Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên du học rồi định cư ở Pháp vì thế nên từ lúc sinh ra đến giờ, tôi chưa từng một lần đặt chân đến Sài Gòn – TP HCM. Nhưng rồi một cách tình cờ, tôi bất chợt thương nhớ TP phương Nam này.
Nơi tôi ở có rất nhiều các thế hệ Việt kiều cha chú người gốc Sài Gòn sang đây từ hàng chục năm trước. Có người đã sống gần hết đời nơi đất khách, nhưng vẫn giữ trọn vẹn hình hài quê hương trong chất giọng nhẹ nhàng, dễ thương. Mỗi lần gặp tôi, họ thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm của ngày xa, những kỷ niệm mang theo sau mỗi chuyến hồi hương thăm quê. Họ kể cho tôi nghe bằng những ngôn từ mộc mạc khiến đôi khi tôi cứ ngỡ như đang ngồi ở một góc nào đó của TP HCM. Họ khiến tôi cười lí lắc. Cười vì tính dễ thương của họ, cười vì sự hồn nhiên nổi tiếng của những con người miền Nam mà tôi luôn được nghe kể.
Có lần, một cụ ông khoảng hơn tám chục tuổi hỏi tôi :
- Cô biết sở ông Năm hông cô ?
Thú thật, khi nghe ông hỏi, tôi nghệt mặt ra nghe. Chao ôi giọng của người già đó thật dễ thương. Với những người ít khi được nghe tiếng Việt và càng hiếm khi được nghe chất giọng miền Nam đặc sệt đó, giọng nói đó khiến tôi bất ngờ, tôi trả lời :
- Không, cháu không biết sở ông Năm.
- Ừ, giờ nói sở ông Năm thì hiếm ai biết thiệt. Nhưng hồi tôi còn nhỏ, người ta gọi đó là sở ông Năm. Là Bến Nhà Rồng đó cô.
- Vâng, Bến Nhà Rồng thì cháu biết. Nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành năm xưa ra đi tìm đường cứu nước.
- Đúng rồi.
Bến Nhà Rồng, nơi năm xưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
Ông lôi ra chỉ cho tôi xem một cuốn album dày cộm toàn ảnh của Bến Nhà Rồng. Lật từng trang album, ông giới thiệu :
- Nếu ai chưa biết Sài Gòn, chỉ cần xem qua lịch sử của sở ông Năm sẽ thấy hôm nay thành phố đã có nhiều đổi khác. Đây là tấm bưu thiếp, cha mẹ tôi nhận được hồi tôi còn nhỏ nghen cô. Hồi đó chỉ có mỗi tòa nhà hai tầng xây kết hợp phong cách Đông - Tây, trên nóc nhà gắn hai con rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt".
Tôi vẫn nghệt mặt nghe ông nói, vì những câu chuyện ông kể rất thú vị và hơn hết tôi thích chất giọng của người già ngọt ngào như điệu vọng cổ ấy. Nói đến vọng cổ, ngay từ hồi còn bé, tôi đã say mê cải lương, lớn hơn chút tôi mê say những điệu vọng cổ đến độ có thể nghe cả ngày đêm giọng ca Lệ Thủy, Minh Vương và của nhiều nghệ sĩ khác.
Ông lật sang trang thứ hai, bàn tay vội dừng lại :
- Cô có biết lịch sử của bến cảng hông ? Nhìn nó bé vậy thôi, nhưng mà hiểu nó là hiểu cả lịch sử phát triển của Sài Gòn đó nghen.
Với bất cứ người Việt Nam nào, những câu chuyện về Bến Nhà Rồng không còn là một điều xa lạ, nhưng tôi vẫn lắc đầu để khuyến khích ông kể tiếp.
- Hồi đầu là người Pháp xây dựng cảng với mục đích làm khu thương cảng Sài Gòn để làm đầu mối thông thương với quốc tế tại khu Bến Thành cũ, nằm ven sông Sài Gòn, tương ứng với vị trí bến Bạch Đằng ngày nay. Nhà Rồng, ban đầu gọi là trụ sở Công ty Vận tải Hoàng đế được khởi công xây dựng vào đầu năm 1863 và hoàn thành trong một năm làm nơi ở cho viên tổng quản lý và nơi bán vé tàu.
Rồi ông lật tiếp, lần này là một bức ảnh đen trắng :
- Hai năm sau hãng cho dựng thêm một cột cờ hiệu bằng thép cao 40m trên vị trí đồn dinh quan Thủ Ngữ trước đây để làm hiệu cho các tàu bè ra vào cảng. Dân gian gọi là Cột cờ Thủ Ngữ. Hồi giờ nó nằm tại đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Lần trước tôi về, công trình vừa được trùng tu lại, được công nhận di tích lịch sử đó cô.
Ông vẫn tiếp tục lật những trang của cuốn album, ở mỗi trang ông đều có những điều giải thích, những chi tiết thêm vào, những mẩu chuyện hấp dẫn. Trước khi lật qua những trang cuối, ông dừng lại kể :
- Gia đình tôi rời Sài Gòn năm 1954 từ bến cảng này. Hồi đó, trong cảnh nhộn nhạo hồi hương của lính Pháp, tôi chỉ giữ lại một vài hình ảnh của Sài Gòn, cũng bởi hồi đó tôi còn nhỏ nên trí nhớ chỉ giữ lại có bấy nhiêu.
Và ông tiếp tục lật.
- Đây là ảnh Bến Nhà Rồng năm 2016, lần cuối tôi trở về. Ảnh đẹp đúng hông cô ? Lúc đầu, tôi có chút ngỡ ngàng. Diện mạo thành phố đã có nhiều thay đổi khiến tôi hổng nhận ra, chỉ có tòa nhà của bến cảng Nhà Rồng là không đổi thay nhiều.
Ông dừng lại nhìn tôi trước khi kết luận :
- Thật tốt khi lịch sử được gìn giữ.
Đến lượt tôi ngước mắt nhìn ông :
- Cũng như ông vẫn giữ được chất giọng của Sài Gòn.
Chúng tôi cùng gật gù thừa nhận nhận xét của nhau. Người già đó, dù chỉ sống vài năm đầu đời ở quê hương, nhưng ông đã giữ gìn chất giọng đặc sêt của người Sài Gòn, một chất giọng nhẹ nhàng, sâu lắng và tha thiết. Tha thiết như chính tấm lòng của những con người tha hương luôn hướng về thành phố. Tha thiết như chính ánh mắt của họ luôn dõi theo những đổi thay dù là nhỏ nhất của một góc thành phố. Ông đã thuyết phục tôi bằng chính tình yêu với quê hương của mình. Không khó hiểu để trái tim của người tha hương như tôi bất ngờ nhận ra mình đã thương Sài Gòn – TP HCM, thương chất giọng ngọt ngào ấy dù chưa một lần đặt chân đến mảnh đất đó.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)