Mỗi năm cứ đến tháng tư là tôi nhớ Bình Tuy (nay là huyện Hàm Tân và thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận), một vùng đất thiên nhiên hào phóng ban tặng nắng, gió và cát, biển một bên, rừng một bên. Dân tứ xứ đến đây sống bằng rừng và biển. Bình Tuy có nhiều huyền thoại như núi Ông, Hòn Bà, Cô Rô… và Bảo Đại đến đây săn bắn, Ngô Đình Nhu đi tìm vàng. Bình Tuy mang đủ sắc dân, những giọng nói cứng đơ vì vị mặn nước biển.
Mỗi năm, dù thời tiết có thay đổi, hễ thấy bầu trời có những đụn mây đứng lặng hay lờ đờ trôi, những chiếc lá vàng chưa rơi vì không có gió, hai bên đường những bụi cỏ héo, trời nắng như có lửa phả vào da thịt, không khí hầm hập, bầu trời như xà xuống thấp và những đám mây hẹn mưa mà không mưa được thì biết… tháng tư đã về!
Tháng 4-1975, tôi có một kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên. Bình Tuy, một tỉnh nghèo hiền hòa, nay bất chợt có một cơn bão đi qua, đó là một cơn bão người của đám tàn quân chính quyền Sài Gòn đủ mọi binh chủng chạy từ miền Trung theo Quốc lộ 1A để về Sài Gòn nhưng bị quân giải phóng chặn từ Ngã ba 46 cách Sài Gòn 150 cây số, vì vậy một đoàn người tơi tả bỏ của chạy lấy người, chạy tràn xuống Lagi - một thị xã nhỏ, có bãi biển đồi dương Tân Long, sóng êm biển lặng - để ra đi bằng đường biển. Từ Lagi có hai ngả để chạy: Tỉnh lộ 23 (nay là Quốc lộ 55), con đường chiến lược do Pháp mở chạy dọc theo mé biển từ biển Lagi cho đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đã bị cắt đứt, chỉ còn duy nhất con đường biển.
Tôi thức giấc nửa đêm bởi tiếng xe ầm ầm nổ máy trước nhà, tôi hé cửa sổ nhìn ra thấy một đoàn xe GMC đang dừng lại, trên xe lao xao tiếng đàn bà và trẻ con, rồi tiếng một người đàn ông cất giọng hỏi: "Đường này chạy ra bãi biển đồi dương Tân Long được không? Nhà có mua súng không?". Tôi run quá, trả lời đại: Đi xuống gặp ngã ba quẹo trái chạy đến gặp cầu sắt (cầu sắt Đập Đá Dựng), qua cầu quẹo phải, chạy một chút gặp ngã ba quẹo trái, chạy một chút… quẹo phải… cho đến khi đụng… biển!
Sáng ra, vừa thức dậy mở cửa để nghe ngóng tình hình thì có một chiếc xe Jeep lùn phủ đầy bụi đỏ, do một thanh niên cầm lái, ngừng lại trước cổng. Anh xuống xe với khuôn mặt hốc hác và bám đầy bụi (anh còn rất trẻ, nói giọng miền Nam), năn nỉ: "Làm ơn cho tôi đi vệ sinh và tắm sơ, tôi chẳng còn gì, xin tặng anh chiếc xe Jeep này!". Tôi nhìn anh ta có vẻ hiền và nói năng lễ phép, tôi hỏi lại: "Anh có súng không?". Anh trả lời như mếu: "Súng đạn mà làm gì nữa, đại bác cũng không ăn thua, còn cái thân này cầm súng chẳng đặng đừng thì giờ đây xin "giã từ vũ khí". Một chút đắn đo, tôi đồng ý cho anh đi vệ sinh và tắm nhưng tôi dặn anh phải thật nhanh và đem chiếc Jeep này rời khỏi nơi đây tức khắc, anh để chiếc Jeep lùn ở đây chỉ gây họa cho tôi. Tôi nghĩ làm vệ sinh và tắm, hai động tác này chưa tới 15 phút và chưa tốn đến… một đồng bạc (nếu tính tiền nước và tiền điện thời giá lúc bấy giờ) mà được đổi một chiếc xe Jeep! Trong hoàn cảnh đặc biệt này, tất cả đều rẻ kể cả mạng sống thì chiếc xe Jeep này là đồ bỏ, không đáng… một xu!
Gần nửa thế kỷ đi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ anh mỗi khi tháng tư về. Khi tắm xong, anh mỉm cười bắt tay tôi cảm ơn. Hình như tắm sạch sẽ, nét mặt anh tươi trở lại, anh còn triết lý trước khi chia tay: "Sạch và nhẹ trong người rồi, nếu có chết lên thiên đường hay xuống địa ngục cũng… nhẹ nhàng! Con người nếu có nhẹ nhàng về thể xác lẫn tâm hồn thì chết sẽ sớm siêu thoát phải không?". Tôi cũng đáp lại: Anh mau mau thoát khỏi chỗ này và cầu mong anh thoát cho… siêu!
Bình Tuy, những ngày tháng tư đó cũng có nhiều câu chuyện cảm động. Một anh lính trẻ chạy từ miền Trung vào, quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù tay khư khư ôm chiếc ba lô, đôi mắt thì đỏ hoe vì thiếu ngủ, ngơ ngác ở chợ cá biển Lagi tìm ghe để về Vũng Tàu - Long Hải. Lúc này cửa biển sông Dinh (nơi chợ cá Lagi) đông người, kẻ đi người ở gọi nhau í ới. Anh lính này đến làm quen với tôi để nhờ tôi chỉ cho anh một chiếc ghe xin đi ké vì anh không còn một đồng xu dính túi! Tôi hỏi anh cái gì ở trong ba-lô (tôi sợ anh giấu súng), anh trả lời rằng em bị bắt quân dịch, đi lính 3 năm rồi, trong ba-lô chỉ có chai mật ong rừng. Tháng rồi, em có viết thư về gia đình, hứa với mẹ rằng em để dành chai mật ong này khi nào về phép em sẽ biếu mẹ em. Nhưng bây giờ khác rồi, chắc mẹ em vui không phải vì chai mật ong rừng này mà vui vì hòa bình em không còn xa mẹ nữa… Nếu anh giúp được em, em xin biếu anh chai mật ong!
Trong hoàn cảnh này, người lính trẻ còn nghĩ đến món quà dù chỉ là chai mật ong để trả ơn cho tôi, tôi nghĩ em là người tử tế. Tôi nói với em rằng em hãy giữ chai mật ong rừng để mang về cho mẹ em và em hãy đi theo tôi vì tôi cũng đang tìm ghe đi Vũng Tàu! Đôi mắt người lính trẻ vụt sáng, chúng tôi xuống ghe rời cửa biển Lagi.
Trong chiến tranh có những câu chuyện thật như đùa, như chiếc xe Jeep và chai mật ong rừng. Họ là những người lính còn rất trẻ và chắc từ đây, họ sẽ không chết vì chiến tranh nữa rồi! Chiến tranh đã qua, thời gian đã đi quá xa, cho nên tất cả có thể gọi là… ngày xưa. Cho dù tháng năm lùi vào dĩ vãng nhưng viết lại những dòng này, tôi thấy hình như mới gần đây thôi và đôi mắt tôi bỗng cay… Chiến tranh, ôi sao nghiệt ngã, khó mà quên được!
Bình luận (0)