Sàn diễn Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sáng đèn với vở "Hòn vọng phu", do nhóm Chí Linh - Vân Hà thực hiện. Điều này khẳng định thêm tính khả thi của mô hình cải lương xã hội hóa theo hướng đi mới, tạo thêm dấu son sau 3 năm hoạt động của nhóm nghệ sĩ này. Khán giả từng thương mến tài năng diễn xuất của Chí Linh - Vân Hà đã đến xem cổ vũ và thêm ngưỡng mộ cặp đôi này hơn bởi tinh thần đương đầu với khó khăn để giữ ngọn lửa yêu nghề của họ.
"Vì nghệ thuật, không vì cát-sê"
Từ khi rạp Hưng Đạo cũ trở thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhóm Chí Linh - Vân Hà tụ về đây để tiếp tục gieo thêm niềm hứng khởi cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, giúp họ có cơ hội gắn kết sâu hơn với cải lương. Sức hút của vở "Hòn vọng phu" qua cách dựng, cách diễn đầy sáng tạo, trẻ trung mà 2 nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà giữ vai trò lĩnh xướng cho thấy có cách "gỡ khó" cho sàn diễn cải lương nếu yêu nghề.
Cặp đôi nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà
Rất nhiều nhóm xã hội hóa cải lương bám theo các sự kiện, các live show cá nhân nghệ sĩ để tổ chức biểu diễn nhưng vẫn lỗ. Còn với nhóm Chí Linh - Vân Hà, qua gần 20 vở diễn, họ chỉ lỗ 2 vở. "Lần đầu lỗ 35 triệu đồng cho vở "Dậy sóng Bạch Đằng Giang", do đầu tư quá trớn, không tính toán kỹ nên dẫn đến thua lỗ. Lần thứ hai là vở "Dương gia tướng", lỗ 10 triệu đồng. Nhưng đến vở "Hòn vọng phu", lãi mỗi suất 6 triệu đồng, đó là tín hiệu đáng mừng" - nghệ sĩ Vân Hà cho biết.
Nghệ sĩ Chí Linh đúc kết quá trình hoạt động của nhóm, cũng là trả lời câu hỏi làm sao để sàn diễn vẫn sáng đèn đều đặn, bằng một câu ngắn gọn: "Vì nghệ thuật, không vì cát-sê". "Điều này nói thì dễ nhưng để thay đổi nhận thức đã ăn sâu trong mỗi người làm nghề quả là nan giải. Vận động được nghệ sĩ chịu hy sinh lợi ích cá nhân là rất khổ sở đối với chúng tôi" - nghệ sĩ Chí Linh lý giải thêm.
Nghệ sĩ Chí Linh cho biết để tự cứu mình, anh chị em nghệ sĩ tham gia nhóm (khoảng 20 diễn viên) đã cùng nhau hùn vốn đầu tư vở diễn, cùng tiếp thị bán vé, chấp nhận lấy vé thay cát-sê, thậm chí đi giao vé tận tay khán giả có nhu cầu. Quan trọng hơn là nghệ sĩ tự may phục trang cho các vai diễn của mình. Vì tư nhân nên phải tự bỏ tiền ra đầu tư chứ không trông chờ vào kinh phí của nhà nước như các đoàn quốc doanh.
Với cách làm đó, các vở diễn của nhóm Chí Linh - Vân Hà diễn từ sân khấu Lê Hoàng đến sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang luôn có được lợi nhuận. Họ yên tâm tái sản xuất, giữ đúng lịch diễn, thành phần nghệ sĩ tham gia, tạo dựng niềm tin ở khán giả của mình.
31 năm son sắt với nghề
Là con nhà nòi, bước vào nghề với nhiều áp lực, khi Chí Linh có đến 2 người chị cũng là nghệ sĩ tài danh sáng chói: Tài Lương và Tài Linh. Còn nghệ sĩ Vân Hà là con gái soạn giả Vân An. Năm 1978, họ cùng được tuyển vào khóa đào tạo diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trở thành học trò cưng của NSND Phùng Há và các NSƯT: Hoàng Ba, Tấn Đạt, Công Thành, Đoàn Bá... Họ yêu nhau và kết hôn năm 1987. "Đó cũng là năm nhà hát thành lập đoàn cải lương xung kích, chúng tôi đã diễn vở "Mùa xuân cho em" nổi đình, nổi đám, sau đó một năm ra Hà Nội lưu diễn. Lăn lộn khắp nơi, từ sân bãi cho đến các rạp hát trên mọi miền đất nước, vốn sống của chúng tôi là những tháng ngày cơ cực, gian nan, vất vả, đói rét vì thiếu ăn, thiếu mặc nhưng tuyệt đối chưa bao giờ nản lòng, có ý định bỏ nghề" - nghệ sĩ Vân Hà kể.
Được xem là đôi bạn diễn ăn ý, đồng thời chưa bao giờ ngán ngại vai diễn nào, nghệ sĩ Chí Linh từng tạc dấu ấn khi dám thể hiện vai Kim mao sư vương Tạ Tốn (vở "Cô gái Đồ Long") đã đóng dấu tên tuổi NSƯT Thanh Sang, rồi cả vai hội đồng Thăng (vở "Đời cô Lựu") của NSND Diệp Lang; còn nghệ sĩ Vân Hà, vai đỉnh cao trong sự nghiệp là Ngọc Kỳ Lân (vở cùng tên), đem về cho chị HCV giải Trần Hữu Trang, đồng thời mang về doanh thu cao nhất cho đoàn Huỳnh Long năm 1990.
Từ nền tảng đó, cả hai đã đem kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ diễn viên trẻ hiện gắn với nhóm. Để những gương mặt: Bình Tinh, Võ Minh Lâm, Thúy My, Thái Vinh, Hoàng Đăng Khoa, Kim Tiến, Cao Mỹ Châu... có thêm nhiều vai diễn hay được giới chuyên môn đánh giá cao, khán giả yêu quý.
Từ nền tảng kiến thức học được và qua những trải nghiệm của hàng trăm vai diễn, nghệ sĩ Chí Linh đã tự tin với nghề đạo diễn. Anh đã dàn dựng cho nhóm các vở: "Dậy sóng Bạch Đằng Giang", "Hòn vọng phu", "Võ Tắc Thiên", "Mai trắng se duyên", "Thất tiên nữ", "Dương gia tướng", "Chung Vô Diệm", "Tam phùng duyên", "Tứ tử đậu tân khoa"... và sắp tới là "Địch Thanh".
Với thủ pháp dàn dựng mới mẻ, Chí Linh đem lại sức trẻ cho sàn diễn bằng tiết tấu nhanh, tạo không gian sinh động. Hiệu ứng của dàn nhạc cổ là điều Chí Linh rất chú trọng. Trong cách diễn xuất thể loại tuồng cổ, nghệ sĩ Vân Hà đã phụ chồng thị phạm để các bạn trẻ biết cách múa bộ sao cho gọn, chắc, thể hiện đúng khí chất của nhân vật.
Phục trang sân khấu cải lương tuồng cổ của nhóm không quá cầu kỳ, lòe loẹt chính là nhờ nghệ sĩ Vân Hà nghiêm khắc trong khâu này. "Tôi không để sự tùy tiện, phá vỡ bố cục chung, dù may phục trang là tiền túi của mỗi cá nhân nhưng phải giữ đúng tính chất vở diễn" - chị khẳng định.
Trên sàn tập, nghệ sĩ Chí Linh đã truyền dạy cho các diễn viên trẻ kỹ năng và thao tác thâm nhập bất kỳ tính cách nhân vật nào mà anh đã từng trải nghiệm. Đó là điều đáng quý của người nghệ sĩ hết lòng vì thế hệ đàn em.
Cách làm đáng học hỏi
Dù là nhóm xã hội hóa nhưng cách tổ chức rất quy củ, có lịch họp trao đổi ý kiến, có lịch tập, lịch công diễn đúng quy định đề ra nhằm giữ chữ tín với khán giả. "Nhóm Chí Linh - Vân Hà là mô hình xã hội hóa mà nhiều nhóm nghệ sĩ khác nên học hỏi. Họ tự cứu lấy nghề khi chung sức, chung lòng để có vai diễn, vở diễn mới liên tục. Khán giả đến xem thật sự thỏa mãn với sự chỉn chu của vở diễn, vai diễn" - NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, thành viên hội đồng phúc khảo Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nhận xét.
Về phía các diễn viên, họ phấn khởi khi yên tâm gắn kết với nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà để có điều kiện phát huy sáng tạo. "Tôi mang ơn lắm những vai diễn mà cô chú Chí Linh - Vân Hà dành cơ hội để chúng tôi tỏa sáng. Nhờ vậy, hành trang nghệ thuật của tôi có thêm vai Vịnh rất hay trong vở "Hòn vọng phu" - nghệ sĩ Võ Minh Lâm bày tỏ.
Bình luận (0)