Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động đã đến thăm và trao quà hỗ trợ 5 triệu đồng cho Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động đã đến thăm và trao quà hỗ trợ 5 triệu đồng cho Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn và nhạc sĩ Phùng Trọng.
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn: Cả đời dành cho sự nghiệp đào tạo
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn xúc động vì trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã mang những món quà tinh thần ý nghĩa hỗ trợ cho hơn 130 văn nghệ sĩ trên cả nước.
Ông từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II, sau là Trường Cao đẳng Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (và nay là Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP HCM). Nhờ ông mà khóa đạo tạo Đại học đạo diễn đầu tiên tại phía Nam được lãnh bằng tốt nghiệp gồm: Thành Hội, Minh Hạnh, Mỹ Khanh, Thanh Hiệp, Tất My Ly...
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn giới thiệu về những bài báo và ảnh lưu niệm của gia đình theo nghề hát
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn sinh năm 1946 tại Hà Nội, là con trai thứ của NSND Ái Liên, một nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đất Bắc và doanh nhân Hà Quang Định.
Lớn lên từ rạp hát của gia đình, năm ông 8 tuổi đã mê điệu cải lương ngọt ngào. Khi lớn lên ông trốn ba mẹ thi vào khoa Diễn viên Cải lương tại trường Ca kịch Dân tộc (nay là Đại học Sân khấu).
Năm 1985, ông rời Hà Nội, vào miền Nam bắt đầu giảng dạy tại khoa Cải lương, Trường Nghệ thuật Sân khấu II.
Cả cuộc đời gắn bó với sân khấu cải lương, nghệ thuật Dù kê Trà Vinh và trên bục giảng, đến nay ông đã dựng được hơn 100 vở và thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu về cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống. Trong số này có có nhiều vở để lại tiếng vang lớn như: "Ký họa đồng bằng" năm 1990 (tác giả: Lê Duy Hạnh); "Quay về kỷ niệm" năm 1995 (tác giả Huỳnh Thanh Tuấn)… đoạt nhiều Huy chương vàng, Huy chương bạc ở các hội diễn toàn quốc. Nhiều năm giảng dạy, nhận thấy có nhiều bạn trẻ say mê sân khấu, điện ảnh nhưng không đủ điều kiện theo học tại trường chính quy, ông đã kết hợp với Đài Truyền hình TP HCM, vận động thầy cô và sinh viên trường thực hiện chương trình "Sân khấu học đường" – một chương trình giảng dạy diễn xuất trên truyền hình.
NSND Ái Liên và Doanh nhân Hà Quang Định - cha mẹ của Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn
Dù đã về hưu từ năm 2007 nhưng ông vẫn luôn tất bật với công việc chấm thi, dàn dựng, cố vấn nghệ thuật cho các liên hoan sân khấu và tham gia thỉnh giảng tại các trường đào tạo diễn viên… Ông tâm sự: "Làm sao mà nghỉ ngơi cho được khi các thế hệ học trò còn cần đến tôi, dù trút hơi thở cuối cùng tôi vẫn muốn được là điểm tựa cho thế hệ trẻ".
Vở cải lương "Ma lực đồng tiền" do ông dàn dựng cho Đoàn Cải lương Ánh Hồng (Trà Vinh), tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đã để lại nhiều dấu ấn đẹp.
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn và đạo diễn Thanh Hiệp
Ông đã nhắc đến những năm tháng tiếng hát át tiếng bom, khi mà trong ba lô của ông có đủ phục trang, đạo cụ, lương thực… để cùng đồng đội trong Đoàn Cải lương Nam Bộ ra chiến trường. Ông tham gia với chiếc nôi nghệ thuật cách mạng này từ năm 1962. Đến năm 1966, đoàn đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở Lạng Sơn và năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị.
"Một lần tôi suýt chết trong gang tấc khi diễn ở Yên Bái, đoàn bị ném bom dữ dội. Những năm tháng phục vụ tuyến lửa là chất liệu để tôi dựng những vở cải lương về đề tài chiến tranh, đem câu chuyện của mình nhắn gửi gắm cho lớp học trò sau này" – ông chia sẻ.
Với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp trồng người, ông đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba (năm 2004), Huân chương vì thế hệ trẻ, Huân chương vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam... Năm 2006, ông vinh dự là một trong hai nhà giáo đầu tiên của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
"Cảm ơn tấm lòng và tình cảm của chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã dành cho tôi với món quà sâu sắc này. Chúc cho chương trình lan tỏa rộng khắp cả nước, trợ giúp nhiều văn nghệ sĩ còn khó khăn hơn trong điều kiện cùng cả nước chống bệnh dịch" – Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn tâm sự.
Nhạc sĩ Phùng Trọng: Tay trống cự phách về già bán vé số
Đoàn đã đến thăm nhạc sĩ Phùng Trọng trong một ngôi nhà nhỏ mà vợ chồng ông thuê ở quận Bình Tân, TP HCM. Năm nay ông đã 85 tuổi, nhưng vẫn đi bán vé số mỗi ngày hai buổi sáng và chiều.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động đã đến thăm và trao quà hỗ trợ 5 triệu đồng cho nhạc sĩ Phùng Trọng.
Ông tên thật là Bùi Hữu Trí sinh ngày 4 tháng 4 năm 1936. Thời trai trẻ ông là một tay trống lẫy lừng tham gia nhiều ban nhạc từ cải lương cho đến đại nhạc hội tại Sài Gòn thập niên 60. Ông gắn bó với đoàn cải lương Thanh Nga, sau đó lần lượt đi diễn với những đoàn kịch: Bông Hồng, Kim Cương, Cửu Long Giang…
NSND Kim Cương từng kể về ông bằng niềm tự hào: "Giai đoạn những năm đầu thống nhất đất nước, hằng đêm sân khấu của Đoàn kịch nói Kim Cương sáng đèn, khán giả chú ý đến ban nhạc của chúng tôi. Làm nên thương hiệu của ban nhạc có công rất lớn của nhạc sĩ Phùng Trọng. Ông là tay trống cự phách, sinh động, chơi nhạc cũng giỏi mà đệm tiếng động gây cao trào cho những lớp kịch rất độc chiêu. Năm nào chương trình "Nghệ sĩ tri âm" cũng đón chào anh, có hai năm nay do tuổi già sức yếu, anh không còn đến với chương trình, nên chúng tôi mang quà đến tận nhà trao tặng. Thương lắm, do nghèo khổ, để có tiền nuôi thân anh đi bán vé số".
Nhạc sĩ Phùng Trọng
NS Tú Trinh bộc bạch: "Nhạc sĩ Phùng Trọng tham gia ban nhạc cải lương, gắn bó với đoàn Thanh Nga rất lâu. Ông đa tài lắm, chơi nhạc trẻ cũng giỏi mà đệm trống cho dàn nhạc cải lương cũng sôi nổi. Trong sự nghiệp nghệ thuật ông còn truyền dạy cho nhiều tay trống trẻ, giúp họ phát huy tài nghệ nhưng tuyệt đối ông không nhận mình là thầy, chỉ xem mình là người đi trước trao truyền những bài học quý cho đàn em".
Nhạc sĩ Phùng Trọng và ban nhạc Khánh Băng trước năm 1975.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, nhạc sĩ Phùng Trọng vẫn còn đi bán vé số để có tiền mưu sinh. Ông chia sẻ: "Tôi được nhiều bạn bè thân hữu trong ban nhạc thỉnh thoảng đến giúp. Người cho gạo, người tặng cá…nhưng để có trả tiền thuê nhà hàng tháng thì tôi phải đi bán vé số tích cóp mỗi tháng đóng tiền nhà, tiền sinh hoạt trong gia đình. Hôm nay nhận món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái" thật ấm lòng, tôi xin cảm ơn và xin ghi nhớ mãi mãi tình cảm này. Mong chương trình sẽ phát triển để giúp đỡ cho nhiều nghệ sĩ còn khổ hơn tôi do bệnh tật, hoạn nạn".
Bình luận (0)