Triển lãm phi thương mại "Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ" do nhà đấu giá thế giới Sotheby’s tổ chức, với sự giám tuyển của Ace Lê, đã diễn ra tại Park Hyatt Saigon từ ngày 11 đến 14-7, giới thiệu 56 tác phẩm của "bộ tứ Paris", thu hút sự chú ý của giới mộ điệu.
Tranh Đông Dương được chú ý
Triển lãm "Hồn xưa bến lạ" được xem là triển lãm tranh Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị lẫn số lượng. Triển lãm quy tụ 56 tác phẩm đắt giá, trải dài theo sự nghiệp của bộ tứ danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Đây là lần đầu tiên tác phẩm của cả 4 danh họa tề tựu. Họ đứng gần nhau giúp nâng tầm giá trị của tác phẩm, cho thấy một bức tranh khái quát hơn về mỹ thuật Đông Dương.
Khách xem triển lãm “Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ” (Ảnh: MINH QUANG)
Giám tuyển triển lãm, ông Ace Lê, nhận định Sotheby’s đã có màn chào sân ấn tượng với cộng đồng người yêu nghệ thuật trong nước, các nhà sưu tầm và giới chuyên môn. Về cách tổ chức một triển lãm phi thương mại, phục vụ đại đa số khán giả, không chỉ giới hạn cho những khách mời VIP, Sotheby’s cho thấy tầm nhìn của họ về mặt quan sát thị trường và những nước đi có tính toán cặn kẽ.
Thời gian qua, dòng tranh Đông Dương được chú ý trên các sàn đấu giá quốc tế với những cú gõ búa nâng tầm giá tranh. Tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ liên tục lập kỷ lục về giá. Bức "Chân dung cô Phương" (Portrait of Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong đợt đấu giá tháng 4-2021; danh họa Lê Phổ cũng có 4 tranh cán mốc triệu đô gồm "Thiếu nữ choàng khăn" (1,1 triệu USD), "Khỏa thân" (1,4 triệu USD), "Đời sống gia đình" (1,1 triệu USD) và "Dáng hình trong vườn" (2,28 triệu USD)…
Tại "Hồn xưa bến lạ", nhiều bức trong tổng số 56 tác phẩm được các họa sĩ vẽ ở nước ngoài. Chúng từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá, về tay một số nhà sưu tầm trước khi "hồi hương" và nằm yên trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm Việt. Vì giá trị lớn và chưa có dịp phù hợp, nên dù "có mặt" tại Việt Nam, gần như giới yêu hội họa trong nước chưa có cơ hội xem tranh.
Việc chọn tranh của "bộ tứ Paris" cho lần chào sân này, Sotheby’s cho biết xét cả về mặt lịch sử và lịch sử mỹ thuật, hành trình các tác phẩm của bộ tứ này mang tính đại diện lớn cho quá trình trở về nguồn cội của tranh Đông Dương nói chung. Phong cách sáng tác của họ cũng thể hiện sự kết hợp Đông - Tây nhuần nhuyễn: Mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác du nhập từ Tây phương nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ.
Về mặt thị trường, các tác phẩm của bộ tứ này đã liên tục phá kỷ lục gõ búa, đứng đầu thị trường Việt Nam, vượt qua sức mua của đại đa số công chúng, của cả các bảo tàng công lập. Các tác phẩm hồi hương đều nằm trong tư gia của các nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật tư nhân, nên việc lựa chọn các tác phẩm lần này giới thiệu tới công chúng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa sự tiếp cận với mỹ thuật Đông Dương.
Ý thức thưởng lãm tranh
Giám tuyển Ace Lê khẳng định sau Sotheby’s, các nhà đấu giá quốc tế khác sẽ mạnh dạn vào Việt Nam hơn. Sotheby’s cũng đã nghĩ đến việc thành lập một chi nhánh tại Việt Nam và điều này gợi mở nhiều tín hiệu vui cho những người yêu hội họa trong nước.
Những hứa hẹn của Sotheby’s hay những lời khen của giám tuyển Ace Lê dành cho thị trường Việt Nam hoàn toàn có cơ sở. Thuận lợi lớn nhất của triển lãm chính là sự ủng hộ không vụ lợi từ cộng đồng cho dự án phi thương mại này. Bên cạnh các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ về cố vấn và thông tin, còn có nhiều nhà tài trợ giấu tên và đội ngũ tình nguyện viên tham gia.
"Điều hài lòng lớn nhất cũng là thách thức lớn nhất, đó là sự tiếp nhận từ công chúng. Triển lãm đã nhận được sự quan tâm vượt mong đợi, số lượng người đăng ký trong toàn bộ các khung giờ viếng thăm vượt 140% so với dự kiến" - đại diện của Sotheby’s cho biết. Trong 30 phút mở cổng đăng ký xem "Hồn xưa bến lạ", ban tổ chức nhận hơn 3.000 lượt đăng ký.
Nhiều số liệu quốc tế cho thấy Việt Nam đang là thị trường nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á nhưng Sotheby’s lại chưa có chi nhánh như ở Indonesia, Thái Lan hoặc Singapore. Để mở cánh cửa cho các nhà đấu giá quốc tế bước vào Việt Nam, ngoài việc xây dựng và phát triển thị trường tranh Việt một cách minh bạch, bền vững thì xây dựng ý thức thưởng lãm tranh cũng là điều quan trọng.
Theo các nhà chuyên môn, sự tăng lên về mặt số lượng, chất lượng của các hoạt động hội họa theo thời gian cần tỉ lệ thuận với thói quen thưởng lãm tranh chuyên nghiệp hơn của cộng đồng. Những quy định buộc người xem tranh tuân thủ không mới nhưng ở Việt Nam vẫn có những trường hợp phạm quy.
Từ những điều đơn giản như tắt chuông và không nghe điện thoại trong triển lãm, không làm ồn, nếu mang ba-lô lớn cần cầm trên tay thay vì mang trên vai, không chụp ảnh bằng những thiết bị chuyên nghiệp đến việc người xem không được bước gần vạch kẻ để bảo vệ tác phẩm.
Bình luận (0)