xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần tôn trọng tác giả Trịnh Công Sơn

Lê Minh Quốc

Thời sự mới nhất liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người quan tâm có lẽ là trường hợp một video clip ghi lại cảnh cô gái hát một ca khúc của ông với nhạc đệm guitar mộc thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ và bình luận; nhiều báo, trang mạng điện tử cũng đưa tin mấy ngày qua.

Có điều tựa ca khúc này được ghi khác nhau: "Ta đã thấy gì trong đêm nay", "Ta thấy gì đêm nay", "Ta đã thấy gì đêm nay". Tra Google cũng cho ra nhiều cách ghi khác nhau: "Ta thấy gì đêm nay", "Ta đã thấy gì đêm nay", "Ta đã thấy gì trong đêm nay".

Vậy tựa nào mới đúng của tác giả?

Xét về ngữ nghĩa, "Ta đã thấy gì đêm nay" là nói đến một sự việc đã diễn ra, do chứng kiến nên tác giả ghi nhận được, đó là: "Cờ bay trăm ngọn cờ bay", "Hòa bình bay về muôn hướng", "Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên", "Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng"... Những hình ảnh khái quát của sự đoàn tụ, sum vầy, không còn hận thù ngăn cách. Nói cách khác đây là sự việc đã diễn ra với tất cả hình ảnh, thông tin cụ thể.

"Ta đã thấy gì trong đêm nay" là cũng một ngụ ý tương tự vừa nêu trên, có điều với từ "trong" như một cách nhấn mạnh về một khoảng thời gian cụ thể với những gì đã diễn ra trong đêm ấy.

Cả 2 tựa này đều không hợp lý ở chỗ xét về thời điểm sáng tác cụ thể, Trịnh Công Sơn viết vào năm 1968 (hoặc cũng có thể trước đó 1-2 năm). Bấy giờ, chiến tranh đang ngày một dữ dội, khốc liệt, chưa có dấu hiệu ngày kết thúc đến gần để từ đó, có thể diễn ra hoàn cảnh "đã thấy" với các dữ kiện như "Mặt đất rung rinh bước triệu người. Phá ngục tù đi dựng ngày mới"… Xét từ thời sự, từ thời điểm bấy giờ, những hành động cụ thể này chưa thể diễn ra. Do đó, nếu nói "đã thấy" là không có thật.

Cần tôn trọng tác giả Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

Căn cứ vào tập ca khúc "Kinh Việt Nam" của Trịnh Công Sơn do Đinh Cường vẽ bìa, Bửu Chỉ minh họa, Nhân Bản xuất bản năm 1970, ta thấy bài hát đề tựa "Ta thấy gì đêm nay".

Đó là đêm ông chờ đợi ngày mai và viết rõ suy nghĩ của mình: "Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình. Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một Tổ quốc đích thực. Xin hãy dừng tay để được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan. Ðể cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa. Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ".

Thế thì, "Ta thấy gì đêm nay" là nói đến sự việc sẽ diễn ra. Nó diễn ra thế nào? Đừng lấy bất kỳ một sự kiện cụ thể nào để so sánh, đối chiếu, đơn giản chỉ vì nó chưa diễn ra trong hiện thực. Cái sự "thấy" trong tựa ca khúc này chính là tác giả "thấy" từ trong nội tâm, "thấy" từ tâm tưởng, từ nhận thức của chính mình mà ông đang hướng đến, hy vọng nó sẽ đến. Nói cách khác, "thấy" ở đây là thấy trong trí tưởng tượng và thấy từ niềm tin của tác giả. Nếu "đã thấy" như đã phân tích thì hoàn toàn không hợp lý, làm gì đã diễn ra mà tác giả miêu tả lại?

Vì lẽ đó, khi Trịnh Công Sơn đặt tựa "Ta thấy gì đêm nay" là hợp lý, hợp tình hơn cả. Hợp ở đây vì nó đã nói lên được ước vọng của ông đang hướng đến ngày mai sẽ như thế, sẽ là thế.

Tóm lại, một khi đặt từ "đã thấy" trong ca khúc này là hiểu sai lệch cảm hứng sáng tác của Trịnh Công Sơn. Phải nói thêm rằng dù tựa "Ta thấy gì đêm nay" nhưng toàn bộ ca từ, kể cả câu mở đầu vẫn là "Ta đã thấy gì trong đêm nay", vì rằng trong sáng tạo nghệ thuật, cho phép người nghệ sĩ có quyền bay bổng, ước mơ với điều chưa xảy ra, còn nằm ở phía tương lai. Và trong quá trình sáng tác bằng sự linh cảm, họ đã nhìn thấy điều sẽ xảy ra, thông qua trí tưởng tượng của mình. Chính Trịnh Công Sơn đã nói rõ trong phần mở đầu tập nhạc "Kinh Việt Nam" có in ca khúc "Ta thấy gì đêm nay": "Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ".

Cần tôn trọng tác giả Trịnh Công Sơn - Ảnh 2.

Cuốn nhạc “Kinh Việt Nam” của Trịnh Công Sơn xuất bản năm 1970 và bài “Ta thấy gì đêm nay” in trong cuốn nhạc này. (Ảnh chụp từ văn bản)

Không riêng gì ca khúc "Ta thấy gì đêm nay", tình trạng ghi sai tên ca khúc, sai lời ca khúc là khá phổ biến hiện nay, khi những bản nhạc gốc không còn được phổ biến, thay vào đó là những ca khúc số hóa với rất nhiều dị bản tồn tại ở nhiều phương tiện tìm kiếm trên internet. Ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhà thơ Đằng Giao có ít nhất 3 tên khác nhau trên công cụ tìm kiếm Google: "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Câu hò trên bến Hiền Lương"…

Thiết nghĩ, về tựa một ca khúc hoặc ca từ sau khi đã công bố, người duy nhất có quyền chỉnh sửa, thay đổi vẫn chính là tác giả. Quyền này đã được luật định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Người sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng bản quyền của tác giả, không thể thay đổi tùy hứng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo