Mùa hè của tuổi mười chín, tôi- cô sinh viên năm hai trường cao đẳng sư phạm của một tỉnh nhỏ, ôm một cái giỏ lên đường quốc lộ 1, đón chuyến xe đêm vào thành phố Hồ Chí Minh. Thứ quý giá nhất trong giỏ là bản thảo viết tay một tập truyện ngắn. Ước mơ của tôi là được trở thành nhà văn.
Tôi đứng bên quốc lộ 1 nhìn ngôi làng của mình trong đêm tối, chờ những chuyến xe Bắc - Nam. Một thân một mình đón xe vào thành phố tôi vừa lo vừa sợ. Nhưng vì ước mơ tôi cứ dấn thân đi. Tôi chẳng quen ai trong thành phố nhưng biết muốn in sách thì gởi bản thảo ở nhà xuất bản (NXB) nên ngu ngơ viết và ngu ngơ đi tới NXB.
Chuyến xe của tôi dừng ở bến xe miền Đông lúc 3 giờ sáng. Không người đón đợi, tôi ngồi co ro ở quán cà phê trong bến xe. Điều đầu tiên tôi ngạc nhiên ở thành phố là ly cà phê to như…ly chè đậu đen. Anh lơ xe tới ngồi cùng tôi. Tôi ôm khư khư cái giỏ, mắt căng ra buồn ngủ mà không dám ngủ. Anh lơ xe cũng ngồi ngáp dài ngáp ngắn, kêu tôi cứ vào khách sạn trong bến xe ngủ, không ai làm gì đâu, nhưng tôi lắc đầu nên ảnh đành ngồi cùng vì thấy tôi ngồi một mình tội quá.
Mãi rồi trời cũng sáng. Tôi đón chiếc xe ôm tới NXB Trẻ. Mới hơn sáu giờ nên NXB chưa mở cửa, chưa có ai đi làm. Anh bảo vệ kêu tôi ngồi trên chiếc ghé đá đợi. Chiếc ghế có ghi dòng chữ "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường". Bây giờ dòng chữ này đã quá quen thuộc và những câu như vậy cũng đã quá quen thuộc. Nhưng lúc đó, với một cô gái 19 ở tỉnh lẻ heo hút như tôi, đọc được câu đó tôi thấy ấm lòng. Cuộc sống của nhà tôi giống như mọi nhà khác trong làng, nguồn sống chính là làm ruộng. Ba má tôi suốt ngày dầm mưa dãi nắng từ lúc cày ruộng, gieo lúa cho đến khi lúa chín vẫn không trả hết nợ lúa giống, phân bón và có đủ tiền cho anh chị em tôi đi học. Nên gặt lá lúa lên trả nợ cũ, sau đó lại mượn nợ để làm mùa mới. Cảnh nghèo khổ ấy khiến ba má tôi luôn dặn con cái học hành, thoát nghề nông. Vì nhà nghèo, nên anh chị em tôi lần lượt chọn nghề giáo để không phải đóng tiền học phí. Nên lần đầu tiên đọc câu đó tôi bỗng như thấy đồng ruộng của nhà mình. Thấy cảnh cả gia đình đang quây quần trên ruộng trong mùa gặt. Ngoài xa là tiếng vịt kêu bầy, tiếng cúm núm lạc mẹ. Và ước mơ của ba má mong con cái đi học có nghề đàng hoàng, không phải khổ cực với nghề nông.
Tác giả (phải) nhận giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay" 2018-2019
Tôi ngồi chờ trên ghế đá trong NXB Trẻ chờ đợi khoảng hai tiếng đồng hồ. Mãi rồi cũng có nhân viên đi làm. Anh bảo vệ chỉ cho tôi một chị để tôi gởi bản thảo. Tôi rụt rè đi tới, nói về việc gởi bản thảo của tôi. Chị rất ngạc nhiên khi thấy tập bản thảo của tôi. Vì không có máy vi tính nên tôi…viết bằng tay. Chị bảo NXB không nhận bản thảo viết tay. Chị kêu tôi về đánh máy rồi gởi.
Tôi ôm tập bản thảo với một trái tim do tôi không biết mà làm tan vỡ nó. Tôi đâu biết NXB không nhận bản thảo viết tay? Tôi có thể ra một tiệm đánh máy nhờ họ đánh máy cho mình rồi quay trở lại. Nhưng kiểm tra lại, tôi sợ mình không đủ tiền về xe. Thế là tôi ôm tập bản thảo đó quay trở lại hành trình hơn 300 cây số.
Nhưng tôi đã không bỏ giấc mơ của mình. Thành phố Hồ Chí Minh với những NXB, với những nhà báo, nhà văn vẫn là một giấc mộng và hấp dẫn tôi. Sau này, tôi phát hiện ra những tờ báo mình yêu thích trên sạp báo ở tỉnh nhỏ của tôi. Do xa thành phố nên báo thường về trễ nhưng tôi vẫn mua đọc miệt mài. Và tôi bắt đầu hành trình viết báo. Những người biên tập trong các tờ báo thành phố đón nhận tôi- một cây bút tỉnh lẻ và cho tôi cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Họ không biết tôi và tôi không biết họ. Tôi chỉ biết mình yêu văn chương, viết lách, yêu thích việc trở thành nhà văn và viết hăng say, miệt mài.
Những tác phẩm của tôi được đăng báo, được đón nhận. Rồi những cuốn sách của tôi, những giải thưởng về viết lách…Từ cái ngày tôi ôm tập bản thảo viết tay lên đường quốc lộ 1 đón xe vào thành phố cho đến giờ là một hành trình dài. Hành trình của lòng tin, sự đam mê và cố gắng. Và sự khuyến khích, tạo điều kiện của những người tôi không hề biết là ai lúc đó, giờ đã là những người bạn, đồng nghiệp và thần tượng để tôi học hỏi. Chính thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cô gái tỉnh lẻ như tôi chạm tay vào ước mơ của mình.
Tôi là người biết ơn thành phố này dù tôi không phải là cư dân của thành phố, cũng không phải là người đến thành phố sinh sống, lập nghiệp. Tôi chỉ là cô gái nhỏ của ruộng đồng, ở một tỉnh nhỏ heo hút và có ước mơ hơi khác mọi người là trở thành nhà văn. Nếu không có những tòa báo ở thành phố Hồ Chí Minh, không có những nhà văn nhà nhà báo chắp cánh cho ước mơ của tôi, có lẽ ước mơ của tôi sẽ trầy trật và có khi bỏ lỡ.
Giờ đây khi đã trở thành một cô giáo và là hội viên hội nhà văn Việt Nam, mỗi khi có học trò của tôi rụt rè không dám theo đuổi ước mơ của mình, tôi lại động viên, khuyến khích các em thực hiện ước mơ. Tôi cũng khuyến khích các em tới các thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ. Bởi vì nơi đây có rất nhiều điều hay, những người hay để các em học hỏi. Nơi đây cũng hào phóng và công tâm với mọi ước mơ, mọi con người đến từ nhiều vùng đất.
Tôi yêu thành phố Hồ Chí Minh, yêu cái tinh thần hảo sảng, công tâm của nó. Với tất cả những chân thành.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)