Ngày 15-3-1953, tại Chiến khu Việt Bắc (ATK), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam". Kể từ đó, ngày 15-3 đã ghi dấu ấn lịch sử bắt đầu con đường xây dựng, phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định bằng ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật điện ảnh, các thế hệ nghệ sĩ đã bắc những nhịp cầu để bản sắc Việt Nam vươn xa, hội nhập thế giới. Đặc biệt, 5 năm gần đây, ngành điện ảnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động có sức lan tỏa trong xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế, khẳng định thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, từ đó nâng tầm điện ảnh Việt Nam tại khu vực và quốc tế. Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, giai đoạn 2010-2013, mỗi năm cả nước chỉ sản xuất trên dưới 15 phim/năm, đến giai đoạn 2015-2017 đã đạt mức 40 phim/năm, doanh số phát hành, phổ biến phim tăng trung bình trên 20%. Riêng năm 2017, doanh thu từ hoạt động này đạt 3.250 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, Việt Nam có 740 phòng chiếu phim, chất lượng phim Việt Nam được cải thiện rõ rệt.
Phim "Siêu sao siêu ngố" đang lập kỷ lục doanh thu phim chiếu Tết 2018
Ghi nhận thành tích của Cục Điện ảnh từ năm 2013-2017, sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trao Huân chương Lao động hạng nhì cho Cục Điện ảnh.
Bình luận (0)