Tranh luận cũng nhiều, ý kiến chỉ trích cũng không ít nhưng những ca khúc V-pop có tiêu đề gây sốc xuất hiện ngày một nhiều. Trong đó, có những cái tên thô thiển, gây cảm giác khó chịu, thậm chí còn bị cho là thô tục. Nhiều ý kiến của người trẻ trong giới cho rằng trong thời đại câu view, nếu câu nệ quá, có khi là lỗi thời.
Bất chấp, miễn ăn khách
Màu sắc âm nhạc gần gũi, hình ảnh đơn giản và chất lượng, MV (video ca nhạc) có cái tên gây sốc chẳng phản ánh đúng nội dung "Anh đếch cần gì ngoài em" của tác giả Đen Vâu kết hợp cùng Thái Vũ và đạo diễn Thành Đồng đã đạt 2,3 triệu lượt xem, giữ vị trí đầu bảng trên Top Trending YouTube sau hơn 1 ngày ra mắt. Dễ hiểu khán giả dành tình cảm cho ca khúc này nhiều đến thế nào khi bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, mộc mạc, lời bài hát và đoạn rap có ca từ "ngôn tình". Phần hình ảnh bám sát đúng tinh thần bài hát, được thực hiện đơn giản, mang màu sắc retro (cổ điển) chủ đạo từ bối cảnh tới trang phục. Ngay sau khi ra mắt, MV này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn từ phía người hâm mộ, thậm chí còn trở thành "hiện tượng" mới của V-pop trong tháng 11.
Hình ảnh trong MV “Anh đếch cần gì ngoài em” (Ảnh cắt từ màn hình)
Thế nhưng, ca khúc cũng vấp phải ý kiến trái chiều khi tựa đề bài hát có sử dụng từ ngữ phản văn hóa. "Đếch" là từ cửa miệng, mang tính đường phố được sử dụng khi ai đó tỏ thái độ tiêu cực, hoàn toàn không phù hợp trong một tác phẩm nghệ thuật, nhất là trong tiêu đề bài hát, gây phản cảm.
Một danh sách dài những tên bài hát gây tranh cãi vì "độc, lạ" mà chủ nhân của nó cố tình quảng bá, diễn giải theo cách dẫn dắt dư luận vào cuộc để câu view: "Như lời đồn" của Bảo Anh, "Như cái lò" của Khắc Hưng… Chính ca sĩ Bảo Anh sau khi phát hành sản phẩm đã nhắn nhủ khán giả: "Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức". Ca khúc "Như lời đồn" đã nhanh chóng gây được chú ý nhờ kích thích sự tò mò của khán giả ngay từ tiêu đề.
Ca khúc "Như cái lò" của Khắc Hưng, dù đạt hơn 500.000 lượt xem chỉ sau 2 ngày ra mắt, nhưng lượng dislike (ghét bỏ) MV này lại gần gấp đôi lượng yêu thích. Phía dưới là vô số bình luận chê bai ca khúc, thậm chí là chỉ trích thậm tệ vì cho là ca từ vô nghĩa đến mức nhảm nhí. Từ đầu đến cuối bài hát cứ thấy lặp đi lặp lại câu "nóng như cái lò, nóng nóng như cái lò". Nhiều ý kiến cho rằng tiêu đề ca khúc được ê-kíp cố tình viết tắt "NCL" khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh bậy bạ. "Thu dẩm" (sáng tác: LK),… cũng là tựa ca khúc khó hiểu khiến công chúng ít nhiều hoang mang.
Cạn nghĩ trong góc nhìn văn hóa
#DML, #NLD, #NCL là những cụm từ dễ gây chú ý, nhưng yêu cầu đầu tiên của một sản phẩm nghệ thuật là phải đẹp và văn minh, từ nội dung đến hình thức. Nhạc sĩ và cả ca sĩ đang miệt mài chạy theo hiệu ứng viral, những tham vọng lớn về mặt truyền thông đã phần nào cho thấy sự cạn nghĩ trong góc nhìn văn hóa của người làm nghệ thuật.
Chính tác giả của các ca khúc này đều thừa nhận họ viết nhạc và hát vì các bạn trẻ, vì vui vẻ và không nghĩ nhiều đến thế. Thế nhưng, thật khó để nói những cái tên ca khúc kiểu này là bình thường được.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tỏ ra gay gắt với cách đặt tiêu đề bài hát như vậy: "Một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, nội dung ý nghĩa và cả cái tên mới là sự hoàn mỹ. Những người sáng tác phải có trách nhiệm miêu tả cái đẹp, tôn vinh và gìn giữ cái đẹp để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp và đến hành vi đẹp, lối sống đẹp".
Nhiều người trong giới cũng thừa nhận những cái tựa đề kiểu gây sốc chỉ là cách để gây tò mò cho công chúng, gây tranh luận và tăng view. Nhưng theo họ, mong muốn bài hát được chú ý đến mức phải đánh đổi cả sĩ diện của người làm nghệ thuật lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát thì liệu có đáng không. Những bài hát với những cái tựa như thế mang lại thông điệp gì cho người trẻ?
Thực tế, những bài hát có tựa đề gây tranh cãi nhận lượng dislike không ít so với lượt yêu thích. Người trong giới cũng cho rằng những ca khúc này chưa hoàn thành nhiệm vụ của một tác phẩm âm nhạc mà chỉ đơn thuần là sản phẩm mang màu sắc chiêu trò câu view một cách phản cảm. Nhạc sĩ Dương Cầm từng tuyên bố: "Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên ca khúc kích động như vậy. Nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc".
Quan trọng là giá trị đích thực của tác phẩm
"Âm nhạc cần sự hội nhập và học hỏi cái mới, nhưng dung hòa và vận dụng như thế nào để không bị phản cảm và giữ được bản sắc văn hóa mới là điều quan trọng" - nhạc sĩ Quốc Bảo nói. Hơn hết, "âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn làm đẹp tâm hồn con người, đặc biệt là giới trẻ" - ca sĩ Hà Anh Tuấn nêu quan điểm. Không thể kể hết những tác phẩm âm nhạc thi vị ngay từ lời tựa đến nội dung. "Nhạc cũng chính là họa, là thi ca" - nhạc sĩ Dương Thụ nhận định. Minh chứng là những bản tình ca say đắm lòng người vẫn trở thành những "hiện tượng" trong lòng khán giả yêu nhạc. Suy cho cùng, điều quan trọng của âm nhạc vẫn là giá trị đích thực của tác phẩm.
Bình luận (0)