Phải qua đại dịch, nhiều người sống ở các chung cư, khu phố mới biết thêm được nhiều người hàng xóm quanh mình. Ngày thường ai cũng đi làm, tối ai về nhà nấy, những người trẻ (nhất là người độc thân) sau công việc thường đi chơi với bạn bè hoặc về nhà đóng cửa tận hưởng cuộc sống theo cách riêng. Giao tiếp với hàng xóm hầu như không nhiều, chủ yếu gặp nhau trong thang máy chung cư hoặc sáng chiều hai bữa đi về chạm mặt nhau đầu ngõ, chào nhau một tiếng rồi đi.
Hiểu thấu lòng người
Vậy nhưng qua đại dịch, người ta rõ nhau nhiều hơn. Té ra cô A. là nhà báo, ông B. là bác sĩ, anh T. là sếp của một doanh nghiệp, chú B. chạy xe công nghệ… Những ngày giãn cách xã hội, họ đã biết về nhau nhiều hơn, quan tâm chăm sóc cho nhau, giúp nhau đi qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh.
Một bó rau, ít củ quả đặt trước hiên nhà, kêu nhau ra nhận gạo. Hỏi nhau về tình hình dịch bệnh, báo cho nhau về những người vừa đưa vào bệnh viện, đan kết sự kiện, thông tin để hình dung ra người vừa được nhắc đến nếu chưa quen biết nhiều về họ. Qua dịch, mới thấu hiểu tấm lòng người đối đãi với nhau. Ai cũng cầu mong cho những người mắc bệnh sớm vượt qua, trở lại với cuộc đời; xót xa khi người quen biết phải từ giã cõi đời, để lại cha mẹ già, con nhỏ…
Qua đại dịch, mới thấy mạng người đôi lúc mỏng manh, nhiều người ra đi quá nhanh, quá bất ngờ, để lại bao tiếc thương. Lúc sinh thời, một nhà văn nổi tiếng ngày nào cũng nhắn cho bạn văn dặn dò luôn cẩn trọng phòng ngừa, chúc nhau vượt qua những ngày dịch giã hoành hành, ai ngờ ông lại bị mắc Covid-19 và chỉ trong một tuần đã vĩnh biệt cõi đời. Cái chết của ông cũng như một lời nhắc, rằng ngoài phương tiện, tài năng của y - bác sĩ, còn có sự may mắn hoặc chờ mong vào phép mầu giữ lại cho ta người thương quý bên đời.
Nhưng con người, với bản năng sinh tồn, thích nghi mạnh mẽ luôn biết cách chế ngự hoặc thuận theo thiên nhiên mà sống. Khi hiểu rõ về Covid-19, con người thay đổi dần nhận thức, không thể tiêu diệt virus quái ác với những biến chủng thì phải sống chung, thích ứng. Nhân loại đi qua những đợt dịch để rút ra nguyên lý đơn giản mà hữu hiệu là tuân thủ các nguyên tắc như ta thường gọi là 5K. Chiếc khẩu trang, từ chỗ bị dị ứng đã thành vật quen thuộc với người dân Âu, Mỹ. Tiêm vắc-xin từ kêu gọi tự nguyện đã thành bắt buộc ở nhiều quốc gia để bảo đảm an toàn cộng đồng.
Kết nối để tăng sức chống đỡ, thích nghi
Có ai trong chúng ta suốt 2 năm qua không từng phân vân khi đi dự một sự kiện khá đông người, như một đám tang, chẳng hạn. Có những thời điểm với các quy định về mức độ phòng chống dịch, giãn cách xã hội khác nhau ở các địa phương, nhiều người đã ngại ngần, dù có thể tới dự được. Điều đó là có thể thông cảm vì không dự là tránh một nguy cơ, bởi những người khác chưa chắc đã biết tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch. Cho nên tang quyến ngày nay cũng không câu nệ lễ nghĩa hình thức, không trách móc, thậm chí còn thấu hiểu và cảm ơn với dòng tin, cuộc gọi chia buồn. Chỉ những trường hợp chẳng đặng đừng, vì quan hệ gia đình thân thuộc và trong điều kiện cho phép thì đi dự với sự tuân thủ nguyên tắc 5K, thắp nén nhang cho người đã khuất.
Hãy hình dung nhân loại sẽ ra sao nếu không có phương tiện kỹ thuật cùng công nghệ, kỹ thuật số trong đại dịch này? Không sản xuất kịp vắc-xin, số người tử vong hẳn sẽ rất cao. Không có phương tiện hiện đại và tay nghề cùng sự dấn thân của y - bác sĩ, bao nhiêu người được trở về từ cõi chết? Không có kỹ thuật số, con người không thể kết nối với nhau để cùng phòng chống dịch một cách kiên cường. Công nghệ số giúp bao doanh nghiệp, người lao động giữ được việc làm, thay đổi tư duy về quản trị, bảo đảm việc làm trong quy trình mới.
Những ngày giãn cách xã hội, chỉ có công nghệ mới kết nối con người, là biểu hiện sinh động của xã hội phát triển, linh hoạt. Không có thông tin về nhau là đã lo âu, có thông tin để yên tâm, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Còn kết nối là còn thế giới hiện hữu, còn đời sống quanh mình.
Lan tỏa sự bình tĩnh
Nhận thức thay đổi, lối sống cũng thay đổi. Con người nay đã bình tĩnh tiếp nhận thông tin và ứng xử. Trước đây tại nơi sống và làm việc, một ca F1 là đã lo ngại, một ca F0 chắc chắn là lo lắng. Một ca F0 là phong tỏa cả tòa nhà. Nay thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, sự bình tĩnh đã lan tỏa trong xã hội. Bình tĩnh mà không chủ quan, vẫn siết chặt nghiêm túc thực hiện 5K. Từ đó tạo niềm tin, ý thức của từng cá nhân trở thành yếu tố pháp trị, phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho cá nhân và cộng đồng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, làm việc từ xa và họp trực tuyến đã trở nên phổ biến. Làm việc từ xa đã giúp con người không còn lệ thuộc các phương thức làm việc trên giấy tờ. Công nghệ số giúp con người có thể làm việc tại bất cứ đâu đã giải phóng con người khỏi những hạn chế về mặt không gian, thay đổi đáng kể cuộc sống con người. Cũng từ trong đại dịch, người dân TP HCM và cả nước càng thấy rõ tầm quan trọng của kết nối, của công nghệ trong chuỗi cung ứng. Mua hàng qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt trở nên quen thuộc, dần trở thành một xu thế quan trọng. Dù muốn hay không, họp qua mạng và học trực tuyến, khám bệnh từ xa… cũng là một xu hướng của sự phát triển.
Ngay cả bữa ăn gia đình cũng khác. Những ngày giãn cách là ngày các gia đình có những bữa cơm đủ các thành viên, cũng là dịp các bà nội trợ thể hiện tài bếp núc hoặc học hỏi, chế biến được món mới làm ngon miệng cả nhà. Ba bữa cơm trong ngày tưởng đơn giản, hóa ra lại không dễ với nhiều chị em và qua đại dịch, nhiều người đã trở thành những "nội tướng" tài ba.
Bình luận (0)