Các tác phẩm được 3 nghệ sĩ sáng tác trong 3 tháng tại Đà Lạt, tập trung vào cách xử lý và thể hiện những cự ly xa gần trong việc khai thác chủ đề cảnh quan và quần thể sinh vật Đà Lạt.
"Sinh cảnh" là chương đầu tiên trong chuỗi triển lãm "Những trường thị giác", được giới thiệu đến người xem từ ngày 9-12 tại Đà Lạt.
Trường thị giác là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất. Mỗi cá nhân sở hữu một trường thị giác và một quang phổ riêng, những gì từng người nhìn thấy là đặc trưng và độc bản, kể cả khi họ đang quan sát cùng một vật thể. Chính đặc điểm này tạo nên sự đa dạng trong những tạo tác của mỗi nghệ sĩ.
Phan Thị Thanh Nhã là một nhà thực vật học và họa sĩ minh họa thực vật. Xuất phát điểm là một nhà nghiên cứu khoa học, Thanh Nhã bước vào cộng đồng thực vật họa từ năm 2021, sau một thời gian dài vẽ minh họa thực vật.
Thanh Nhã là đại diện đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trong cuộc thi minh họa thực vật quốc tế tại Giải thưởng Margaret Flockton năm 2023 ở Úc.
Phan Thị Thanh Nhã có một sự tỉ mẩn đặc biệt, khó có một loài cây nào lướt qua lại không lọt vào tầm quan sát của cô. Việc quan sát không chỉ dừng lại ở góc nhìn, mà còn là sự phân tích chi tiết từng nhành cây, ngọn cỏ, là sự tìm hiểu sâu hơn bề mặt qua từng trang sách qua quá trình định danh loài.
Phạm Xeen là một họa sĩ tốt nghiệp khoa Lụa tại trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Thực hành của anh xoay quanh những khung cảnh gần gũi, những quán xá khuyết đi bóng dáng con người. Đối với Xeen, việc sáng tác đồng nghĩa với việc giải tỏa cảm xúc và đón chào những góc nhìn thấu cảm.
Tác phẩm của Phạm Xeen
Với Phạm Xeen, mọi thứ như được lọc qua một lớp sương mù, toàn bộ khung cảnh hiện ra từ từ, như trước khi ống kính máy ảnh được điều chỉnh về tiêu cự chuẩn, cảm giác về sự nhòe lúc này hiện diện rõ hơn bao giờ hết.
Những vệt loang trên toan của Phạm Xeen là một không gian không xác định, mơ màng với những các kí ức phân mảnh. Những sinh hoạt, sinh cảnh lấp ló dưới những cơn mưa, vệt nắng. Xeen sử dụng những kĩ thuật trên lụa để vẽ với sơn dầu, tạo nên hiệu ứng mờ nhòe đặc trưng cho thực hành của anh.
Hà My là một trong những họa sĩ hiếm hoi kiên trì theo đuổi phong cách Trung Quốc họa với thể loại hoa điểu họa, cô sử dụng kĩ thuật công bút để có thể truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp của các sự vật tự nhiên.
Tác phẩm của Hà My
Những chủ thể của My là chim muông và cây cỏ, hay còn được biết với tên gọi hoa điểu họa trong Trung Quốc họa, cô áp dụng những quy tắc trong Lục pháp luận để truyền tải các sự vật được tự nhiên nhất.
Bình luận (0)