Soạn giả Trọng Nguyễn và nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiên Hùng
Theo gia đình soạn giả Trọng Nguyễn, cách đây một tháng, ông bị té ngã và gãy chân phải. Sau khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định nên ông về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều trị căn bệnh viêm phổi.
Dù được đội ngũ y bác sĩ giỏi của tỉnh nhà tận tình cứu chữa nhưng soạn giả Trọng Nguyễn đã qua đời trong niềm thương xót của đông đảo nghệ sĩ sân khấu và những người yêu văn học nghệ thuật ĐBSCL.
Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938 tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.
Từ thuở còn đi học Trường Trung học Thái Văn Lung, soạn giả Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới 16 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng, được tổ chức phân công lần lượt qua các nhiệm vụ, như tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, soạn giả Trọng Nguyễn được điều về giữ chức Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau. Đây là thời gian ông phát triển tài năng của mình với nhiều sáng tác tạo dấu ấn đậm nét đối với văn học nghệ thuật ĐBSCL.
Soạn giả Trọng Nguyễn, Viễn Châu và NSND Út Trà Ôn là những tên tuổi lưu danh trong làng cổ nhạc Việt Nam
Năm 1972, ông được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, ông lần lược giữ các chức vụ như: Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân khấu Việt Nam - ĐBSCL.
Từ năm 2002, soạn giả Trọng Nguyễn nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài sáng tác và tham gia ban giám khảo các hội thi sáng tác bài ca cổ, cải lương và các hội thi phát hiện tài năng trẻ của nghệ thuật sân khấu.
Cuộc đời nghệ thuật của ông bắt đầu từ sáng tác thơ những năm 1950. Tuy nhiên, công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca vọng cổ, kịch bản cải lương và một số bài tân nhạc.
Soạn giả Trọng Nguyễn và GSTS Trần Văn Khê tại Hội thảo về Đờn ca tài tử Nam Bộ
Gia tài ông để lại cho đời gồm 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca vọng cổ, nổi bật có các tác phẩm như: Giọt máu oan cừu, Bóng biển, Rừng thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu ngày ấy, Chợ Mới, Giọt sữa cuối cùng, Đôi mắt, Quê anh quê em,...
Soạn giả Trọng Nguyễn được người dân tỉnh Bạc Liêu và nhiều nơi quý mến. Qua những sáng tác của ông, người dân cả nước và kiều bào xa xứ đều cảm thấy gần gũi, thân thương khi nghĩ về miền đất được xem là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương.
Bình luận (0)