Sau những cuốn tiểu thuyết "Đèn vàng", "Trần Huy Liệu - Cõi người", "Cậu ấm"…, vẫn chưa hết độ nóng, Trần Chiến tiếp tục ra mắt cuốn "Chín bỏ làm mười" (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ) với một phong cách lạ lẫm, vừa nhẩn nha kể lại những ký ức về Hà Nội đã xa vừa khơi gợi sự song chiếu những vấn đề đương đại.
Giọng kể mới lạ rất duyên…
Dễ dàng nhận thấy điểm độc đáo nhất của cuốn tiểu thuyết này chính là sự luân phiên của 7 ngôi kể - 7 nhân vật như là những nhân chứng bình dị, sinh động cho phố Hàng Nồi những năm 1960. Trần Chiến đã cho thấy một phong cách khác biệt khi không đuổi theo một cốt truyện chính, một nhân vật, một sự kiện xuyên suốt, đặc biệt là không phát huy ngòi bút miêu tả tâm lý vốn sở trường bậc nhất ở ông. Thế nhưng, bù đắp vào đó là 7 lời kể dẫn người đọc đến với những mẩu chuyện nhỏ đời thường. Tổng thể tác phẩm không có cao trào thật kịch tính (trừ cái chết của Lâm đồng cô cuối truyện) bởi chúng đã được "nhạt hóa" qua lời kể, điểm nhìn của các nhân vật khác nhau. Song chúng giống như "những nỗi niềm nhỏ, góp lại một đám cháy lớn". Từng câu chuyện như thể từng scene phim hiện ra, cuốn ta vào số phận các nhân vật ở Hàng Nồi.
Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là những sự kiện, những vấn nạn trong quá khứ được kể với giọng điệu mới mẻ, những từ ngữ trẻ trung, vui nhộn làm cho không khí nhuốm màu vàng nâu của ký ức trở nên trong trẻo hiện đại. Những đối thoại không tách hàng, không ngắt câu làm ta có cảm giác đời sống cứ như ùa vào câu chữ, rất đời thường, rất dí dỏm. Đặc biệt, những mẩu chuyện nhỏ về giáo dục trẻ em, điểm số, cách dạy, cách học, việc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, lối cư xử nặng tính tập thể… đầy sức ám ảnh, khơi gợi người đọc đối chiếu với những gì diễn ra hôm nay. Tác giả đã "kể chuyện" một cách nhẹ nhõm, hài hước, không mang màu sắc kỹ xảo, kỹ thuật, khiến người đọc không cảm thấy nặng nề bởi những điều to lớn (nếu có) gửi gắm trong tác phẩm. Ngược lại, ta cảm thấy thú vị như đang đọc lén nhật ký của một đứa trẻ (Mọt sách), nghe lén những tâm sự tỉ tê của một người phụ nữ (Hiếu "cơm"), những suy nghĩ thầm kín của một anh dân phòng khôn ranh... Những luân phiên điểm nhìn dẫn đến sự đa dạng trong giọng điệu, sắc thái: tác phẩm là nỗi vui buồn, hồn nhiên đan lẫn với những nỗi niềm trăn trở.
Bìa cuốn sách “Chín bỏ làm mười”
Cư xử sao cho phải?
Xuyên suốt tác phẩm là lối sống (cũng là tựa đề) "Chín bỏ làm mười" từng hiện diện trong những mâu thuẫn văn hóa một thời, khi con người mắc kẹt giữa một bên là cá tính cá nhân và một bên là nếp sống cộng đồng, lối cư xử đánh đồng tập thể. Cá nhân trở nên loay hoay giữa một bên là cái mới, cái riêng khao khát vươn lên và một bên là định kiến, là "truyền thống" đã bám rễ sâu nặng. Trước những giằng co đó, nhân vật đã phải hạ những gì riêng tư của bản thân xuống, để nhường nhịn, để yên lành cho bản thân và cho gia đình. Cách sống giữa cộng đồng ấy, đến nay vẫn đúng hay đã lỗi thời? Liệu chúng ta cứ phiên phiến, nể nang, xí xóa cho mọi thứ thì phải chăng đồng lõa cho tiêu cực, châm chước cho cái xấu lên ngôi…? Lúc nào vì yêu thương mà độ lượng, bao dung - lúc nào vì yêu thương mà chống lại, tranh đấu? Những câu hỏi như thế đã được Trần Chiến khơi lên qua giọng kể nhẹ tênh, hài hước. Với "Chín bỏ làm mười", ta sẽ hiểu rằng "sống sao cho trọn" chưa bao giờ là điều dễ dàng và chưa bao giờ ngừng thôi thúc ta đi tìm một cách sống tự do, minh triết.
Trên hết, Trần Chiến đã nhìn thấu nhiều vấn đề về tâm thế, về cách cư xử của người Việt bằng con mắt sắc sảo và yêu thương. Kết truyện lửng lơ về tuổi thơ, về quá khứ của ông đã khơi gợi người đọc nghĩ tiếp về lối sống hôm nay.
Bình luận (0)