Hẳn nhiên, việc xem thường khán giả trong thời điểm có vô số lựa chọn tốt từ các phim nội lẫn ngoại như hiện nay, nhà sản xuất sẽ phải trả giá về doanh thu nhưng mất mát kèm theo đó còn là niềm tin, định kiến của khán giả dành cho phim Việt nói chung.
Cảnh trong phim “Người lạ ơi” (Cắt màn hình)
Phim "Người lạ ơi" (chính thức ra rạp từ ngày 13-9) do Trương Chí Bình đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên: Karik, Thùy Anh, Trương Thế Vinh, Mỹ Duyên, Huy Khánh... Ngay từ thời điểm công bố, tác phẩm tạo được chú ý của công chúng bởi "Người lạ ơi" là ca khúc đình đám trên thị trường nhạc Việt đầu năm 2018. Video ca nhạc này thu hút hơn 180 triệu lượt xem qua YouTube tính đến nay. Trái với kỳ vọng về một tác phẩm điện ảnh phát triển từ ca khúc đã có sẵn một lượng hâm mộ lớn, "Người lạ ơi" khiến người xem ngán ngẩm trong suốt buổi công chiếu tối 9-9 tại TP HCM bởi kịch bản nhảm, diễn xuất tệ. Nội dung phim xoay quanh nhân vật tên Đăng (Karik đóng) làm nghề DJ nhưng lại nổi tiếng phóng đại đến mức hoang đường. Đăng DJ như "ông hoàng" showbiz với hàng tá cô gái xoay quanh và cô nào cũng muốn "lên giường" dù anh chàng tuyên bố mình chẳng bao giờ vướng vào tình yêu chân thật. Các cô biết rõ Đăng DJ chỉ vui đùa với mình nhưng lụy tình một cách vô lý. Sức hấp dẫn Đăng DJ lớn đến mức không chỉ thu phục dễ dàng con gái của ông trùm quyền lực mà còn cả cô gái... ngoài hành tinh, đến từ sao Kim. Kịch bản phim là "nồi lẩu thập cẩm" bát nháo, rối rắm pha trộn nhiều thể loại từ tình cảm hài, giả tưởng, cổ trang... nhưng không cái nào ra cái nào. Tất cả tạo nên đường dây câu chuyện gãy ngay từ ban đầu, người xem không hiểu nói về cái gì bởi sự vô lý, bất nhất. Bối cảnh phim chỉ xoay đi xoay lại quanh vài tòa nhà rồi một trung tâm thương mại ở TP HCM. Về mặt diễn xuất, Karik diễn xuất đơ cứng, lời thoại không cảm xúc. Các nữ diễn viên trẻ khác yếu đài từ, cách diễn thiếu thuyết phục.
Một tác phẩm kém hơn cả web-drama (phim chiếu mạng), dưới chuẩn về mặt chất lượng nội dung, đi ngược lại xu thế phát triển của điện ảnh Việt kiểu thế này được ra rạp không phải hiếm. Gần đây, phim "Cậu chủ ma cà rồng" (ra rạp ngày 23-8) của đạo diễn Trần Nhân Kiên cũng là một trong số phim được gắn mác "xem thường khán giả". Phim dưới trung bình ở tất cả yếu tố từ kịch bản, cách kể chuyện, diễn xuất, kỹ xảo, âm thanh... Nội dung phim đơn giản kể lại chuyện 5 cô gái loài người đến tòa lâu đài ứng tuyển vị trí quản gia. Bản thân mỗi cô gái khi đến ngôi biệt thự cũng có mục đích riêng nên đấu đá, loại trừ nhau. Phim có kịch bản vô lý, nhiều chỗ khó hiểu vì hành động nhân vật quá ngây ngô, diễn biến tâm lý thiếu thuyết phục. Thậm chí, hai nhân vật gặp nhau đôi ba cảnh lại tuyên bố yêu sâu đậm, sống chết khiến người xem phải bật cười. Về diễn xuất, tất cả nhân vật đều đơ cứng, câu thoại ngây ngô, chuyển cảnh vô tội vạ... Phim như một vở kịch rời rạc, thiếu cuốn hút trên màn ảnh rộng.
Hiện nay, hầu hết các phim Việt chất lượng quá kém đều không có khả năng doanh thu. Bởi khán giả Việt không dễ dãi ủng hộ những sản phẩm xem thường họ như thế. Nó cho thấy rõ đã qua rồi thời phim Việt chỉ cần người nổi tiếng, ngoại hình đẹp, hài nhảm nhí là được ủng hộ. Phim không có chất lượng thực sự, không tạo được sự lan tỏa thì dù có quảng bá, chiêu trò cỡ nào cũng khó thành công. Nhiều người trong giới nhận định tôn trọng khán giả, tạo sản phẩm chất lượng là tiêu chí hàng đầu của một tác phẩm điện ảnh hiện nay. Nếu không thực hiện được thì tốt nhất không nên tham gia, bởi điện ảnh không phải trò chơi. Các tác phẩm tệ hại ra rạp sẽ chỉ làm cho khán giả giảm dần niềm tin đối với điện ảnh trong nước, điều mà người làm nghề chân chính luôn lo sợ và cố gắng củng cố niềm tin ấy hằng ngày bằng các tác phẩm tử tế.
Bình luận (0)