Làng tôi nằm ven nhánh sông dẫn về hạ lưu sông Cái, bên này thôn Bình Chính, bên kia thôn An Thổ. Cái xứ khỉ ho cò gáy lại là rốn lũ với bao mảnh đời cơ cực sống lay lắt nhờ vào những doi đất trồng khoai thay gạo cho mùa mưa lụt kéo dài, ruộng lúa bên lở bên bồi không gieo sạ được.
Những năm cuối thập niên 1980 trở về trước, lối đi lại duy nhất giữa hai thôn là đường sông. Từ bên này qua bên kia sông chỉ hơn 70 m nhưng là nỗi ám ảnh khi phải di chuyển bằng sõng. Vào mùa mưa lũ, sõng chòng chành dưới con nước xoáy đã bao lần khiến đám trẻ chúng tôi thót tim.
Năm tôi lên 4, lên 5 gì đó, cầu tre chính thức được bắc nối hai thôn, lấy tên là Cửa Tả - gọi theo cửa Tả, tức phía Bắc của thành An Thổ. Nói rõ thêm, thành An Thổ có 4 cửa quay về 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc với các tên cửa tiền, cửa hậu, cửa hữu và cửa tả. Thành An Thổ được xây dựng năm 1832-1836 dưới thời vua Minh Mạng, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên và phủ Tuy An từ năm 1899 đến cuối thập niên 1930. Nơi đây lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm và cũng là nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Chiếc cầu quê hương chứng kiến lễ cưới của bao đôi lứa
Những năm đói kém, bà con trong làng góp công cùng với chính quyền địa phương làm cầu. Những trụ bê-tông khá kiên cố được xây lên, bên trên dùng tre già bắc qua, bện vỉ tre thả lên rồi cột lại. Vỉ tre hỏng đến đâu thay đến đó, nhà ai có thì tự giác đóng góp chẳng tiếc của. Mùa mưa lũ đến, nước có thể dâng ngập cầu, người trong làng tháo vỉ tre, vừa không cho người qua lại để bảo đảm an toàn vừa không để nước cuốn vỉ tre, đến khi nước rút thì mang ra cột lại.
Có cầu tre, người lớn yên tâm khi con cái đi học. Riêng đám trẻ thì khoái chí lắm, vào hè, trưa nào cũng hú nhau ra sông tắm. Lúc bấy giờ nước sông trong vắt, hàng tre hai bên mé sông che nắng mát rượi. Đám con nít chúng tôi còn trổ tài bơi thi, chán thì leo lên cầu nhảy xuống sông, đứa nào nhảy xa hơn sẽ được đứa thua cõng mấy vòng dưới nước.
Năm đó cả xã chỉ có một cái tivi hộc kéo do hợp tác xã quản lý. Có cầu tre, sẩm tối, người từ các làng khác xách đèn dầu tự chế hoặc đốt đuốc đổ về thành An Thổ coi cải lương. Về sau, tuần nào cũng có đoàn cải lương về dựng rạp trong thành hoặc có chiếu phim, người đi xem đông như hội. Nhất là những đêm sáng trăng, bà con đi thành từng đoàn, từng tốp trên cầu. Mấy anh choai choai nghịch dại, cố tình nhún nhảy cho đoạn nhịp cầu oằn xuống, có lần làm hai người cùng rơi do mất thăng bằng. Có người đi trước bị người đi sau giẫm gót làm rơi dép xuống nước. Kẻ mất dép khóc còn hơn lúc xem "Đời cô Lựu".
Nhiều năm sau, thấy vỉ tre trơn trượt, bà con trong làng cho thay bằng những miếng ván tạp chắp vá, vậy mà cũng qua được mấy mùa mưa nắng, nhờ đó giảm tai nạn. Trong số các vụ tai nạn, có em học sinh lớp 4 trên đường đến trường trượt chân rơi xuống cầu, mấy ngày sau mới tìm được thi thể. Từ vụ tai nạn thương tâm đó, bà con gần xa hỗ trợ tiền dựng lan can sắt.
Tháng 3 năm nay, cây cầu bê-tông đã được chính thức khởi công từ nhiều nguồn đóng góp. Ngày khởi công, bà con gần xa tập trung đông đúc như để chứng kiến lần nữa sự đổi thay của làng, của một chiếc cầu để lại trong lòng người xa quê nhiều cung bậc cảm xúc, cũng để không quên ký ức vui buồn, mất mát và đau thương.
Ba thường kể chuyện xưa trong làng. Từ chuyện cây cầu tre đến chuyện ra đi, trở về của người lính, những chuyện mà người trong cuộc không muốn vẫn cứ nhớ. Sao ngày xưa ba không chịu về thị xã Tuy Hòa? Có lần tôi cắt ngang câu chuyện của ba với câu hỏi này. Dưới ráng chiều, ba trầm tư và… im lặng. Lớn lên chút nữa, phần nào tôi hiểu lựa chọn của ba - về là về với cố xứ, trút bỏ tất cả để trở về sống đời thanh bần.
Mấy mươi năm, có thể quên nhiều thứ nhưng thanh âm bật rền vang đến cuối làng từ những thanh tre mỗi lần xe qua cầu vẫn còn vẹn nguyên. Phải chăng đó là thứ âm thanh gợi cảm xúc của quá khứ, của ký ức khắc khoải?
Chứng nhân của sự chia xa, đoàn tụ
Bon chen được mất, nhục vinh rồi cũng quay về. Ra đi có nhiều ngả nhưng thường khi cũng chỉ một lối để về. Lần về quê, tôi thường dắt con ra cầu ngồi bên lũy tre, kể con nghe về chiếc cầu đã cũ, về những mảnh đời cần lao ở xứ này. Hy vọng những mẩu chuyện nhỏ nhưng sẽ là đốm lửa hun đúc, bồi đắp tình yêu quê hương, luôn nhớ nguồn cội. Cây cầu tre năm nào là chứng nhân của những cuộc đoàn tụ và chia xa, nước mắt và nụ cười. Cũng cây cầu ấy là nơi những mẹ già hom hem ngồi khóc con biền biệt chưa về.
Bình luận (0)