Liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng các quỹ điện ảnh khu vực và thế giới thường mở ra cơ hội cho nhà làm phim hiện thực hóa phim nhanh hơn. Tuy nhiên, đến giờ Việt Nam vẫn đứng ngoài sự hỗ trợ điện ảnh từ những quỹ như thế.
Điều khó khăn hiện nay là vấn đề nguồn kinh phí để vận hành quỹ. Một số ý kiến đề xuất nên trích từ phần trăm tiền bán vé xem phim của các rạp để tạo nguồn cho quỹ nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất ở các bộ, ngành liên quan.
Đạo diễn Phan Đăng Di góp ý: "Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần phải do nhà nước cấp kinh phí, được nhà chuyên môn điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ phim của nhà làm phim trẻ, nhất là phim đầu tay. Trong luật hiện nay không có điều khoản nào có thể cho phép dùng ngân sách nhà nước làm những phim đậm tính nghệ thuật để mang đi tranh giải tại các liên hoan phim. Nếu không có quỹ để thay thế cho mục đích đó sẽ dẫn đến việc nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh Việt Nam, xác lập vị thế văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế".
Tọa đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” 2. Nguồn ảnh: Fanpage Xinê House
Về vấn đề tham gia các liên hoan phim nước ngoài, đạo diễn Phan Đăng Di đề nghị cần có một cơ chế duyệt riêng cho các phim Việt để được các liên hoan phim quốc tế uy tín lựa chọn tranh giải. Nghĩa là, cần thành lập một hội đồng duyệt độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với bộ tiêu chí riêng để duyệt các phim này, cấp "visa" cho phim kịp thời đến liên hoan phim tham dự theo các lời mời, ngay cả khi phim chưa ra bản cuối. Đây không phải giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam và chỉ có giá trị giúp phim tham gia các liên hoan phim quốc tế phù hợp quy định. Nếu muốn phát hành tại rạp Việt Nam, các phim này vẫn phải chịu kiểm duyệt theo quy định thông thường...
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, về vấn đề hợp tác sản xuất với nước ngoài, các nhà làm phim đề nghị bãi bỏ cơ chế duyệt trước kịch bản; nên chuyển thành nhà sản xuất phía Việt Nam đứng ra cam kết không vi phạm quy định của Luật Điện ảnh, pháp luật Việt Nam trong quá trình thực hiện. Đây là giải pháp cho thực trạng ngày càng nhiều thành viên người nước ngoài trong ê-kíp sản xuất hoặc các nhà sản xuất nước ngoài tìm đến hợp tác, cung cấp vốn sau khi phim bấm máy.
Bình luận (0)