Châu Hùng Lâm là người thứ hai, sau đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Nghệ thuật Thái Dương), sống chết với bộ môn múa rối nước tại TP HCM.
Nợ ân tình
Sân khấu múa rối nước Rồng Vàng tại Cung Văn hóa Lao Động TP HCM là ngôi nhà thứ hai của Châu Hùng Lâm, nơi cho anh cơ hội để thực hiện hoài bão, dồn tâm huyết của mình hình thành nên sân khấu du lịch hoạt động liên tục gần chục năm qua.
Đạo diễn Châu Hùng Lâm bên con rối của mình
Mỗi ngày 2 suất diễn, du khách đến Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đầy kín. Các công ty du lịch lữ hành đều đưa vào lịch trình tham quan điểm diễn quen thuộc này để khán giả đến từ các quốc gia có dịp thưởng thức loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này ngay tại trung tâm TP hiện đại như TP HCM. Đều đặn suốt 11 năm qua, tính từ thời điểm 5-8-2007, ngày Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đi vào hoạt động, đạo diễn Châu Hùng Lâm chưa nghỉ một ngày. Anh chăm chỉ, cần mẫn như người hiểu được lo nghĩ của những chú rối nước đủ màu sắc.
Trò chuyện với người đạo diễn chịu thương chịu khó với rối nước này, thấy anh là con người tâm huyết và trăn trở với múa rối nước mà anh gọi là "món nợ ân tình của đời mình". Anh xem rối nước là cuộc sống. Một con rối bị trầy xước, hư hỏng, lòng anh đau như chính mình đang bị vết thương rướm máu. Các nghệ nhân dàn nhạc truyền thống như Đức Dũng, Quang Vinh, Kim Liêng, Ái Linh…, gắn kết với Rồng Vàng từ ngày đầu thành lập, nói Châu Hùng Lâm là người hiểu được tiếng lòng của rối nước.
"Niềm tự hào của chúng tôi là 11 năm qua, du khách các nước đến TP HCM đều thích thú khi được xem múa rối nước Việt Nam tại đây. Từ hiệu ứng đó, chúng tôi nhân rộng sân khấu biểu diễn sang khách sạn Rex. Ngoài múa rối nước với những trò cổ, chúng tôi kết hợp giới thiệu thêm về các bộ môn văn hóa nghệ thuật khác như: múa hoa đăng, hát bội, đờn ca tài tử nhưng chủ đạo vẫn là rối nước Việt Nam" - đạo diễn Châu Hùng Lâm nói.
Hiện nay, từ một ê-kíp diễn viên 8 người, 2 đội múa rối nước diễn tại Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng và khách sạn Rex đã lên đến 50 diễn viên. Mỗi ngày 2 suất diễn, lương 10 triệu đồng/tháng, đời sống diễn viên rối nước đã dễ thở hơn trước.
Gắn bó như hơi thở
Thật ra, ban đầu Châu Hùng Lâm chẳng biết gì về rối. Vì mưu sinh, đỡ gánh nặng cho gia đình, chàng trai 19 tuổi khi đó đã vào đời bằng công việc bảo vệ giữ xe tại Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. "Thời đó, các chú ở Phòng Tổ chức Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM thấy tôi còn trẻ, năng động, nếu giam chân ở bãi giữ xe thì tội nghiệp. Tôi còn nhớ sau ngày lễ 8-3 năm đó, khi sự cố rạp Măng Non bị cháy, bảo vệ của rạp này bị buộc thôi việc. Tôi được giới thiệu vào làm công việc bảo vệ thay thế. Từ đó, thế giới múa rối cuốn hút tôi. Những con người sống với múa rối cho tôi nhiều suy nghĩ, thích thú, say mê. Như một định mệnh, năm đó, Đoàn Múa rối TP HCM bắt đầu đưa múa rối nước vào hoạt động. Tôi được tạo cơ hội cho thử việc, từ đó gắn bó với nó như hơi thở" - đạo diễn Châu Hùng Lâm kể.
Định mệnh là một chuyện, áp lực để sống còn với rối nước lại là những tháng ngày khiến anh mất ăn, mất ngủ để tìm ra lối đi cho chính mình. Châu Hùng Lâm nói ai dấn thân vào nghệ thuật rối nước bảo vì đam mê, yêu nghề là chưa đủ. Nghề này trước hết phải có sức khỏe do thường xuyên ngâm mình dưới nước. "Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu ra diễn, đúng ngay mùa Giáng sinh, thời tiết se lạnh nhưng phải ngâm mình từ 7 giờ sáng dưới nước. Cả đội chỉ có một bộ đồ đủ chuẩn để diễn rối nước, ưu tiên cho một diễn viên nữ, còn lại đều mặc quần dài, áo tay dài ngâm mình dưới nước" - đạo diễn Châu Hùng Lâm nhớ lại.
Sau 7 năm làm diễn viên Đoàn Múa rối TP HCM, anh cảm nhận rằng mình không thể phát triển khi cơ chế hoạt động của đoàn nhà nước thời đó mang tính cầm chừng. Anh ôm hoài bão đưa rối nước vào sân khấu phục vụ du lịch từ năm 1999, đồng thời cải tiến chương trình biểu diễn từ rối cạn cho đến rối nước, đi tìm bước ngoặt đời mình. Anh gặp được đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, tâm đầu ý hợp. Ban đầu, họ khởi động múa rối nước trong các chương trình hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao", sau đó liên kết với Khu Du lịch văn hóa Đầm Sen, trước khi được Ban Giám đốc Cung Văn hóa Lao Động TP HCM mời về biểu diễn, rồi thành lập Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng.
Muốn làm mới nghệ thuật rối, tạo không gian tươi tắn, theo kịp đời sống đương đại thì phải đi học đạo diễn. Năm 2001, Châu Hùng Lâm thi vào lớp đạo diễn khóa khóa 4 Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đánh giá cao năng lực của Châu Hùng Lâm, tin vào khả năng người này có thể thực hiện được nhiều chương trình múa rối nước hay hơn, nhằm phục vụ du khách và đưa vào các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp nên cùng nắm tay đồng hành. "Ở Châu Hùng Lâm còn có năng khiếu sư phạm.Anh làm tốt việc truyền cảm hứng cho các bạn diễn viên trẻ, giúp họ sống với rối nước bằng chính tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc. Để từ trái tim mình, đánh thức những con rối nước lan tỏa cảm xúc đến người xem. Không có sự đồng hành của Châu Hùng Lâm, tôi không đủ sức làm múa rối nước Rồng Vàng" - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.
25 năm theo nghề, không thiếu những khó khăn, gian nan mà anh và các diễn viên múa rối nước phải đối mặt. Thế nhưng, bằng nghị lực vượt khó mà Châu Hùng Lâm cho là tố chất của riêng mình, anh đang trả dần món nợ ân tình mà rối nước đã cưu mang mình.
Còn ấp ủ nhiều điều
"Tôi vẫn còn món nợ chưa trả đối với rối nước, đó là chưa dàn dựng được những tác phẩm ca ngợi chiến tích lừng lẫy của ông cha mình trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước. Đối với tôi, rối nước còn nhiều tiềm năng mà mình chưa khai thác hết" - đạo diễn Châu Hùng Lâm bày tỏ. Anh còn ấp ủ dự án phát triển rối nước không chỉ tại TP HCM mà còn ở các tỉnh, thành có nhiều du khách các nước; làm chương trình rối nước gắn với ẩm thực, đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương.
Bình luận (0)