TP Hồ Chí Minh – đất hứa của khát khao thoát cảnh nghèo, rời cảnh khổ đã chở che, vỗ về tâm hồn của bao nhiêu con người xa lạ? Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu dáng hình đã đến rồi mến thương, rời đi mà khắc khoải nhớ người lẫn cảnh của thành phố phương Nam này…
TP Hồ Chí Minh đẹp lung linh! Bình minh dâng lên gieo muôn ngàn ánh vàng dịu nhẹ len lỏi và dát vàng những tòa nhà cao tầng nối dài tít tắp. Ngày dài thong dong bước trong sự sôi động, ồn ã của một thành phố năng động nhất nước. Rồi hoàng hôn buông sắc vàng rực rỡ, những con đường chật căng dòng người như con nước miệt mài chảy về nơi tổ ấm. Đêm, đèn điện sáng trưng lấp loáng đến choáng ngợp khung hình, biết bao người không ngủ mà thao thức dựng xây thành phố về đêm…
TP Hồ Chí Minh bao dung lắm! Dân tứ xứ tụ hội về mảnh đất lành mang tên Bác ngày một nhiều, nhiều đến mức người và người chen nhau từng tấc đất, xe nối xe nhích từng tí một trên các cung đường mỗi giờ tan tầm. Mà lạ là đất chật người đông thế nào cũng đủ chỗ để chứa thêm một con người, một gia đình và lắm khi gần cả một dòng họ cùng đổ về thành phố phương Nam này. Đâu chỉ ưu ái dành cho người dưng một chỗ để nghỉ lưng hay một công việc để nuôi thân, người ta còn thân thiện trao nhau nụ cười, sẵn sàng chìa ra bàn tay ấm...
TP Hồ Chí Minh hào sảng lắm! Chất hào sảng cứ lồ lộ ra trong từng thanh âm "nhiêu đây mà nhằm nhò gì", trong từng ánh mắt nhìn thẳng nhìn thật, trong từng bước chân xông xáo và đôi tay không ngơi nghỉ việc.
Tôi nhớ hồi bé tí ti, chúng tôi cứ ngong ngóng đợi chú, mong bác từ trong Nam ra Huế ăn Tết để được lì xì. Khoản tiền mừng tuổi của đám trẻ nhiều lên như phép màu dành riêng để sắm sách vở, mua áo quần mới. Đồng tiền thấm giọt mồ hôi của năm dài tháng rộng mưu sinh cứ thế cho anh, cho em, cho cháu… Không đắn đo. Chẳng tính toán thiệt hơn. Chẳng để lại gì cho riêng mình. Rồi khi dăm ba ngày Tết qua đi, bước chân xuôi vào Nam lại hăng hái lao vào vòng xoay công việc.
Trao quà bạn đọc Báo Người Lao Động hỗ trợ người dân ở Thừa Thiên- Huế bị ảnh hưởng mưa lũ năm 2020 Ảnh: QUANG TÁM
Mới đây thôi, lúc khúc ruột miền Trung oằn mình trong lũ dữ cũng là thời khắc cơn lũ lịch sử năm 1999 đầy kinh hoàng của Huế hiện ra trong ký ức. Lướt một vòng tin tức, chúng tôi bắt gặp những khung hình đớn đau của những ngày cũ mà xót xa… Rồi giữa những ngày bão lũ đen tối ấy, thước phim về tấm lòng nghĩa tình của cả nước, của người miền Nam, người TP Hồ Chí Minh hiện ra, đầy trân quý…
Hồi ấy, chúng tôi còn thơ dại lắm! Đâu biết một chiến dịch cứu hộ lớn nhất thế kỷ XX đã ào ạt tiến về miền Trung. Theo chân ba mẹ lóp ngóp đi nhận gạo, mì tôm, áo quần, chăn màn, sách vở… về dựng lại cuộc sống sau lũ dữ, ký ức trôi qua hơn hai mươi năm phớt một lớp sương mờ giăng giăng mà đến giờ vẫn còn âm ấm lòng dạ mỗi khi nghĩ về những món quà từ nghĩa đồng bào!
Và thước phim tài liệu "20 năm mưa lũ miền Trung – Để nỗi đau không còn lặp lại" giúp tôi tường tận và thấu hiểu hơn tấm lòng của người TP Hồ Chí Minh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Chợ Bến Thành, một chiếc ti- vi đặt giữa chợ tường thuật cảnh màn trời chiếu đất, sinh ly tử biệt của người miền Trung. Những khuôn mặt thất thần theo dõi, ánh mắt đau đáu niềm thương cảm và lời sẻ chia tận đáy lòng sao thương quá là thương!
Từ những ngày xửa ngày xưa đến tận bây giờ, tình nghĩa đồng bào đã neo giữ biết bao giá trị tốt đẹp làm nên cốt cách con người Việt. Dẫu là người Bắc, người Trung hay người Nam, cứ hễ dân ta gặp khốn khó, tai ương là y như rằng những bàn tay ấm lại chìa ra dắt díu, dìu đỡ nhau tiến về phía trước. Tôi có thiên vị không khi hình ảnh người TP Hồ Chí Minh hào sảng luôn dẫn đầu hành trình gieo mầm nhân ái, thiện lương và tử tế ấy?
Giàu lòng bao dung, chan chứa tình nghĩa chính là chất keo gắn kết muôn người xa lạ chung nhịp bước trên hành trình dựng xây thành phố phồn hoa văn minh, hiện đại và nghĩa tình!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)