề cử và một giải cho Kịch bản tệ nhất. Phim "365 Days" bị nhiều chỉ trích vì đã lãng mạn hóa việc bắt cóc, cưỡng hiếp và bạo hành tình dục đối với phụ nữ.
Tại Việt Nam, một số nền tảng phim Việt cũng bắt đầu dễ dãi hơn trong việc thực hiện những bộ phim độc quyền. Khi mùa 1 phim "Gái ngàn đô" vừa kết thúc và "Sugar daddy & Sugar baby" được giới thiệu, nhiều người xem tỏ ra khá bất ngờ vì trong phim có nhiều cảnh "nóng", miêu tả khá trần trụi công việc của những cô gái bán dâm cao cấp, khai thác mối quan hệ trá hình giữa "sugar daddy" và "sugar baby".
Một cảnh trong phim "Sugar daddy & Sugar baby". Ảnh: Ngọc Diễm
Dù đã qua khâu kiểm duyệt nhưng "Gái ngàn đô", "Sugar daddy & Sugar baby" vẫn xuất hiện dày đặc cảnh nhạy cảm. So với các phim điện ảnh chiếu rạp được Hội đồng Duyệt phim quốc gia thuộc Cục Điện ảnh kiểm duyệt như "Chị chị, em em" hay "Tiệc trăng máu" (cùng dán 18+), mức độ táo bạo trong 2 phim nêu trên đã vượt nhiều lần.
Những bộ phim web-drama (phim chiếu mạng) trên các nền tảng thu phí hoặc miễn phí dù được gắn nhãn 18+ vẫn khó bảo đảm người xem đúng độ tuổi quy định. Do vậy, những "thảm họa điện ảnh" ở nền tảng thu phí nước ngoài hay Việt Nam đều tác động không nhỏ đến khán giả, nhất là người trẻ.
Nhà biên kịch Đông Hoa nhận định: "Khán giả trẻ thường tò mò khi đọc các thông tin giới thiệu về phim. Đọc tựa phim, họ cũng dễ bị kích thích và tìm hiểu. Các nền tảng thu phí chăm chăm khai thác những đề tài nhạy cảm cũng chỉ muốn tạo sự chú ý, thu hút nhiều khán giả đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, chúng không hề an toàn với khán giả vì khi phim đã đăng lên mạng, các trang lậu sẽ lập tức tải về khai thác, ai muốn xem cũng được, không giới hạn tuổi. Những người trẻ tiếp thu quá nhiều dạng phim như thế sẽ bị tác động tiêu cực, nên cần có sự quan tâm nhiều hơn từ cơ quan quản lý. Không thể chỉ dựa vào việc dán nhãn 18+ là có thể vượt kiểm duyệt, cho các cảnh nhạy cảm xuất hiện nhiều trong những phim này".
Nhà báo Cát Vũ cho rằng các nền tảng trực tuyến và nhà làm phim sẽ tập trung khai thác cảnh nhạy cảm để lôi kéo người xem. Theo bà, nếu muốn cấm hoặc hạn chế cảnh "nóng", chỉ có thể trông chờ cơ quan quản lý có những quy định cụ thể, đồng nhất trong Luật Điện ảnh về chế độ kiểm duyệt dành cho các phim trên mạng, kể cả trên nền tảng thu phí hoặc miễn phí.
"Đối với những phim nước ngoài mà nội dung bị chê dở, sử dụng cảnh nhạy cảm để thu hút khán giả là chủ yếu, không mang đến giá trị hay thông điệp tích cực nào thì cơ quan quản lý cũng nên đề nghị phía nền tảng đăng tải gỡ khỏi khu vực phục vụ khán giả Việt Nam. Chúng ta đã gỡ được những phim có "đường lưỡi bò" phi pháp trên Netflix thì cũng có thể hạn chế những "thảm họa điện ảnh" có nguy cơ làm tha hóa con người, đầu độc thế hệ tương lai với chuyện tình dục, bình thường hóa việc ngoại tình, chuyện phòng the..." - nhà báo Cát Vũ đề xuất.
Bình luận (0)