Có lẽ, chưa có cuộc triển lãm nào lại nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của đông đảo công chúng như triển lãm "Câu chuyện từ chiếc máy ảnh" đang diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM), khai mạc sáng 9-7.
Lòng quả cảm của một nhà báo
Chuyên đề triển lãm đặc biệt này do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 203 năm ngày lễ độc lập nước Cộng hòa Argentina, nhằm giới thiệu đến người xem những bức ảnh quý của 2 thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh trong một gia đình, đó là nhà báo chiến trường Ignacio Ezcurra - người Argentina và cháu ngoại của ông là Luisa Duggan.
Nhà báo chiến trường Ignacio Ezcurra - người Argentina
Điều gì khiến người xem xúc động và đã giữ chân họ ở lại rất lâu trước hơn 130 bức ảnh, hiện vật quý về đất nước và con người Việt Nam phải chăng là trái tim nồng nàn của cả 2 ông cháu dành cho miền đất mà trong tâm trí của họ đã chịu nhiều mất mát, đau thương.
Đông đảo du khách đến xem triển lãm “Câu chuyện từ chiếc máy ảnh” sáng 9-7
Nhà báo Ignacio Ezcurra sinh năm 1939 ở San Isidro - Argentina. Ông được biết đến nhiều nhất qua những tác phẩm báo chí viết cho tờ La Nación khi còn là phóng viên chiến trường tại Việt Nam.
Bà Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trao thư cảm ơn đến cháu ngoại của nhà báo Ignacio Ezcurra
Thời chiến tranh Việt Nam, rất nhiều phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam để làm nhiệm vụ đưa tin về cuộc chiến. Nhà báo Ignacio Ezcurra lại xung phong đến đất nước Việt Nam, dù đã có nhiều lời can ngăn rằng: "Anh đang quyết định tự sát".
Hiện vật mà gia đình nhà báo Ignacio Ezcurra tặng cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Cô Luisa Duggan tâm sự trong ngày khai mạc triển lãm: "Ông tôi đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh ác liệt năm Mậu Thân 1968 từ sự tò mò thôi thúc như lời ông tâm sự với bà cố của tôi: Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì đang diễn ra, bởi có gì đó không đúng với những điều họ đang nói, con muốn đến đó và mang về sự thật...".
Ông đã có mặt ở Việt Nam và in dấu chân mình lên những mặt trận nóng bỏng nhất tại Huế và Sài Gòn vào năm 1968 với chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3.
Người xem thú vị trước những bức ảnh đen trắng ông chụp cầu Tràng Tiền - Huế bị cắt đôi, chìm nửa thân dưới dòng sông Hương. Hoặc những người lính Mỹ ngơ ngác trước hình ảnh tan hoang của cuộc chiến, mà xa xa là những trẻ em Việt Nam nhìn họ đầy sợ hãi.
Ngày 8-5-1968, ông mất tích ở Sài Gòn. Những kỷ vật của ông được chuyển về cho gia đình, trong đó có chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3. Qua các bức ảnh ông Ignacio Ezcurra đã chụp ở Việt Nam, câu chuyện thời chiến đã được khắc họa với nhiều góc cạnh khác nhau. Đó chính là điều đã níu giữ người xem dừng lại trân trọng nhìn ngắm chiếc máy ảnh của ông được đặt trang trọng tại cuộc triển lãm này.
Tư liệu quý cho thế hệ mai sau
Cô Luisa Duggan sau 50 năm đã tìm đến Việt Nam để khám phá và ghi lại những cảm xúc cũng bằng chính chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3 của ông mình.
Cô nói: "Với tôi và thế hệ của tôi, chiếc máy ảnh của ông tôi là một chứng tích vô giá. Qua chiếc máy ảnh này, tôi có thể thấy những khoảnh khắc của những năm 1960 đã được ông ghi lại. Chính ông tôi là niềm cảm hứng để tôi khám phá đất nước Việt Nam".
Tuy chỉ đến Việt Nam trong thời gian ngắn và không để lại những sưu tập đồ sộ về di sản báo chí trong thời chiến tranh Việt Nam nhưng những hình ảnh của nhà báo Ignacio ghi lại là những mảnh ghép quan trọng về cuộc chiến, mảnh ghép ấy nói lên rằng: Chiến tranh luôn khốc liệt.
Khốc liệt khi ông mô tả về một trận càn của Mỹ ở thung lũng A Sầu (Thừa Thiên - Huế), nơi Mỹ tập trung hỏa lực mạnh, ném bom B52 để đánh phá, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh trong năm 1968. Với ông, Mỹ xâm lược Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa, do đó, những người lính Mỹ tham gia chiến trận chẳng những không có niềm tin mà họ còn luôn bị ám ảnh và sợ hãi.
Những bức ảnh của Ignacio còn cho thấy người dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan trong bom đạn, khi khói lửa qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Ông Ignacio đã để lại nhiều di sản quan trọng cho các thế hệ làm báo sau này. Các bài viết và cuốn sách "Hasta Việt Nam" (đến Việt Nam) của ông được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường báo chí ở Argentina và Mỹ Latin. 50 năm sau ngày mất của Ignacio, gia đình ông đã đến Việt Nam. Cô Luisa Duggan đã đại diện gia đình trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh những kỷ vật của nhà báo Ignacio để trưng bày tại đây, trong đó có chiếc máy ảnh và máy đánh chữ.
Cuộc tìm về và tưởng nhớ sau 50 năm
Những hình ảnh của chuyến đi này đã được cô cháu ngoại Luisa Duggan ghi lại bằng cảm xúc của một cuộc tìm về và tưởng nhớ sau 50 năm, cũng từ chiếc máy ảnh Ignacio để lại. Luisa kể: "... Từ khi còn nhỏ, chiếc Pentax Honeywell H3 luôn cùng tôi trên mọi nẻo đường. Nó khá nặng, chụp chậm, khó điều khiển... nhưng tôi biết nó đã cùng ông tôi ra chiến trường và trở lại với gia đình mà không có ông. "Nhà mình sẽ đến Sài Gòn khi tròn 50 năm Ignacio Ezcurra qua đời, con muốn đi không?" - mẹ tôi hỏi tôi 2 năm trước, cũng có thể là hỏi chiếc Pentax. Cả tôi và chiếc Pentax đều đồng ý. Và chiếc máy ảnh là thứ đầu tiên tôi cho vào hành lý của mình. Bây giờ tôi mới nhận ra, chính chiếc Pentax đã đưa tôi đến với Việt Nam, một đất nước không giống như trong tưởng tượng của chúng tôi, nơi đây không có kẻ thù, chỉ có những con người thân thiện, vui vẻ và tình cảm".
Bình luận (0)