Cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay 2018-2019" và cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động 2019" do Báo Người Lao Động tổ chức đã tổng kết và trao giải vào sáng 25-7 tại khách sạn Rex (TP HCM).
Đánh thức sự đồng cảm
Tác phẩm "Dưới ánh sáng thiên đường" của tác giả Trịnh Phương Trà (Phú Yên) vượt qua 37 tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay" để đoạt giải nhất (30 triệu đồng). Tác phẩm "Mùa đông đã về" của tác giả Nguyễn Lê Vân Khánh (Đà Nẵng) đoạt giải nhì (20 triệu đồng). Hai tác phẩm "Bốn cái vỏ xe" của tác giả Đặng Chương Ngạn (TP HCM) và "Phỏng vấn" của tác giả Kiều Bích Hương (Hà Nội) đồng giải ba (12 triệu đồng/giải). Năm tác phẩm đoạt giải khuyến khích (7 triệu đồng/giải) gồm: "Cuộc gặp" của Trúc Thiên (TP HCM), "Phượng" của Dương Bình Nguyên (TP HCM), "Mình sẽ đi đâu?" của Lê Quang Trạng (An Giang), "Chiếc muỗng" của Huỳnh Trọng Khang (TP HCM) và "Trước giờ đi thật xa" của Khánh Liên (Ninh Thuận).
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao thưởng cho 5 tác giả đoạt giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường" của Trịnh Phương Trà (phóng viên Báo Phú Yên) khắc họa hình ảnh người thầy thuốc nhân hậu đã chạy đua với thời gian để làm hồi sinh những trái tim đang kiệt sức. Sử dụng khéo léo một số từ ngữ chuyên môn, dồn nén thời gian trong không gian nhỏ hẹp của phòng mổ, tác phẩm đánh thức sự đồng cảm với những lương y giàu lòng hy sinh trong bối cảnh xã hội đang có biểu hiện sa sút về y đức. Chia sẻ tại lễ trao giải, tác giả Trịnh Phương Trà nói: "Tôi quá bất ngờ! Khi tham dự một cuộc thi, một sân chơi lớn như cuộc thi truyện ngắn của Báo Người Lao Động, với hơn 500 tác phẩm dự thi, tôi không nghĩ mình có cơ hội chiến thắng giải thưởng cao. Tác phẩm của tôi đã có được sự đồng cảm của ban giám khảo, đó là một chiến thắng cao hơn mọi giải thưởng. Bởi tôi còn là một nhà báo, "Dưới ánh sáng thiên đường" là một tác phẩm tâm huyết tôi muốn gửi đến bạn đọc về những đặc thù trong công việc của các y - bác sĩ, những góc nhìn chuyên môn sâu về lĩnh vực y khoa. Tôi hạnh phúc vô bờ với giải thưởng này".
Trong khi đó, truyện ngắn "Mùa đông đã về" của Nguyễn Lê Vân Khánh không đề cập trực diện đến lao động nghề nghiệp nhưng viết về cách ứng xử của con người với đời sống, để cuối cùng tìm thấy sự bình an của tâm hồn qua công việc yêu thích nơi một quán nhỏ miền quê xa. Trái với truyện ngắn giàu chất thơ của Nguyễn Lê Vân Khánh là tác phẩm dữ dội và đầy góc cạnh của Đặng Chương Ngạn: "Bốn cái vỏ xe". Cài đặt những chi tiết trong một cấu trúc chặt chẽ dẫn đến kết thúc đau đớn, tác giả cảnh báo về luật nhân quả nhãn tiền nếu con người để cho quỷ dữ của lòng tham dụ dỗ, sa vào điều ác.
Đầy ắp hơi thở cuộc sống
Với chủ đề "Người lao động hôm nay", cuộc thi truyện ngắn tập trung thể hiện cuộc sống và tâm hồn của người lao động trong xã hội hiện thời, nêu bật và ca ngợi vẻ đẹp trong chân dung những con người đang nỗ lực dựng xây đất nước và dựng xây đời mình. Ban Tổ chức cuộc thi nhận định: "Viết cho độc giả báo chí và bị giới hạn trong khuôn khổ đề tài và số chữ, các tác giả tham gia cuộc thi chưa đầu tư nhiều cho kỹ thuật và nghệ thuật. Tuy nhiên, nỗ lực tìm tòi của các nhà văn vẫn có thể nhận thấy qua cách dựng truyện linh hoạt, ngôn ngữ sống động và tự nhiên như: "Cuộc gặp" của Trúc Thiên, "Phượng" của Dương Bình Nguyên, "Cái muỗng" của Huỳnh Trọng Khang hay "Mình sẽ đi đâu?" của Lê Quang Trạng.
"Qua những tác phẩm đã đăng báo, độc giả có thể nhận thấy hơi thở cuộc sống từ những truyện ngắn này dường như cũng hấp thu chất thời sự nóng hổi của tờ báo; ngược lại, nó truyền thêm cái tình, chất văn vào những dòng chữ in. Thật sự là không có gì lỗi nhịp với đời sống trong những truyện ngắn đã được tuyển chọn. Bạn đọc cảm thấy được hâm nóng bởi những vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày: sự suy thoái của môi trường sinh thái; nỗi bất trắc từ những dự án thu hồi đất; nạn cờ bạc, nạn làm hàng giả... Đồng thời, người đọc cũng điềm tĩnh hơn trong nhận thức và lý giải nguồn cơn của những thực tế đó. Bóng tối đáng sợ nhất không phải là bóng tối ngoài xã hội mà là bóng tối trong lòng người. Ánh sáng có ý nghĩa cứu chuộc và giải thoát vẫn là ánh sáng của lương tri" - GS-TS - nhà lý luận phê bình văn học Huỳnh Như Phương, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi, nhận xét.
Phát động từ ngày 3-5-2018, kết thúc ngày 10-7-2019, cuộc thi truyện ngắn với chủ đề "Người lao động hôm nay" góp phần làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn học. Cuộc thi đã nhận khoảng 600 tác phẩm dự thi, trong đó 58 truyện ngắn được chọn đăng báo và 37 truyện được đưa vào chấm chung khảo. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Tô Đình Tuân, phát biểu tại lễ tổng kết trao giải: "Những năm gần đây, văn học đang bị lấn át bởi nhiều lĩnh vực khác nên có lúc nhiều người tưởng rằng văn học đang dần mờ nhạt đi trong đời sống chúng ta. Nhưng với 600 tác phẩm dự thi trong khoảng thời gian 14 tháng phát động, chúng ta có thể khẳng định điều ngược lại, rằng văn học vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống".
Chân thành cảm ơn: Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM, Công ty CP Vinamit, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, khách sạn Bến Thành (Rex Hotel ) đã đồng hành cùng cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” 2018-2019 và cuộc thi ảnh “Nét đẹp lao động” 2019.
Ban Tổ chức
"Đồng muối Cần Giờ" dẫn đầu cuộc thi ảnh
Cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động" 2019, do Liên đoàn Lao động TP HCM và Báo Người Lao Động tổ chức (phát động trên Báo Người Lao Động điện tử) từ ngày 16-4-2019, kết thúc nhận tác phẩm tham gia vào ngày 15-7-2019. Chỉ trong 3 tháng, cuộc thi đã nhận được tới 510 tác phẩm của 105 tác giả gửi dự thi. "Nét đẹp lao động" là "cuộc chơi" chủ yếu dành cho CNVC-LĐ và người lao động nói chung - phần lớn là các tay máy không chuyên. Thế nhưng, số lượng tác phẩm - tác giả tham gia cũng như phạm vi đề tài, chất lượng hình ảnh thể hiện đã cơ bản đáp ứng sự trông đợi của ban tổ chức.
Trong 510 tác phẩm gửi đến cuộc thi "Nét đẹp lao động", ban tổ chức đã chọn ra 8 bức ảnh tiêu biểu nhất để trao giải. Tác phẩm "Đồng muối Cần Giờ" của tác giả Nguyễn Ngọc Hải đoạt giải nhì (không có giải nhất). Đồng giải ba là 2 tác phẩm: "Cuộc chiến không khoan nhượng" của tác giả Lư Thế Phương và "Niềm vui của bà" của tác giả Nguyễn Ngọc Luân. Năm tác phẩm đoạt giải khuyến khích là: "Phơi chân hương" của Nguyễn Quốc Huy, "Truyền nghề" của Phan Thị Khánh, "Nụ cười" của Đặng Hồng Long, "Nhuộm lác" của Vũ Hiếu Minh và "Khơi sáng cho công nghệ" của Nguyễn Lâm Triều.
Phát biểu tại lễ trao giải "Nét đẹp lao động", tác giả Nguyễn Ngọc Hải nhận xét: "Đây là một sân chơi ý nghĩa cho giới nhiếp ảnh vì điều này sẽ là động lực thúc đẩy hành trình sáng tạo, sự phấn khích trong sáng tác của người yêu nhiếp ảnh".
Bình luận (0)