Phạm Hoàng Khang - cháu cố của NSND Ba Du
Điều bất ngờ đối với ông Phạm Kiên Hoàng - cha của Phạm Hoàng Khang - là từ bé Khang không có ý hướng theo nghề âm nhạc của ông, trong khi người anh thì say mê hơn hẳn. "Cho đến một ngày, con trai út của tôi nói sẽ theo học ngành guitar vì đam mê và muốn nối nghiệp cha mình, gắn bó với âm nhạc, tôi hết sức bất ngờ. Trãi qua suốt quá trình học tập, con tôi đều xếp hạng nhất trong các kỳ thi. Cháu chuẩn bị thi cao học chuyên ngành guitar. Sau khi ra trường, cháu sẽ đi dạy và biểu diễn chuyên nghiệp tại Áo" - cháu ngoại của NSND Ba Du tâm sự về con trai mình.
Là cháu cố của một nghệ sĩ tài danh, vốn là bậc thầy trong đào tạo thế hệ đạo diễn, diễn viên của sân khấu cải lương, Phạm Hoàng Khang luôn ý thức về sự nối nghiệp của mình, cho dù không phải là diễn viên nhưng chuyên ngành guitar đã cho anh niềm say mê khi nghĩ về thế hệ ông cha đi trước. Ông ngoại của Phạm Hoàng Khang là nhạc sĩ Cón Phùng (Trần Quang Phùng) – một tay organ nổi tiếng của các ban nhạc tại Sài Gòn trước 1975, chuyên đàn cho các ca sĩ: Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú, Giang Tử… hát.
Bà nội của Phạm Hoàng Khang chính là bà Bầu Tư – người lập đoàn hát Ngọc Kiều, Ngọc Đáng nổi tiếng một thời. Gánh hát của bà đã từng dàn dựng vở "Romeo và Juliet" đưa tên tuổi nghệ sĩ Hùng Cường, Hoàng Kinh, Ngọc Đáng, Ngọc Kiều lên đỉnh vinh quang. NSND Ba Du, tên thật là Phan Văn Hai, sinh năm 1904, tại Vĩnh Long trong gia đình có trình độ học vấn cao và yêu thích âm nhạc dân tộc.
Ngoài trinh độ học vấn khá, ông còn được học nhiều về nhạc lý, âm nhạc tài tử. Với lòng đam mê ca hát, ngay từ khi còn đi học, ông đã cùng các bạn lập thành ban hát "Đồng Bào Nam", sau đó đổi thành gánh cải lương "Nam Đồng Ban", qui tụ các nghệ sĩ tài danh như: Hai Giỏi, Năm Phỉ, Hai Binh, Mười Mùi… Sau đó, gánh hát này đổi thành gánh "Tái Đồng Ban", với các nghệ sĩ: Năm Châu, Phùng Há, Tám Mẹo, Tư Út, Hai Phụng, Ba Nhàn, Ba Liên. Sau đó có thêm Từ Anh, Tư Chơi tham gia.
Năm 1936, NSND Ba Du ra miền Bắc, theo đoàn cải lương Nam Thinh, rồi về đoàn hát Quảng Lạc Ban. Vai Ngốc Tử, trong vở "Ngốc Tử Đăng Khoa", đã đưa tên tuổi ông nổi tiếng tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bác.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở miền Nam, NSND Ba Du hoạt động ở vùng Đồng Tháp Mười. Ông đã góp công xây dựng đoàn nghệ thuật Cửu Long, đội cải lương thuộc Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ, NSND Ba Du đã phục vụ chiến trường và đồng bào khắp các chiến khu, bưng biền, mà không hề mệt mỏi.
Gia đình nhạc sĩ Phạm Kiên Hoàng tại TP Munich - Đức
Với những công lao đóng góp to lớn cho sân khấu nước nhà, ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND đợt 1. Hiện nay, cháu của ông – nhạc sĩ Phạm Kiên Hoàng tham gia tích cực với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả kiều bào tại thành phố Munich - Đức. "Nay có thêm con trai út của tôi nối nghiệp, hoạt động chuyên ngành guitar tại Áo, nơi được xem là quốc gia phát triển mạnh về loại hình nhạc kịch và giao hưởng tầm cỡ quốc tế. Gia đình tôi rất hạnh phúc" - nhạc sĩ Phạm Kiên Hoàng đã chia sẻ.
Bình luận (0)