"Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt" là đứa con tinh thần thứ 5 của nhà văn Đoàn Tuấn sau những tác phẩm viết về chiến trường K đã gây tiếng vang như: "Đất bên ngoài Tổ quốc", "Mùa linh cảm", "Một trăm ngày trước tuổi 20", "Mùa chinh chiến ấy".
Thông tin về tác giả ở bìa sách cũng vô cùng đơn giản với hai dòng ngắn ngủi: Đoàn Tuấn - Nhập ngũ tháng 8-1978. Chiến sĩ thông tin D8-E29-F307.
Buổi ra mắt sách còn có sự góp mặt của nhà thơ Lê Minh Quốc, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Thái Bá Lợi… cùng các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Tác giả cùng khách mời trò chuyện, giao lưu với bạn đọc. Ảnh: NXB Tổng hợp
Lời kinh cầu dành cho người mất, người còn
Xuyên suốt "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt" là những câu chuyện chiến đấu trên chiến trường K, vùng đất mà người lính tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống.
Nhà văn Đoàn Tuấn kể chuyện thông qua nhân vật Ánh - một cựu chiến binh trở về từ Campuchia, xây dựng gia đình và có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Nhưng, ký ức về những năm tháng chiến đấu gian nan và sự hy sinh của đồng đội làm Ánh trăn trở, thôi thúc phải quay lại Campuchia. Cuối cùng, người chiến sĩ năm nào trở thành nhà sư, lấy tên theo tiếng Khmer là Phteah Saniphap (tiếng Việt là Ngôi nhà hòa bình). Ánh cùng những nhà sư quê hương Chùa Tháp cất lên tiếng kinh cầu cho linh hồn người lính, người dân Campuchia đã nằm xuống trong lòng cuộc chiến.
Tác phẩm mang đến một góc nhìn khác về chiến tranh, về nỗi đau hậu chiến, nỗi niềm và sự ám ảnh của người mẹ, người vợ có thân nhân nằm lại bên kia bên giới và của những đồng đội của nhà văn Đoàn Tuấn - "những người còn sống trở về, rất đáng yêu trong cuộc sống thường ngày".
Nhà văn Đoàn Tuấn và tác phẩm "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu bạt". Ảnh: NXB Tổng hợp
"Tôi vẫn hằng ngày, hằng tháng, hằng năm gặp gỡ những người đồng đội cũ để được nghe câu chuyện của họ. Tôi đọc thêm sách về Campuchia và cuộc chiến tranh này để có cái nhìn rõ nét, sâu sắc hơn" - tác giả Đoàn Tuấn trả lời độc giả khi được hỏi về nguồn chất liệu dồi dào khi viết tổng cộng 5 tác phẩm về chiến trường K.
Là một trong những người tiếp cận với tác phẩm đầu tiên, nhà thơ Lê Minh Quốc bộc bạch: "Đoàn Tuấn đã đi đúng hướng, đi vào triết lý Á Đông: Một lời kinh cầu. Sau tất cả, sau cuộc chiến tranh, không có gì hơn một lời kinh cầu. Tuấn đã đi vào đó và đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người với một quyển sách không dễ viết như thế này".
Cuộc hội ngộ đầy cảm xúc
Nhà văn Đoàn Tuấn từ Hà Nội vào TP HCM để giao lưu cùng bạn đọc. Đây cũng là dịp ông cùng những người bạn cũ, đồng đội cũ ôn lại kỷ niệm cùng nhau chiến đấu. Buổi giới thiệu sách được nhà thơ Lê Minh Quốc - người bạn tâm giao, người đồng đội tại chiến trường K của tác giả - dẫn dắt bằng những câu chuyện chân thật, hóm hỉnh.
Dưới khán đài, màu áo lính lấp kín những hàng ghế khán giả. Họ là những chiến sĩ đã trở về sau chiến tranh, sống những cuộc đời khác nhau trong cuộc sống đời thường. Gặp lại nhau với niềm hân hoan, họ cùng đàn hát, đọc thơ và cùng kể lại ký ức khó phai của đời lính.
Ca khúc "Màu hoa đỏ" được trình diễn trên sân khấu buổi ra mắt sách. Ảnh: NXB Tổng hợp
Trong số họ, có người từng suýt chết trong gang tấc vì giẫm phải mìn; có người ở đội đóng quan tài, tự tay khâm liệm thi thể đồng đội; có người là thủ trưởng cũ kính yêu của anh em...
Khúc ca “Màu hoa đỏ” vang lên với những câu hát ghi tạc vào lòng: "Có người lính, mùa thu ấy, ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa thu ấy, ra đi từ đó không về".
Hơn cả một buổi ra mắt sách, cuộc gặp mặt lần này mang đến nhiều xúc cảm cho tất cả bạn đọc có mặt tại đường sách Nguyễn Văn Bình.
Bình luận (0)