Thế giới tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung được hư cấu trên nền tảng có thật của đất nước Trung Hoa hiếu võ ngày xưa. Đất nước ấy có nhiều môn phái, bang hội, tôn giáo có vũ trang, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của "vương pháp".
Mỗi môn phái, bang hội, tôn giáo đều có một loại võ công cao cấp nhất gọi là công phu trấn sơn, trấn bang. Mỗi thứ công phu đặc thù được gọi là "pháp", đứng trước nó là từ chỉ phương tiện hoặc vũ khí. Từ đó, người ta có kiếm pháp, đao pháp, tiên pháp, côn pháp, chưởng pháp, chỉ pháp, quyền pháp, cước pháp...
Võ công trấn bang của Cái bang là bổng pháp - phép đánh bằng gậy. Cái bang là bang của người ăn xin, không có tiền nên không thể đúc ra những cây gậy bằng kim loại. Họ chỉ kiếm đoạn tre trúc làm gậy để xua đuổi những con chó muốn nhào vào cắn mình. Đặc điểm của loài chó là hay sủa và rượt đuổi người áo quần rách rưới, mà bang chúng Cái bang thì ai cũng rách rưới cả. Vì vậy mà chó ưu tiên tấn công bang chúng Cái bang. Bang chúng phải dùng gậy để đánh chó, giữ mình nên có thêm 2 chữ "Đả cẩu" đi trước "bổng pháp", thành ra "Đả cẩu bổng pháp".
Nhà văn Kim Dung xếp Cái bang đứng đầu trong các bang hội, ngang hàng với phái Thiếu Lâm đứng đầu các môn phái và Minh giáo (Ma giáo - Manichéisme, một nhánh của Bái Hỏa giáo Ba Tư truyền sang Trung Hoa) đứng đầu các giáo phái. Tác phẩm của ông xây dựng lực lượng Cái bang rất hùng mạnh, đông đảo, yêu nước nồng nàn, giúp người hoạn nạn, cứu kẻ lâm nguy, hành xử đứng đắn trước mọi tình huống. Bang chúng Cái bang sống nhờ vào tình thương và của bố thí từ bá tánh. Những năm mất mùa đói kém xin ăn không được, họ đành phải... trộm cắp để sống. Trong các thứ bị họ trộm cắp có cả... chó. Họ sử cây gậy đánh chó làm thịt ăn, "nghiệp vụ" cũng tương tự… cẩu tặc ngày nay!
Bìa các bộ sách "Thần điêu hiệp lữ", "Thiên Long bát bộ", "Xạ điêu anh hùng truyện", "Ỷ thiên Đồ long ký"
Cây gậy của bang chúng là gậy bằng tre trúc tầm thường nhưng Đả cẩu bổng của các bang chủ thì lại khác, không biết làm bằng chất liệu gì mà có màu xanh biêng biếc và lóng lánh của thân cây trúc. Chỉ có các vị bang chủ như Hồng Thất Công ("Xạ điêu anh hùng truyện"), Hoàng Dung và Lỗ Hữu Cước ("Thần điêu hiệp lữ"), Kiều Phong ("Thiên Long bát bộ"), Sử Hồng Ngọc ("Ỷ thiên Đồ long ký") mới được quyền cầm cây trúc bổng này. Công phu Đả cẩu bổng pháp là võ công bí truyền của bang chủ, chỉ bang chủ mới được học võ công này và được truyền lại cho người kế nhiệm.
Nói là nói vậy nhưng bang chủ Cái bang không thể giữ riêng công phu này cho mình. Khi chiến đấu với kẻ thù hay lúc dạy cho truyền nhân, bang chủ phải giở chiêu thức Đả cẩu bổng pháp ra. Mà hễ có chiêu thức thì có người đứng bên ngoài học lén hoặc ghi nhớ. Dương Quá trong "Thần điêu hiệp lữ" không phải là người của Cái bang nhưng vẫn học lén được Đả cẩu bổng pháp khi Hoàng Dung dạy cho Lỗ Hữu Cước.
Đả cẩu bổng pháp yêu cầu 3 nguyên tắc căn bản: Chỉ có bang chủ mới được sử cây trúc bổng xanh biếc, chỉ có người học được công phu này mới được lên làm bang chủ và chỉ có bang chủ mới có quyền dạy cho người kế tục sự nghiệp của mình. Cây trúc bổng trở thành tín vật tượng trưng cho quyền uy bang chủ, thấy nó như thấy bang chủ.
Kim Dung hư cấu Đả cẩu bổng pháp gồm 36 chiêu thức rất khinh linh, mỗi chiêu thức có nhiều cách biến hóa khác nhau thật tinh vi, ảo diệu. Những chiêu thức ấy có tên gọi đàng hoàng: Bổng đả cẩu thủ, Ác cẩu lan lộ, Bổng đả song khuyển, Cẩu giảo cẩu cốt, Phong cẩu giảo hầu, Tà đả cẩu bối, Ngao khẩu đoạt trượng, Bát cẩu triều thiên, Phản tróc cẩu đồn... Chiêu thức 36 có cái tên rất triết lý: Thiên hạ vô cẩu.
Thiên hạ vô cẩu có nghĩa là cuộc đời không còn chó nữa. Mà làm sao cuộc đời không còn chó nữa khi Trung Hoa là một đất nước nông nghiệp, nông dân thường nuôi chó để giữ nhà? Vậy thì chữ "chó" ở đây mang một ý nghĩa rất biểu tượng: Đó là tham quan, ô lại, kẻ ác, kẻ bán nước, nhận giặc làm cha. Đả cẩu bổng pháp, công phu tối thượng của Cái bang, là nhằm trừng phạt những kẻ ấy; mong trên đời không còn tham quan, không còn kẻ ác, kẻ bán nước. Một pho công phu trấn bang bỗng nhiên lại có nội hàm chính trị rất sâu sắc.
Cây gậy tre trúc bình thường vụt trở nên một đường bổng pháp nhẹ nhàng, thanh thoát; khi lâm trận đủ sức hóa giải những loại võ công thuần âm cực độc như Cửu âm bạch cốt trảo hoặc võ công thuần dương cương mãnh như Hàng long thập bát chưởng. Nếu ta hiểu tre trúc là biểu tượng của nông dân thì Đả cẩu bổng pháp chính là sự tập hợp sức mạnh nông dân để đánh giặc giữ nước, cứu trăm họ.
"Xạ điêu anh hùng truyện" xây dựng cặp vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung xả thân chỉ huy giữ thành Tương Dương trước sự tấn công của quân Mông Cổ. Hoàng Dung là bang chủ Cái bang, sử Đả cẩu bổng pháp rất tinh thục. Dương Quá học lén được mấy chiêu thức của Hoàng Dung, cùng giúp vợ chồng bà giữ thành Tương Dương. "Xạ điêu anh hùng truyện" trở thành bài ca của chủ nghĩa yêu nước, trong đó công phu Đả cẩu bổng pháp nổi bật lên như một phương tiện đánh giặc, giữ thành, bảo vệ trăm họ.
Bình luận (0)