xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạp không vạn thọ

Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ

Những chạp trước, cỡ này nội còn chưa chịu vô nhà lo tắm rửa cơm nước. Còn lúi húi ngoài vườn trước, sân sau. "Nội làm thầm na?". Tôi hỏi và nội trả lời phều phào vì răng cái mất nhiều hơn cái còn: "Ừ! Thằng cháu".

Nội vốn là người không mấy khi để tay chân được yên. Nội cuốc đất, trồng rau, ươm cây trái quanh năm. Mùa nào thứ đó. Nhà không thiếu một loại gì. Rau nhà ăn không sợ hóa chất nên dạn miệng. Nội trồng nhiều và cho nhiều. Chỉ tính riêng gia đình của các con trên phố đã tiêu thụ hằng bao nhiêu là rau, dưa, cà, bí trong vườn nhà. Bởi không về thăm cha, thăm ông thì thôi mà về thế nào chừng đi cũng tay xách nách mang. Rồi mấy người quen đôi hồi lỡ buổi chợ hoặc nhà bất ngờ có khách, cứ yên tâm ghé vườn ông Bốn là có thêm món để đãi đằng. Ông Bốn là thứ của nội mà dân quê miền Trung thường kêu vậy. Kêu tên trỏng trỏng nói là hỗn xược, không được. Hồi dư dả, người ta đến tại vườn mua, nội cũng có bán nhưng mà bán rẻ lắm. Nói nẫu thức khuya, dậy sớm chạy chợ cực khổ kiếm đâu mấy đồng.

Nội hay kể là ba tôi đã không chịu nghe lời cha mẹ. Không lo học cho đồng anh chị em trong nhà để được nhờ tấm thân. Mà cũng không chịu tay cầm cán cuốc, cúi gập cái lưng dài trên thửa ruộng, miếng đất của nhà. Ưa ba cái chuyện bán buôn ngoài đường, trong chợ nên mới chết đèo, chết sông. Ba hồi đó đi buôn đường xa, khá lắm. Lần đó, cũng tháng chạp vầy... Nội thay nỗi đau mất con, mất dâu bằng tình thương dành cho thằng cháu bé bỏng côi cút. Đau dồn nên thương dồn. Mấy cô đòi nuôi, bác Hai, chú Út đòi nuôi tôi. Nội một mực để đó cho tui. Để nó cho tui. Để tui.

Và vậy đó! Tôi ở với ông bà khi vừa mới lên năm. Bà thương tôi cách chùng lén, dậm dụi. Giấu cái này giếm cái kia, dù toàn là ba cái đồ tầm xàm nhưng tôi lại ưa hung mới chết chứ! Tỉ như ổi sẻ. Dù ông đã cấm vậy mà bà nhét đút sao tôi ăn bắt căng phình bụng. Ăn tới thương thực bắt trợn tròn con mắt trắng xác mà cái mặt thì xanh dờn. Ở quê tôi, bị kiểu đó chỉ cần cạo mùn cái thớt gỗ dùng đã lâu năm, hòa nước cho uống, để bắt nhợn mửa ra bằng hết, cho sạch trơn cái bụng là khỏi ngay. Nhưng, cũng khiến tôi hú vía một phen mà bà nội thì điếng hồn. Chưa đủ, đi thăm ruộng về nghe chòm xóm méc lại ông còn la bà một bữa tóe khói. Rồi bà lẫy để đói hai ông cháu chơi. "Mà đói úng gì. Không cơm, nhúng ít cái bánh tráng quẹt mỏ cái rồi". Ông vẫn hay nhắc lại sự cố này với tôi. Lần nào nhắc cũng bấy nhiêu câu, bấy nhiêu chữ với một câu kết nhẹ hều.

Ông nội không thương tôi cái cách kiểu của bà. Thương lo những chuyện phải đúng, đằng thẳng rõ ràng. Rút bài học xương máu từ ba, nên mới lên bảy, ông nội đã rèn cho tôi một cây cuốc nhỏ và đi học về theo ông hết vườn trước, sân sau. Tôi lớn tới đâu thay cuốc tới đó. Tôi lớn tới đâu giống ông tới đó. Giống nhất là chuyện ham làm. Bỏ sách cặp là tôi làm vườn mê mải rồi đi soi ếch, bắt cá, mò cua… nên nhà đồ ăn dư dả. Mắm cua kho với cá rô nướng và lá gừng là món khoái khẩu của hai ông cháu. Bữa nào thiếu thấy mâm cơm lạt lẽo sao đâu! Bà nội thì ưa tép đồng và thích kho với dưa cải muối. Bà càng già càng nghễnh ngãng nói chuyện hổng hình, làm chuyện trắc trắc và nấu cho ông cháu tôi nhiều bữa cơm không biết ăn cách nào. Khi mà mắm thì kho lạt xèo, mà, canh lại bỏ muối mặn chằng không cách gì húp nổi. Rồi bà liệt nằm một chỗ tôi được ông bày biểu, tay táy, cùng ông chăm sóc bà.

***

Nội nín làm thinh suốt mấy bữa, gia đình lo tang lễ. Mở cửa mả cho bà xong, các con và cháu chắt về lại thành phố hết, nhà trơ trốc chỉ còn lại ông với tôi. Nội ngồi miết trên phản, co mình, hút hết điếu thuốc rê này đến điếu khác. Rồi đùng đùng vác cuốc, nói đi tháo mương, dọn bờ. Tôi đã mười hai tuổi lúp xúp chạy theo ông. Nội níu lấy tôi khi té xấp mình trên ruộng, miệng kêu thằng cháu, thằng cháu và khóc hu hu. Sau chiều đó, ông đau nằm có mấy ngày nhưng không cho tôi kêu bất cứ một ai về. Nội nói thèm tô cháo cá rựa bằm. Thèm chết được! Tôi cười mà nước mắt chảy ròng ròng: "Úy! Tưởng ông muốn gì! Đây! Dễ òm…". Ông nhắc đừng mua con cá to xương cứng bằm khó nhuyễn. Cũng đừng mua con nhỏ thịt nhớt không ngon. Tôi cầm tiền nội đưa, đạp xe lên tận chợ thị trấn. Mua được con cá theo ý mình không khó nhưng nấu cho ra được tô cháo, mới thiệt gay! May nhờ có bà Chín sát nhà qua giúp. Nội húp từng muỗng nhỏ khen thằng cháu sao giỏi dữ?

Cứ vầy vậy. Ông cháu nương nhau mà sống, khi không còn bà. Tôi nhổ giò cao trên thước bảy, khi vô cấp ba trường huyện. Nội cười khà khà: nhờ ăn mắm cua hung, canxi dư, xương mới phát triển tới vậy chứ ngó mấy đứa anh, chị em nó trên thành phố coi. Ăn toàn đồ mắc tiền mà lùn xủn, ốm nhom. Ông vẫn cười khà khà đầy sảng khoái như vậy. Chỉ có tiếng cười là không khác chứ tiếng kêu thằng cháu, thằng cháu… đã khác trước nhiều. Đã bớt đi nhiều phần mạnh bạo. Từ tiếng kêu của nội, mỗi ngày, tôi hiểu ra sức khỏe của ông và buồn lo không ít. Nội vẫn theo tôi ra ruộng. Vẫn cùng tôi trồng trọt rau trái trong vườn nhưng lát cuốc ông cắm xuống mặt đất đã không còn ngọt sớt như xưa. Những lát cuốc hơi ơ thờ và nhuôm nhuốm màu mệt mỏi.

Và những nhát cuốc ấy, khi gần tới Tết bỗng mất biến cái ì ạch nặng nề. Bỗng nhẹ bâng, khác quắc khi nội phát cỏ vườn, xới đất, đánh luống ươm trồng vạn thọ. Phía vườn sau và quanh nhà để trồng rau củ, hoa màu. Còn khoảng sân trước nội chọn để trồng bông. Chú Út nói bông quê rình đâu có ai mua mà năm nào cũng trồng. Không kinh tế. Để đó con đưa mấy giống hoa Đà Lạt... Chú chưa nói hết câu nội đã trở cán cuốc, đòi quất: "Mày đưa cái thứ giống hoa đó về trồng trên sân thượng nhà mày á. Còn đây là đất vườn của tao. Biết chưa?". Ông càm ràm mình dân quê trồng bông quê, cúng bông quê, chưng bông quê là phải rồi. Chạp quê không vạn thọ Tết sao ra Tết. Là không chạp không Tết, hé! Là coi như không có cái lão già Bốn này ở trên đời, hé! Bác Hai về thăm, thấy ông cặm cụi ngoài vườn miết có rầy chứ cái hoa gì mà vàng khè "nẫu" bắt ớn, vậy mà cha ưng chi ưng ác năm nào cũng cực với nó. Nội không trở cán cuốc nhưng chỉ thẳng mặt chứ mày không "nẫu" hé! Hoa, hoa cái con mắt mày. Bông vạn thọ đẹp vầy mày kêu vàng khè. Mày đui hay sao, Hai?

Tôi ngồi trên chái hè ăn ổi sẻ (sau khi bà mất ông cho tôi ăn đã đời), thấy vậy cười khan. Đang nổi sung bác Hai la lớn: "Còn mày nữa. Ở riết với ông rồi quê rặt cho tao nghe chưa?". Nói rồi lên xe phóng đi một hơi bỏ lại mớ cà đĩa mới thu lượm. Nội cười: "Thằng cháu mày thấy không? Cà thì nó về lặt hết. Cà non cũng không chừa mà dám chê vạn thọ của tao". Tôi lúm búm một miệng ổi nói như đứt hơi: "Tự cà ăn được. Bông có ăn được đâu". Ông ừ hử phải đó phải đó rồi tém gọn đôi tay rẽ luống.


Chạp không vạn thọ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nội yếu nhiều, tay đã run nhưng luôn giành phần đánh luống. Tôi có thể làm cỏ, bỏ phân có thể xới đất. Làm gì cũng được nhưng công chuyện này thì không được đụng rờ. Mà nội rẽ luống mới đều làm sao! Từng luống, từng luống vạn thọ thẳng tăm tắp. Ươm trồng rồi ông cháu hồi hộp đón đợi thời tiết. Vạn thọ là thứ bông dân dã dễ nuôi nhưng thời tiết khắc nghiệt quá cũng có phần ảnh hưởng. Dòm ngó ông trời đã đủ đâu bởi ông cháu tôi còn phải thay phiên nhau trông chừng bầy gà phá phách. Và mỗi ngày qua, thắc thỏm, khi được săm soi từng gốc bông một. Đợi vạn thọ lớn dần và trổ bông trong nôn nao hồi hộp. Thỏa nguyện khi bắt gặp nụ vạn thọ đầu tiên chớm nở nơi vườn nhà. Cách gì bữa cơm tối đó, nội cũng thưởng cho mình, tới... ba ly rượu thuốc.

Tháng chạp đi đâu về, lòng tôi rộn vui khi nhận ra màu áo nâu đất của nội thấp thoáng lẫn hòa trong chập chùng sắc vàng vạn thọ. Cũng là màu vàng nhưng nội trồng tới mấy giống, nên khoảng sân phía trước thêm phơi phới sắc độ của bông: vàng chanh, vàng đậm, vàng mơ…Thường bó bông đầu tiên nội cắm trên bàn thờ tổ tiên, thắp nhang. Bó thứ hai mới được cắm nơi cái bình cao cổ, đặt trên bàn uống nước ngoài chái hè. Nội ngồi đó rít những hơi thuốc rê vấn to hết cỡ, hít hà, những ngụm trà nóng đậm trong buổi chạp lạnh se và hấp háy cặp mắt vui sướng ngắm nghía khu vườn vạn thọ của mình.

Ở quê, cuối năm nhà nào cũng trồng lấy hai, ba luống vạn thọ hoặc ít ỏi thì cũng dăm ba gốc để chưng Tết cho vui. Nhà có nhưng đã quen lệ, thành nếp chạp mả qua ông Bốn, cúng tất niên qua ông Bốn, cúng rằm qua ông Bốn, cúng các bác qua ông Bốn. Thấy người quen lấp ló ngoài cổng là ông tôi hiểu ý ngay, á hà thiệt to rồi thủng thẳng: "Bây xin bông phải không? Thì vô uống với tao bình trà đã". Sướng chưa! Bông ôm hai tay trĩu nặng mà còn có trà nhấp ấm giọng, ấm lòng. Đó, luôn là những hình ảnh rất quen thuộc nơi đây trong rất nhiều tháng chạp.

***

Và những hình ảnh ấy, giờ, còn đâu? Cho nên cuối năm, sẫm chiều tôi một mình băng ngang nỗi lạnh buốt mùa đông, những cơn gió thốc và rất nhiều nhớ thương để trở về quê. Cả người tôi gờn gợn, tay run khi mở cổng và chân run khi đạp lên muôn vàn xác lá giữa khu vườn trống hoang. Và rồi thả buông tấm thân mỏi mệt, ngồi bệt trên bậc thềm và bật khóc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo