Ngày 5-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức tọa đàm "Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Báo chí, xuất bản phối hợp chặt với văn học, nghệ thuật
Tham dự tọa đàm có bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM; PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM. Chủ trì tọa đàm có các ông: Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Bùi Anh Tấn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TP HCM.
Tọa đàm đã nhận được 37 tham luận từ các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. Mỗi tham luận là góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học - nghệ thuật nói chung, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật nói riêng. Các tham luận đều tập trung phân tích làm rõ vai trò, tầm quan trọng của báo chí, xuất bản trong đời sống xã hội; vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm văn học - nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện của TP HCM hiện nay.
Gần 40 năm đổi mới, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật. Nhà báo Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh: "Tọa đàm là dịp để lãnh đạo thành phố tiếp tục trao đổi, lắng nghe phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên giáo các cấp... đóng góp những giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, nhất là tham gia quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
PGS-TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM - thẳng thắn cho rằng nhận thức về chức năng và tầm quan trọng của văn học - nghệ thuật chưa được các ngành, các cấp quan tâm, quán triệt đúng mức, đầy đủ. Đầu tư cho văn học - nghệ thuật chưa tương xứng và dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo - chưa được tập hợp thành sức mạnh lớn, chưa thực sự được bồi dưỡng nghiệp vụ đạt hiệu quả cao, cũng chưa được khơi dậy nhiệt huyết, tình cảm sáng tác.
PGS-TS Trần Luân Kim đề xuất cần định kỳ tổ chức các tọa đàm, hội thảo nghề nghiệp, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề nhằm định hướng quan điểm, phương pháp sáng tác cụ thể. Cải tiến nội dung cũng như tổ chức các chuyến về nguồn, đi thực tế, trại sáng tác theo hướng gọn nhỏ và hiệu quả, vừa "chọn mặt gửi vàng" và khoanh theo cụm đề tài cụ thể. Tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội hiệu quả. Cần sớm tổ chức đội ngũ nòng cốt, sẵn sàng phản bác các luận điệu sai trái, hiện tượng phản văn hóa, trái với đường lối của Đảng. Phối hợp giữa báo chí, xuất bản với các ngành văn học - nghệ thuật để giới thiệu, tuyên truyền, phân tích, luận giải các tác phẩm văn học - nghệ thuật một cách thấu triệt, bài bản.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu trao đổi tại tọa đàm ngày 5-7
Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản
Tại tọa đàm, các ý kiến tập trung đề nghị các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản cần nhạy bén trong nhận diện thông tin chính thống, không chạy theo lượng truy cập mà sử dụng những tiêu đề giật gân, câu khách.
Một số quan điểm xoay quanh nhận thức về vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật. Qua đó cho thấy tính nhạy bén còn phải bám sát việc tăng cường và kiên định sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền thành phố đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học - nghệ thuật.
Từ trái sang: Nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Trầm Hương, PGS TS Trần Kim Luân và đạo diễn Thanh Hiệp tại toạ đàm (Ảnh: MINH TÂM)
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không phải chỉ là câu khẩu hiệu mà phải được thực thi bằng chiến lược. Nó phải là lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trên thế giới phẳng về văn hóa hiện nay. "Muốn vậy, TP HCM phải có chiến lược bảo vệ văn hóa và được thực thi trên cơ sở pháp luật, phải xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật phát triển" - nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đề xuất.
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh: "Cần phát huy vai trò của báo chí, xuất bản thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới; nâng cao mục tiêu, lý tưởng cách mạng trong đội ngũ làm công tác báo chí, xuất bản và đội ngũ sáng tác văn học - nghệ thuật; phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ nhà báo, văn nghệ sĩ trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Bình luận (0)